Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trên không gian mạng
Những hội nhóm tiêu cực đang tác động không nhỏ đến định hướng cuộc sống của nhiều người, nhất là giới trẻ. Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sỹ, chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) xung quanh chủ đề này.
PGS.TS Trần Thành Nam. |
Việc xuất hiện các hội, nhóm không phù hợp trên mạng xã hội, thu hút đông người tham gia, đang có tác động thế nào tới người dùng, thưa ông?
Hiện tại, mạng xã hội cũng là một thế giới, mà mọi người đang sinh sống trên đó, nhất là trong quá trình chuyển đổi số hiện nay. Tất nhiên, thế giới này cũng có những quy tắc, quy định và luật lệ để điều chỉnh.
Vấn đề này hiện đã được quy định trong Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng và Luật An ninh mạng. Tuy nhiên, trên thực tế, không có nhiều người cập nhật nội dung của các quy định. Nhiều người cũng không có năng lực số để có thể tương tác lành mạnh và bảo vệ những phát sinh trên mạng xã hội. Trong một xã hội có nhiều căng thẳng, đôi khi những tâm tư chung của một bộ phận người trẻ có thể là có góc nhìn không được lành mạnh và dễ bị hút vào những nhóm tiêu cực. Đơn cử như hội nhóm hướng dẫn tự sát, thu hút các bạn trẻ chán đời, nhìn cuộc đời một cách u ám.
Hoặc có những hội nhóm ghét cha mẹ vì những bức xúc trong cuộc sống, không được cha mẹ hỗ trợ và giải quyết đúng cách. Rồi cũng có những hội nhóm có tính chất liên kết nhau để cùng đi gây án…
Trong xã hội thực, cũng có tội phạm, tâm lý căng thẳng và đang phản chiếu lên không gian mạng. Hiện đã có quy định xử lý những vi phạm này trên mạng xã hội, nhưng thực hiện còn lỏng lẻo. Những kẻ xấu trên mạng xã hội đã tận dụng những cơ hội này để xây dựng những nhóm có tính tiêu cực thu hút nhiều thành viên, mang lại lợi ích cho những kẻ cầm đầu hội nhóm đó.
Trong khi đó, những người trẻ bị chìm đắm trong các nhóm tiêu cực sẽ bị tác động khi nhìn xã hội đâu đâu cũng tiêu cực. Từ đó, họ cho rằng xã hội càng ngày càng trở nên lo lắng, nghi ngờ và phòng ngừa nhau. Những hành vi lệch chuẩn lại được chú ý nhiều hơn, được ca tụng nhiều hơn. Nếu như vậy, hệ quả sẽ làm thay đổi luôn cả thế giới quan, nhân sinh quan của những người trẻ. Đó là chưa kể những hội, nhóm tiêu cực tạo dựng hình mẫu tiêu cực khiến cho những người trẻ bắt chước, gây tổn hại cho xã hội.
Nhiều người tham gia hội nhóm tiêu cực vì tò mò, trong đó có không ít trẻ em. Ông đánh giá tác động đến những người này như thế nào?
Có nhiều người vào hội nhóm với động cơ ban đầu khác nhau. Đầu tiên là xem có chuyện gì "hot" trên mạng để không lạc hậu.
Tuy nhiên, những người trẻ thường không có tư duy phản biện, không đánh giá được một cách sâu sắc về những gì đúng, sai cho nên khi vào trong hội nhóm tiêu cực sẽ tiếp cận ngày càng nhiều với những thông tin mang tính chất lệch lạc, bạo lực và thậm chí là cả những thông tin mang tính chất thao túng tâm lý.
Điều đó đồng nghĩa với việc dễ bị thao túng bởi những thông tin lệch lạc, nhất là những nguồn thông tin chỉ một chiều, khiến cho sự việc không khách quan, tác động đến y thức, cảm xúc của người tiếp nhận.
Những thông tin sai lệch dẫn đến hành động cũng bị khuyến khích bởi những hành động đã được làm mẫu. Chia sẻ những thông tin tiêu cực sẽ làm cho thế hệ trẻ của chúng ta có cái nhìn tiêu cực và sẽ có góc nhìn đến tiêu cực với các hiện tượng xã hội và tiêu cực trong các hành vi. Điều này cũng giống như là giáo dục chính trị, tư tưởng ở trên không gian mạng.
Trước những tác động như trên từ hội nhóm tiêu cực trên không gian mạng, theo ông cần phải có hành động như thế nào?
Chúng ta cần phải có những chiến lược an toàn trên không gian mạng, nhất là bảo vệ toàn diện trẻ em, tương tác an toàn, lành mạnh trên không gian mạng.
Đề án bảo vệ trẻ em trên không gian mạng do Bộ Thông tin Truyền thông đứng chủ trì làm điều phối kết hợp liên bộ. Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cần phải xây dựng các chính sách để bảo vệ trẻ an toàn trên không gian mạng. Bộ Giáo dục và Đào tạo nâng cao năng lực số cho các em. Bộ Công an phải phát hiện những hiện tượng tiêu cực, những hội nhóm lại, những kẻ cầm đầu để xử lý sớm và nhanh.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác truyền thông, xây dựng các bộ tài liệu, các app, các ứng dụng tích cực để tạo một mặt trận lòng tin.
Trên không gian mạng, không chỉ những hội nhóm tiêu cực làm ảnh hưởng đến tâm lý, mà còn có những group gửi những đường link cài trong đó là các phần mềm gián điệp, làm hỏng hóc máy tính bị lộ lọt thông tin và qua đấy dẫn đến các vụ lừa đảo.
Một trong những lý do việc nhiều người tham gia trên không gian mạng và bình luận, hướng dẫn tiêu cực vì cho rằng mạng xã hội là không gian ảo, ẩn danh. Theo ông, xử lý vấn đề này như thế nào?
Ở góc độ người làm nghiên cứu, cá nhân tôi cho rằng không gian trên mạng cần có sự quản lý bởi do tính ẩn danh nên có nhiều người có những bình luận trên không gian mạng quá mức, chứ còn nếu trong môi trường thực họ không dám làm thế. Cho nên, việc định danh trên không gian mạng, mỗi người có ý thức trách nhiệm hơn.
Tuy nhiên, việc quản lý phải đồng bộ bởi phải đảm bảo được quyền bí mật về thông tin cá nhân. Vấn đề an toàn thông tin, lộ thông tin cá nhân là cả vấn đề cần bàn.
Cho nên, công nghệ bao giờ cũng có mặt phải và mặt trái. Chúng ta phải cân nhắc những mặt lợi, hại để đưa ra được những chiến lược quản lý trong từng giai đoạn. Một mặt vừa đảm bảo an toàn thông tin cá nhân, nhưng mặt khác đảm bảo cho mỗi người phải có ý thức sống an toàn trên không gian mạng cho mình, vẫn an toàn cho người khác. Từ đó trở thành người có trách nhiệm trên không gian mạng.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Theo Báo Tin tức (TTXVN)