Chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mở ra trang mới trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản
Nhân dịp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 27-30/11, phóng viên TTXVN tại Tokyo đã có cuộc phỏng vấn với Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu về ý nghĩa chuyến thăm, thế mạnh và triển vọng trong quan hệ hai nước, cũng như cách thức để tăng cường quan hệ song phương
Đại sứ Phạm Quang Hiệu trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. Ảnh tư liệu: TTXVN |
Sau đây là nội dung bài phỏng vấn:
Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa chuyến thăm đối với quan hệ hai nước?
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản sắp tới của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, lại đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ hai nước.
Quan hệ hai nước trong 50 năm qua, nhất là sau 9 năm nâng cấp lên “Đối tác chiến lược sâu rộng” vào năm 2014 đến nay đã đạt được nhiều bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, toàn diện với sự tin cậy chính trị cao, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng-an ninh, văn hoá-giáo dục, nông nghiệp, y tế, lao động, giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương... Năm 2023, hai nước tổ chức gần 500 hoạt động thiết thực, có ý nghĩa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, góp phần tăng cường và làm sâu sắc hơn tình cảm hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Có thể nói, chưa bao giờ việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước lại nhận được sự đồng thuận rộng rãi như vậy của Nhà nước, Chính phủ và nhân dân hai nước.
Cả Việt Nam và Nhật Bản đều hết sức coi trọng chuyến thăm Nhật Bản lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, là dịp để lãnh đạo cấp cao hai nước cùng nhau trao đổi và thống nhất về những phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể để đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản sang một giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ, toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn nữa, đáp ứng lợi ích và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới. Nói một cách ngắn gọn, chuyến thăm sẽ mở ra trang mới trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản.
Qua tiếp xúc với các đối tác Nhật Bản, Đại sứ nhận thấy các bạn Nhật Bản đánh giá thế nào về triển vọng/tiềm năng quan hệ hai nước?
Từ tháng 5/2023, tôi vinh dự được đảm nhiệm trọng trách Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản. Qua thời gian ngắn, tôi đã cảm nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nhà lãnh đạo Nhật Bản, các chính trị gia, cộng đồng doanh nghiệp, người dân Nhật Bản đối với việc phát triển mạnh mẽ hơn nữa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới, nhất là trong năm 2023 kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Kinh tế Việt Nam và Nhật Bản có tính bổ sung cao cho nhau. Việt Nam có dân số khoảng100 triệu người, có nền kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh, lực lượng lao động dồi dào, môi trường kinh tế, chính trị ổn định, điều kiện thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, được các bạn Nhật Bản đánh giá là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và đáng tin cậy.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, một nước công nghiệp phát triển hàng đầu với lợi thế về vốn, công nghệ và quản lý. Hợp tác trong các lĩnh vực viện trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thương mại và du lịch đã mang lại hiệu quả và sẽ tiếp tục tạo ra những lợi ích to lớn cho cả hai nước.
Phát triển nguồn nhân lực cũng đang trở thành nền tảng cho sự hợp tác giữa hai nước. Hiện nay, tổng số người Việt Nam tại Nhật Bản lên tới khoảng nửa triệu người, đưa Việt Nam trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật Bản sinh sống, làm việc và học tập tại tất cả các tỉnh, thành phố của Nhật Bản, qua đó cũng giúp thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản, đáp ứng nhu cầu lao động của Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hiện đại hóa đất nước, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, giải pháp năng lượng tiên tiến, hệ thống giáo dục toàn diện là rất lớn .... Đây là những lĩnh vực mà Nhật Bản có thế mạnh, là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp Nhật Bản nắm bắt và mở rộng hợp tác với Việt Nam.
Xin Đại sứ cho biết đâu là thế mạnh trong quan hệ hai nước và vì sao Đại sứ nhận định đây là những thế mạnh?
Quan hệ hai nước có sự tin cậy chiến lược cao. Trải qua nhiều thăng trầm, thay đổi của tình hình thế giới, khu vực và của mỗi nước, quan hệ hai nước đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng, vượt bậc và toàn diện. Đến nay, hai nước đã trở thành đối tác hết sức quan trọng của nhau, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược.
Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, tổ chức gặp gỡ bên lề các hội nghị quốc tế và khu vực, từ đó củng cố quan hệ tin cậy giữa lãnh đạo hai nước, đề ra những định hướng lớn cho sự phát triển hiệu quả trong quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực.
Hai bên cũng hợp tác chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, các hội nghị mở rộng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN+), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM)...., cùng nhau đóng góp ngày càng tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, phù hợp với đường lối đối ngoại của mỗi nước. Nhật Bản là thành viên Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7), đi đầu trong thúc đẩy quan hệ với Việt Nam (thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2009, công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam năm 2011...).
Hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, tập quán và giao lưu từ lâu đời. Mối quan hệ này được các thế hệ vun đắp trở nên gắn bó chặt chẽ, thân thiết như ngày hôm nay. Người dân hai nước luôn cảm thông, chia sẻ, ủng hộ, hỗ trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn. Điều này được thể hiện rất rõ trong phong trào chia sẻ quyên góp ủng hộ nhân dân Nhật Bản được tổ chức rộng rãi ở Việt Nam khi trận động đất, sóng thần lịch sử xảy ra ở khu vực Đông Bắc Nhật Bản vào tháng 3/2011, cũng như việc Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã là quốc gia đầu tiên viện trợ vaccine phòng COVID-19 quy mô lớn cho Việt Nam, khi tình hình dịch diễn biến phức tạp ở nước ta.
Theo Đại sứ, cần làm gì để quan hệ hai nước đi vào chiều sâu?
Tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn bởi Việt Nam và Nhật Bản có sự tin cậy lẫn nhau và những thế mạnh có thể bổ sung cho nhau để cùng phát triển. Với đà phát triển quan hệ hết sức tốt đẹp hiện nay, với nguyện vọng và quyết tâm của Chính phủ và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang đứng trước vận hội phát triển mới đầy triển vọng. Nhật Bản là đối tác hết sức quan trọng để Việt Nam thực hiện 3 đột phá chiến lược, hiện thực hóa các mục tiêu, kế hoạch phát triển mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung thúc đẩy triển khai thực hiện các thỏa thuận cấp cao, tập trung vào một số lĩnh vực sau:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường quan hệ chính trị tin cậy thông qua thúc đẩy các chuyến thăm, tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao. Đặc biệt, trong năm 2023 kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, phối hợp với phía Nhật Bản thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị trên tất cả các lĩnh vực, đưa quan hệ Việt Nam - Nhật Bản bước vào giai đoạn phát triển mới, thực chất hơn, hiệu quả hơn.
Thứ hai, khai thác thế mạnh bổ sung lẫn nhau của hai nền kinh tế, tăng cường liên kết kinh tế giữa hai nước, duy trì Nhật Bản là đối tác hàng đầu của Việt Nam về ODA, đầu tư, thương mại.... Mong muốn Nhật Bản cung cấp ODA thế hệ mới giúp phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược, hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế. Tranh thủ cơ hội doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn trong quá trình dịch chuyển sản xuất, đa dạng hóa chuỗi cung ứng để thúc đẩy làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, tập trung thu hút đầu tư chất lượng cao, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung cứng của doanh nghiệp Nhật Bản.
Thứ ba, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi xanh...
Xin Đại sứ cho biết đánh giá của ông về một năm 2023 sôi động với những hoạt động chào mừng 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản?
Năm 2023, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao 1973 - 2023. Đây là cơ hội tốt để đưa quan hệ hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới, đồng thời xây dựng, định hình khuôn khổ cho quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản trong 50 năm tiếp theo; là cơ hội để các bộ ngành và địa phương Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác, giao lưu hữu nghị nhiều mặt với Nhật Bản. Trên tinh thần đó, trong năm 2023, hai bên đã, đang và tiếp tục triển khai nhiều hoạt động phong phú để kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Giao lưu cấp cao và các cấp diễn ra sôi động. Nhiều hoạt động giao lưu kinh tế như tổ chức hội thảo, tọa đàm kinh tế, tuần hàng Việt Nam được tổ chức với tần suất cao. Hợp tác địa phương đã được thúc đẩy thông qua các chương trình quảng bá địa phương Việt Nam tại Nhật Bản và quảng bá các địa phương Nhật Bản tại Việt Nam. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, giao lưu nhân dân cũng diễn ra sôi động. Nhiều sự kiện giao lưu văn hóa quy mô lớn được người dân hai nước mong đợi như Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản, vở Opera “Công nữ Anio”.
Có thể nói, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử, xứng tầm quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng trên cơ sở chân thành, tình cảm, tin cậy, vì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực, trên thế giới và vì lợi ích của nhân dân mỗi nước. Đó là kết quả của những nỗ lực không ngừng của hai nước trong suốt những năm qua, trên cơ sở tin cậy về chính trị và sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân hai nước.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Theo TTXVN