Thứ Tư, 24/05/2023, 16:20 (GMT+7)
.

Thanh kiểm tra thi tốt nghiệp THPT tránh chồng chéo

Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT đã chia sẻ những nội dung quan trọng trong công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Châu Thành (TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: INT
Học sinh lớp 12 Trường THPT Châu Thành (TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: INT

Trong đó, nhấn mạnh giải pháp tránh chồng chéo nhưng bảo đảm đúng vị trí, chức năng nhiệm vụ được giao.

Đúng người, rõ việc

- Ông có thể cho biết những điểm đáng chú ý trong công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023?

- Cần nhấn mạnh, quan điểm chỉ đạo thông suốt từ Ban Chỉ đạo (BCĐ) cấp quốc gia đến BCĐ cấp tỉnh và các địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 là: Tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra các khâu của Kỳ thi đúng phân cấp trách nhiệm quản lý. Bảo đảm tính độc lập của hoạt động; không làm thay nhiệm vụ hoặc làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm tra. Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra các khâu của Kỳ thi hạn chế tối đa chồng chéo. Bố trí cơ cấu, số lượng, thành phần đoàn thanh, kiểm tra ở các khâu của Kỳ thi phù hợp, hiệu quả.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cũng điều chỉnh số lượng cán bộ thanh tra của Sở GD&ĐT và kiểm tra của Bộ GD&ĐT tại Điểm thi hợp lý, đúng quy định. Giao thủ trưởng cơ sở đào tạo có cán bộ, viên chức làm Trưởng đoàn kiểm tra coi thi do Bộ GD&ĐT điều động ký phê duyệt kế hoạch tiến hành kiểm tra. Giao Giám đốc Sở GD&ĐT hoặc thủ trưởng cơ sở đào tạo có cán bộ, công chức, viên chức được điều động làm Trưởng đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ GD&ĐT ký phê duyệt kế hoạch tiến hành kiểm tra.

Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường. Ảnh: Thế Đại
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường. Ảnh: Thế Đại

- Vậy ông cho biết trách nhiệm, quyền hạn của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, các cơ sở đào tạo được phân định thế nào trong hoạt động thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT?

- Đây là năm thứ ba Kỳ thi tốt nghiệp THPT được phân định rõ trách nhiệm cho Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT và các cơ sở đào tạo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra các khâu của Kỳ thi.

Cụ thể, UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi trên địa bàn, tổ chức thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của Kỳ thi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ GD&T, Thanh tra Chính phủ và các quy định pháp luật. Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi, tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của Kỳ thi theo thẩm quyền.

Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch kiểm tra và ban hành quyết định thành lập các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT đối với cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý.

Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Thanh tra tỉnh tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tại địa phương theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Thanh tra Chính phủ. Cơ sở giáo dục đại học phối hợp, cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra công tác coi thi, chấm thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của Bộ GD&ĐT.

- Có giải pháp nào để tránh cơ sở phải đón quá nhiều đoàn thanh, kiểm tra, chồng chéo, gây áp lực không cần thiết nhưng vẫn bảo đảm công tác thanh tra không có điểm mờ, khoảng trống, thưa ông?

- BCĐ thi cấp quốc gia và lãnh đạo Bộ GD&ĐT tổ chức các đoàn làm việc với địa phương về các khâu của Kỳ thi nhằm bảo đảm tính linh hoạt khi thực hiện quy trình kiểm tra của Bộ GD&ĐT.

Năm nay, BCĐ cấp quốc gia chủ trương tổ chức các đoàn làm việc của BCĐ sớm hơn. Dự kiến 4 đoàn kiểm tra của BCĐ cấp quốc gia làm việc với các địa phương bắt đầu từ 5/6. Trong quá trình làm việc sẽ kịp thời kiến nghị với địa phương và có phản ánh về BCĐ cấp quốc gia để chấn chỉnh chung trong toàn hệ thống trước khi Kỳ thi diễn ra.

Cùng đó, xây dựng kế hoạch, thiết kế khung thời gian cụ thể và tổ chức tập huấn, quán triệt cụ thể các sở GD&ĐT, cơ sở đào tạo và đoàn thanh tra, kiểm tra trong quá trình phối hợp thanh tra, kiểm tra Kỳ thi, bảo đảm tránh chồng chéo, gây áp lực không cần thiết.

Vĩnh Phúc kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: INT
Vĩnh Phúc kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: INT

Con người là yếu tố quyết định

- Với đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, ông có lưu ý gì?

- Trong công tác thanh tra, kiểm tra nói chung, đối với Kỳ thi tốt nghiệp THPT nói riêng, con người luôn là yếu tố quyết định. Việc lựa chọn nhân sự tham gia phải bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Nguyên tắc những người không được tham gia đoàn cũng phải được tuân thủ.

Những quy định này đã được nêu rất cụ thể trong Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Lưu ý thêm, người đã tham gia thanh tra chấm thi tự luận không được tham gia thanh tra phúc khảo bài thi tự luận. Người đã tham gia thanh tra chấm thi trắc nghiệm không được tham gia thanh tra phúc khảo bài thi trắc nghiệm.

Các cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng cần lưu ý bảo đảm tính độc lập của hoạt động; không làm thay nhiệm vụ hoặc làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm tra.

Khi phát hiện vi phạm, thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra của Sở GD&ĐT hoặc của Bộ GD&ĐT lập Biên bản ghi nhớ, kiến nghị xử lý theo thẩm quyền. Trường hợp phát hiện vi phạm có mặt cả thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra của Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT, thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra của Sở GD&ĐT lập Biên bản ghi nhớ và kiến nghị xử lý theo thẩm quyền. Thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ GD&ĐT ghi nhận thông tin vào nhật ký.

Trường hợp đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ GD&ĐT, đoàn của BCĐ thi các cấp phát hiện vi phạm, kiến nghị xử lý, Thanh tra của Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường phải theo dõi việc thực hiện kiến nghị đó.

Khi các đoàn của BCĐ, lãnh đạo các cấp đến kiểm tra, làm việc theo chức năng, nhiệm vụ tại Hội đồng thi/Điểm thi, các đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ, của Sở, Cục Nhà trường thực hiện nhiệm vụ bình thường, giữ vị trí theo phân công. Cử đại diện báo cáo các đoàn của BCĐ, lãnh đạo các cấp nếu được yêu cầu.

- Để bảo đảm yếu tố con người, công tác tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm nay có gì đáng chú ý?

- Đến thời điểm này, chúng tôi đã tham mưu để lãnh đạo Bộ GD&ĐT ban hành hệ thống văn bản phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi, gồm: Phương án, Kế hoạch, Hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Bộ tài liệu Tập huấn mới gồm: Biên soạn lại kịch bản, Sổ tay, Tài liệu điện tử và bộ câu hỏi/đáp án cũng được chuẩn bị để phù hợp điểm mới của Quy chế thi sửa đổi, hướng dẫn tổ chức Kỳ thi.

Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Công an để phổ biến quy định liên quan trong bảo đảm an ninh, an toàn Kỳ thi, quy định về các vật dụng mang vào khu vực thi, phòng thi.

Chúng tôi dự kiến tổ chức 4 hội nghị tập huấn: 2 hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cho đại biểu là cán bộ cốt cán 63 Sở GD&ĐT, cán bộ cốt cán các cơ sở giáo dục dự kiến điều động tham gia kiểm tra công tác coi thi; 2 hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thanh tra, kiểm tra chấm thi, phúc khảo, lưu động và đột xuất cho những người dự kiến tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ GD&ĐT.

Để triển khai hiệu quả công tác tập huấn, các sở GD&ĐT cần cử cán bộ cốt cán tham gia hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 do Bộ GD&ĐT tổ chức. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra cho những người tham gia công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của Kỳ thi tại địa phương. Cử cán bộ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức chấm thi theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT.

Đối với cơ sở đào tạo dự kiến điều động tham gia thanh tra, kiểm tra công tác coi thi, chấm thi, cần cử cán bộ cốt cán tham gia hội nghị tập huấn nghiệp vụ kiểm tra công tác coi thi, chấm thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 do Bộ GD&ĐT tổ chức. Lựa chọn cán bộ đảm bảo tiêu chuẩn để tổ chức tập huấn nghiệp vụ kiểm tra coi thi cho những người được điều động tham gia công tác kiểm tra coi thi theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Năm 2023, Bộ GD&ĐT dự kiến điều động khoảng 130 cơ sở giáo dục đại học cử cán bộ, giảng viên tham gia đoàn kiểm tra công tác coi thi của Bộ GD&ĐT tại 63 Sở GD&ĐT/Hội đồng thi với khoảng 8.000 cán bộ, giảng viên đến kiểm tra trực tiếp công tác coi thi tại từng Điểm thi/Hội đồng thi. Với công tác chấm thi, số lượng cơ sở giáo dục đại học Bộ GD&ĐT dự kiến điều động khoảng 80. Các cơ sở này cử cán bộ, giảng viên tham gia đoàn kiểm tra công tác chấm thi của Bộ GD&ĐT với khoảng 160 cán bộ, giảng viên, đến kiểm tra trực tiếp công tác chấm thi tại 63 Sở GD&ĐT/Hội đồng thi.

(Theo giaoducthoidai.vn)
 


 

.
.
.