Thứ Hai, 29/05/2023, 09:33 (GMT+7)
.
GIÁM ĐỐC CÔNG TY ĐIỆN LỰC TIỀN GIANG LÊ HỮU ĐỨC:

Nỗ lực cao nhất để việc cung cấp điện không bị gián đoạn

Đánh giá về tình hình cung ứng điện nói chung, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng, trong thời gian gần đây cũng như các giải pháp trong thời gian tới, Giám đốc Công ty Điện lực Tiền Giang Lê Hữu Đức cho biết:

Theo Văn bản 2466 ngày 15-5-2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc đẩy mạnh tiết kiệm điện mùa khô và năm 2023, đến ngày 11-5-2023 đã có 11/47 hồ thủy điện lớn có mực nước đã về mực nước chết hoặc gần mực nước chết bao gồm: Lai Châu, Trung Sơn, Đồng Nai 2, Buôn Tua Srah, Hương Sơn, Trị An, Ialy, Sông Ba Hạ, Xekaman 1, Đakr Tih, Sê San 4; có 21/47 hồ thủy điện lớn có dung tích mực nước còn lại dưới 20% và 16 hồ có mực nước thấp hơn mực nước tối thiểu của quy trình vận hành liên hồ chứa. Riêng tháng 4 và đầu tháng 5, nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm, một số hồ chỉ đạt 20% so với trung bình nhiều năm, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện.

Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng điện vào mùa nắng nóng và các tháng 5, 6, 7 có xu hướng tăng cao (cụ thể ngày 6-5-2023, mặc dù là ngày nghỉ cuối tuần và ngay sau dịp nghỉ Lễ 30-4 và 1-5 nhưng nhu cầu điện của hệ thống điện quốc gia đã tăng lên mức kỷ lục mới, với mức 895 triệu kWh, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng hơn 12% so với cùng kỳ tháng 5-2022; công suất tiêu thụ cực đại đạt 43.300 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng hơn 9% so với cùng kỳ tháng 5-2022).

Riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, trong đợt nắng nóng vừa qua, phụ tải cũng tăng lên mức kỷ lục mới 14,198 triệu kWh (ngày 21-4-2023), tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022 (13,145 triệu kWh, ngày 14-4-2022).

* Phóng viên (PV): Như vậy, đâu là khó khăn trong việc cung cấp điện hiện nay?

* Đồng chí Lê Hữu Đức: Trong những ngày qua, nắng nóng gay gắt kéo dài trên diện rộng làm sản lượng điện tiêu thụ tăng rất cao. Một số đường dây, trạm biến áp vận hành đầy tải, quá tải làm xảy ra một số sự cố cục bộ trên lưới điện, việc này có nguy cơ gây ra sự cố lưới điện trên diện rộng. Để tránh nguy cơ sự cố lan rộng, công ty phải thực hiện tiết giảm điện chủ động để đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, liên tục.

Điện lực Tiền Giang duy tu, bảo dưỡng đường dây trên địa bàn TP. Mỹ Tho.                                                                                                                                              Ảnh: TUẤN  LÂM
Điện lực Tiền Giang duy tu, bảo dưỡng đường dây trên địa bàn TP. Mỹ Tho. Ảnh: TUẤN LÂM

* PV: Trước thực tế hiện nay, ngành Điện Tiền Giang sẽ có giải pháp gì trong việc cung ứng điện trong thời gian tới?

* Đồng chí Lê Hữu Đức: Trước mắt, ngành Điện Tiền Giang thực hiện đảm bảo tuân thủ phương án cung cấp điện ứng phó với trường hợp mất cân đối cung cầu năm 2023 mà công ty đã báo cáo Sở Công thương Tiền Giang (Phương án 6056 ngày 1-12-2022 của Công ty Điện lực Tiền Giang về cung cấp điện năm 2023 ứng phó với trường hợp mất cân đối cung cầu và Kế hoạch 6094 ngày 5-12-2022 của Công ty Điện lực Tiền Giang về cung cấp điện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2023).

Công ty Điện lực Tiền Giang cũng đã thỏa thuận điều chỉnh phụ tải tự nguyện phi thương mại (DR) với các cơ sở sử dụng điện có mức tiêu thụ hằng năm từ 1 triệu kWh trở lên theo Thông tư 23/2017 ngày 16-11-2017 của Bộ Công thương về Quy định nội dung, trình tự thực hiện các Chương trình điều chỉnh phụ tải điện đối với 243 khách hàng đã ký thỏa thuận DR, điều chỉnh giảm nhu cầu sử dụng điện (trong đó có 33 khách hàng là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm), với tổng công suất thỏa thuận là 35.798,62 kW.

Công ty Điện lực Tiền Giang cũng đặc biệt quan tâm đến các khách hàng lớn trên địa bàn như các khu công nghiệp: Long Giang, Mỹ Tho, Tân Hương; các cụm công nghiệp: Trung An, Tân Mỹ Chánh, Gia Thuận, An Thạnh... trong việc đảm bảo cung cấp điện.

Bên cạnh đó, công ty cũng quán triệt và tổ chức triển khai các chỉ đạo của UBND tỉnh Tiền Giang về việc tăng cường tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 - 2025; phối hợp các báo, đài địa phương, các cơ quan báo chí đăng tin, bài tuyên truyền về nội dung tiết kiệm điện, lồng ghép nội dung vào chuyên mục “Điện và đời sống” phát hằng tháng trên Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang, kết hợp tuyên truyền tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường.

Điện lực Tiền Giang nỗ lực việc cung cấp điện đảm bảo an toàn, thống nhất.
Điện lực Tiền Giang nỗ lực cung cấp điện an toàn, thống nhất.

Ngoài ra, công ty cũng tăng cường nhân lực, vật lực bảo trì, bảo dưỡng lưới điện sẵn sàng trong mọi tình huống, đảm bảo cấp điện liên tục, an toàn, ổn định trong thời điểm mùa nắng nóng và trong thời gian tới. Công ty chỉ đạo, điều hành khắc phục nhanh sự cố, có phương án dự phòng cho lưới điện các sự kiện quan trọng (nguồn máy phát dự phòng tại chỗ); chuẩn bị đủ nhiên liệu cho máy phát điện hiện có của đơn vị, đảm bảo sẵn sàng huy động khi cần thiết; khẩn trương trao đổi với các khách hàng có Diesel, hỗ trợ ngành Điện phát điện trong các khung giờ cao điểm.

Công ty Điện lực Tiền Giang đang và sẽ nỗ lực cao nhất để cung cấp điện cho khách hàng, tăng cường 100% nhân lực, thiết bị và ứng trực 24/24 giờ. Tuy nhiên, trong một số thời điểm công ty có thể phải thực hiện tiết giảm điện chủ động để đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, liên tục. Do đó, Công ty Điện lực Tiền Giang rất mong nhận được sự thông cảm và chia sẻ của quý khách hàng đối với những khó khăn trong việc cung cấp điện trong thời điểm hiện nay.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

THẾ ANH (thực hiện)

.
.
.