.
CHỦ TỊCH UBND HUYỆN GÒ CÔNG ĐÔNG LÊ VĂN SƠN:

Quyết tâm, nỗ lực xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Cập nhật: 10:16, 01/09/2023 (GMT+7)

Để xây dựng thành công huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao vào năm 2024 theo mục tiêu đề ra, thời gian qua, chính quyền và nhân dân huyện Gò Công Đông quyết tâm, nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện NTM. Phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc có CUỘC trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) Lê Văn Sơn xoay quanh các phần việc, giải pháp thực hiện trong thời gian tới, để huyện đạt chuẩn NTM nâng cao đúng tiến độ.

* PV: Đồng chí cho biết tiến trình thực hiện NTM nâng cao của huyện đến thời điểm hiện tại?

* Đồng chí Lê Văn Sơn: Để đạt chuẩn huyện NTM nâng cao, huyện Gò Công Đông phải đáp ứng một số tiêu chí quan trọng. Trước hết, huyện cần có 11/11 xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM và ít nhất 7/11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; phải đạt tất cả 9/9 tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Đồng thời, cần đạt chuẩn đô thị văn minh đối với 2 thị trấn (Tân Hòa và Vàm Láng) và đạt tỷ lệ hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM từ 95% trở lên.

Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Trầm  và Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng trao Bằng công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và  Bảng tượng trưng tặng công trình phúc lợi trị giá 500 triệu đồng của UBND tỉnh cho xã Tân Thành.
Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Trầm và Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng trao Bằng công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và Bảng tượng trưng tặng công trình phúc lợi trị giá 500 triệu đồng của UBND tỉnh cho xã Tân Thành.

Hiện tại, huyện đã thực hiện và hoàn thành một số tiêu chí huyện NTM nâng cao trong giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể là: Đối với cấp xã: 11/11 xã trên địa bàn huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM; trong đó, có 5/11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Đối với 2 thị trấn Tân Hòa và Vàm Láng đều được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh theo quy định.

Đối với Bộ tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, theo đánh giá chung, huyện đã có 3/9 tiêu chí (24/38 chỉ tiêu) đạt yêu cầu, bao gồm: Thủy lợi và phòng, chống thiên tai; Điện; An ninh trật tự - Hành chính công. Còn lại 6/9 tiêu chí chưa đạt, gồm Quy hoạch, Giao thông, Y tế - Văn hóa - Giáo dục, Kinh tế, Môi trường, Chất lượng môi trường sống, với 14/38 chỉ tiêu chưa đạt.

* PV: Trong quá trình thực hiện, huyện có gặp những khó khăn gì không, thưa đồng chí?

* Đồng chí Lê Văn Sơn: Từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của huyện đã đổi thay rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, quyền và vai trò làm chủ của người dân được đề cao. An ninh, trật tự ở nông thôn được giữ vững; an sinh xã hội ngày càng đảm bảo. Các điều kiện về giáo dục, y tế, văn hóa và môi trường đã được quan tâm và ngày càng hoàn thiện.

 Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông từng bước  đáp ứng yêu cầu của huyện NTM nâng cao.
Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông từng bước đáp ứng yêu cầu của huyện NTM nâng cao.

Tuy nhiên, việc xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao trên địa bàn vẫn còn một số khó khăn lớn, đòi hỏi quyết tâm hơn nữa, đồng bộ của các cấp, các ngành, đoàn thể, nhân dân trên địa bàn. Nhu cầu nguồn lực để xây dựng NTM nâng cao là rất lớn nhưng việc huy động nguồn lực trong thời gian qua chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tác động đến nhiều mặt.

Kinh tế hợp tác ở nông thôn có phát triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức lại sản xuất. Liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn hạn chế. Việc áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất chưa nhiều. Nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chậm phát triển. Huyện chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Vẫn còn tình trạng một bộ phận dân cư có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Một số cán bộ chính quyền xã còn trẻ chưa có kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện xây dựng NTM/NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025, còn lúng túng trong tổ chức thực hiện. Cấp ủy một số địa phương còn thụ động trông chờ cấp trên. Công tác xây dựng kế hoạch thực hiện việc duy trì, củng cố, nâng chất các tiêu chí NTM/NTM nâng cao từng năm còn chậm và chưa cụ thể.

* PV: Đồng chí cho biết, dự kiến thời gian hoàn thành, ra mắt huyện NTM nâng cao và để việc ra mắt đúng tiến độ, huyện sẽ thực hiện những phần việc gì?

* Đồng chí Lê Văn Sơn: Để hoàn thành các tiêu chí huyện NTM nâng cao, huyện có lộ trình thực hiện như: Đối với các xã: Năm 2023, tiếp tục củng cố, duy trì, nâng chất các xã đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao và phấn đấu xây dựng 2 xã Tân Phước và Bình Ân đạt chuẩn NTM nâng cao; nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao lên 7 xã, 4 xã còn lại đảm bảo duy trì đạt chuẩn NTM. Năm 2024, huyện xây dựng xã Tân Đông đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đồng thời, tiếp tục duy trì, củng cố, nâng chất các tiêu chí đô thị văn minh đối với 2 thị trấn Tân Hòa và Vàm Láng.

Đối với Bộ tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, năm 2023 huyện duy trì và nâng cao chất lượng 3/9 tiêu chí huyện NTM nâng cao đã đạt. Huyện phấn đấu đạt thêm 2 tiêu chí là Quy hoạch (gồm 2 chỉ tiêu), Kinh tế (chỉ tiêu 6.1) và 3 chỉ tiêu (5.2; 5.3 và 5.5); nâng tổng số tiêu chí huyện NTM nâng cao đạt được lên 5/9 tiêu chí (31/38 chỉ tiêu), tạo tiền đề vững chắc để thực hiện đạt các chỉ tiêu/tiêu chí còn lại trong năm 2024.

Năm 2024, huyện phấn đấu đạt thêm 4 tiêu chí (7 chỉ tiêu) còn lại (Giao thông, Y tế - Văn hóa - Giáo dục, Môi trường và Chất lượng môi trường sống), nâng tổng số tiêu chí đạt lên 9/9 tiêu chí (38/38 chỉ tiêu). Cùng với đó là lập hồ sơ báo cáo UBND tỉnh thẩm tra trình Thủ tướng Chính phủ thẩm định, xét, công nhận huyện Gò Công Đông đạt chuẩn NTM nâng cao trong quý III-2024. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các nội dung để tổ chức Lễ ra mắt huyện đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2024.

Để thực hiện các mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra, UBND huyện Gò Công Đông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng NTM. Với tinh thần “Xây dựng NTM có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc”, tránh tư tưởng thỏa mãn, tự bằng lòng, nhất là ở những xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, từng cấp phải xác định rõ xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục.

Trên cơ sở đó, từng cấp huy động cả hệ thống chính trị và người dân tham gia xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh có liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM phù hợp với tình hình mới và điều kiện thực tế của huyện và từng xã.

Từng cấp tích cực huy động tổng hợp các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa phục vụ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn và dịch vụ, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm để thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, các khâu đột phá của huyện.

Cùng với đó, huyện tập trung thực hiện các giải pháp để phát triển sản xuất các vùng sản xuất lúa, rau màu… theo hướng bền vững. Trong đó, huyện ưu tiên thực hiện các khâu như: Xúc tiến thương mại, xây dựng mã vùng, mã vạch cho sản phẩm nông sản và ứng dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất tiên tiến phù hợp với các tiêu chuẩn của thị trường như VietGAP, GlobalGAP.

Huyện tiếp tục mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực chế biến, bảo quản các mặt hàng nông sản, để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân tại địa phương. Cùng với đó là xây dựng các mô hình phát triển kinh tế du lịch gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương, như: Mô hình Du lịch sinh thái biển, du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn… Đồng thời, tranh thủ mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn của huyện để tạo việc làm cho người lao động nhằm phát triển kinh tế của huyện.

Bên cạnh đó, để hoàn thành mục tiêu trở thành huyện NTM nâng cao, ngoài huy động nội lực, sự đoàn kết, chung sức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, huyện Gò Công Đông sẽ tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa và tranh thủ các nguồn kinh phí từ các nhà đầu tư, các dự án, từ sự hỗ trợ của tỉnh và Trung ương để hoàn thiện và đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao đáp ứng yêu cầu của huyện NTM nâng cao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất và tinh thần của người dân.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!


LÝ OANH (thực hiện)
 

.
.
.