Người dân có nhiều kênh để giám sát cảnh sát giao thông
Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an, người dân có quyền giám sát lực lượng cảnh sát giao thông bằng mắt, thông qua các thiết bị ghi âm, ghi hình, báo chí…
Từ ngày 15-9, Thông tư số 32 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông có hiệu lực. Liên quan tới nội dung này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an |
- Phóng viên: Thông tư số 32 quy định 4 trường hợp cảnh sát giao thông được dừng phương tiện để kiểm soát, đó là những trường hợp nào, thưa ông?
- Đại tá NGUYỄN QUANG NHẬT: Theo Thông tư số 32, có 4 trường hợp cảnh sát giao thông được dừng phương tiện để kiểm soát.
Thứ nhất, trực tiếp phát hiện hoặc thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Thứ hai, thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát xe cộ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền ban hành.
Thứ ba, có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Thứ tư, có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân…
- Trong thông tư 32, những nội dung nào được xem là mới so với hiện nay?
- Thông tư đã bổ sung quy định về nội dung kiểm soát đối với các trường hợp giấy tờ đã được tích hợp trong tài khoản định danh điện tử. Khi đó, các giấy tờ được tích hợp trong tài khoản định danh có giá trị như bản cứng. Thông tư cũng quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển kết quả thu thập được bằng những phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đối với các trường hợp vi phạm giao thông đến công an cấp huyện (nơi người vi phạm cư trú hoặc đóng trụ sở) để thực hiện việc xử phạt; quy định hướng dẫn người vi phạm nộp tiền trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của Bộ Công an.
- Thông tư 32 cho phép cảnh sát giao thông khi dừng phương tiện kiểm tra thì không cần nói lời chào như trước kia, ông có thể giải thích rõ hơn quy định này?
- Chúng ta phải hiểu là chào theo điều lệnh công an nhân dân (trừ trường hợp biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã) cũng đã thể hiện lễ tiết, tác phong của lực lượng cảnh sát giao thông nói riêng. Việc chào theo điều lệnh cũng thể hiện sự tôn trọng đối với người vi phạm mà không nhất thiết phải nói lời chào.
- Trong Thông tư mới quy định sự giám sát của người dân đối với lực lượng cảnh sát giao thông như thế nào?
- Người dân có quyền giám sát lực lượng cảnh sát giao thông bằng mắt, thông qua các thiết bị ghi âm, ghi hình, báo chí… Qua giám sát mà phát hiện những dấu hiệu bất thường có thể báo cho công an cấp trên để xử lý, có thể khiếu nại. Nhưng việc giám sát không được ảnh hưởng đến quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng. Việc xác định thế nào là không ảnh hưởng đến lực lượng chức năng thì còn tùy theo tính chất, mức độ của hành vi mà dẫn đến vi phạm pháp luật.
Theo sggp.org.vn