Lan tỏa tư duy về phát triền bền vững ngành nông nghiệp
Nhìn lại một năm thành công trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có những chia sẻ về tư duy và lan tỏa tư duy phát triền bền vững của ngành, tạo ra niềm tin về nông sản Việt cho bạn bè quốc tế.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: Năm 2023, một trong những thành công rõ nét của ngành nông nghiệp là kích hoạt được tư duy kinh tế, tư duy thị trường - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Thành công trong xuất khẩu nông sản năm 2023 vừa qua một lần nữa khẳng định vị thế của ngành nông nghiệp. Thưa Bộ trưởng, trong việc chỉ đạo điều hành của Bộ, yếu tố nào góp phần quan trọng vào thành công này?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Năm vừa qua, có lẽ một trong những thành công rõ nét của ngành nông nghiệp đó là kích hoạt được tư duy kinh tế, tư duy thị trường.
Trước đây ngành nông nghiệp cố gắng tạo ra được sản lượng nhiều nhất. Có lúc chúng ta đã nghĩ sản lượng đi đôi với việc đáp ứng thị trường và nâng cao thu nhập cho nông dân. Nhưng những bài học về "được mùa mất giá" đã cho chúng ta hiểu rằng sản xuất có thể ít hơn, tốt hơn thì lợi ích thu về từ thị trường sẽ lớn hơn.
Nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là thị trường, nếu không có thị trường thì chúng ta cũng không kích hoạt được sản xuất. Hiện nay, thị trường càng ngày càng khắc nghiệt, chúng ta không chỉ đi mở cửa thị trường mà phải hiểu được đặc tính của từng thị trường. Trước nay chúng ta hay nghĩ thị trường là nơi buôn bán nhưng thực tế đó là những nơi có văn hóa tiêu dùng khác nhau. Có những nông sản chúng ta bán được trong nước nhưng không bán được ở nước ngoài, có những nông sản bán được ở thị trường châu Á nhưng không bán được ở thị trường châu Âu… và ngược lại.
Việc Bộ NN&PTNT gắn tiêu chuẩn về thị trường xuống vùng nguyên liệu tất nhiên cũng có những rủi ro nhưng sự thành công trong xuất khẩu nông sản vừa qua chứng minh được người nông dân, ngành nông nghiệp của chúng ta có thể tiếp cận được những thị trường khắt khe nhất.
Theo Bộ trưởng, ngành Nông nghiệp nói chung và những người nông dân nói riêng đã có sự thay đổi gì khi tiếp cận với tư duy kinh tế thị trường?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nền nông nghiệp chúng ta đang bị một "lời nguyền" là manh mún nhỏ lẻ, ai cũng tự sản xuất, tự bán hàng thì sẽ sinh ra một thị trường hỗn loạn. Chính vì thế chúng ta phải tổ chức lại sản xuất, cấu trúc lại ngành hàng và cấu trúc lại thị trường để các liên kết đỡ đổ vỡ, đứt gãy. Đây vần là "điểm mờ" của ngành nông nghiệp.
Tôi xin nói thêm câu chuyện về thương lái, nhiều người nói thương lái "ép giá" và vẫn tư duy họ là lực lượng buôn đầu chợ bán cuối chợ, không mất vốn liếng. Nhưng thực tế thương lái không thể quyết định được giá của thị trường vì hiện nay thị trường không phải cục bộ trong tay vài ba người có thể quyết định giá cả. Trong cả chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản không ai "làm tất ăn cả" được mà vẫn cần sự kết hợp với nhau.
Quan trọng là người nông dân cần biết tập hợp lại trong tổ hợp tác, hợp tác xã thì sẽ giảm bớt rủi ro.
Giai đoạn phát triển tiếp theo của ngành Nông nghiệp vẫn cần tiếp tục chú trọng 2 mục tiêu trọng yếu: Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp và tạo ra những không gian giá trị cho ngành nông nghiệp.
Trong tư duy kinh tế nông nghiệp, cần làm sâu sắc và lan tỏa tư duy kinh tế, làm sao trên 1 đơn vị diện tích nông nghiệp đó, thậm chí thu hẹp diện tích nông nghiệp lại mà vẫn tạo ra nhiều của cải hơn. Thực tế là thời gian qua, nông nghiệp du lịch đã chứng minh cho thấy lợi nhuận tăng gấp 5-6 lần, thậm chí gấp vài chục lần mà không phải đầu tư quá lớn. Cũng trên miếng vườn đó, người nông dân sắp xếp nhà cửa chỉn chu, biết nấu nướng, trau chuốt lại lời ăn tiếng nói, biết kể câu chuyện cho du khách… thì lợi nhuận thu được sẽ tăng cao.
Cái vô hình mà chúng ta chưa khai thác nhiều khi có giá trị nhiều hơn cái hữu hình mà ta đang theo đuổi.
Về vấn đề thứ hai là tạo ra những không gian giá trị cho ngành nông nghiệp, những cụm từ như Du lịch nông nghiệp, Nông nghiệp giải trí, Nông nghiệp thời trang, Nông nghiệp công nghệ cao, Nông nghiệp thông minh…, về tư duy thì từng năm một cần phải thay đổi, mà phải nghĩ cho 5 năm sau, thậm chí 10 năm sau.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận nông sản Việt khi xuất khẩu gia tăng cũng chính là hình ảnh Việt Nam được nâng lên trong mắt bạn bè quốc tế - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Đáp ứng được các thị trường khó tính, chúng ta cần làm thế nào để nông sản Việt có được chỗ đứng vững chắc ở các thị trường cũng như phát triển được nền nông nghiệp bền vững, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tư duy về tăng trưởng cần phải thay đổi, bởi nếu muốn đạt số tăng trưởng mà sản xuất bằng mọi giá, mọi cách để đạt chỉ tiêu thì sẽ sinh ra hệ lụy. Có những kết quả đong, đo, đếm được bằng số liệu, nhưng có những cái không đo, đếm được, có thể chưa thể hiện được cho tăng trưởng năm 2024 nhưng có thể tạo tiền đề cho tăng trưởng năm 2025.
Nói một cách đơn giản nhất là những gì đang làm thì phải làm cho tốt, đồng thời phải chuẩn bị cho những thứ tốt hơn nữa. Cần liên kết lại để các ngành hàng bền vững, tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại thị trường, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp tạo ra thị trường, ứng dụng mạnh khoa học công nghệ…
Thị trường trong nước hay ngoài nước cũng đều là thị trường, làm sao tiêu thụ được nông sản cho bà con nông dân với giá tối ưu, nông dân bán giá 10 đồng trừ chi phí sản xuất 9 đồng thì lãi 1 đồng, nhưng trường hợp chỉ bán với giá 8 đồng, chi phí sản xuất chỉ hết 6 đồng thì lãi 2 đồng.
Về câu chuyện thị trường, trước nay chúng ta tập trung cho thị trường Trung Quốc bởi vấn đề biên giới thuận tiện, số lượng người tiêu dùng lớn và chúng ta hay đánh giá đây là thị trường dễ tính. Nhưng bây giờ đây không còn là thị trường dễ tính nữa, rất nhiều các hàng rào kỹ thuật, những quy định liên quan tới an toàn thực phẩm… khiến thị trường linh hoạt nay đóng, mai mở liên tục, có cả những yếu tố về ngoại giao nữa… nên chúng ta phải lường trước rủi ro, tìm được điểm cân bằng và tạo ra được nhiều thị trường nhất về nông sản.
Để giữ được thị trường, bản thân chúng ta phải cấu trúc được các ngành hàng, gắn người sản xuất với các doanh nghiệp. Ngày xưa cứ thuận mua vừa bán, đến mùa đến vụ doanh nghiệp đến tận vườn mua. Giờ dần dần doanh nghiệp tìm đến các hợp tác xã, thậm chí đầu tư cho hợp tác xã, xem như đó là người đồng hành với mình.
Nông sản Việt khi xuất khẩu gia tăng cũng chính là hình ảnh Việt Nam được nâng lên trong mắt bạn bè quốc tế. Hình ảnh đất nước được nâng lên thì niềm tin vào các sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng được tăng lên… đây là cả một chiến lược của Đảng, Nhà nước, không phải là chỉ là đi buôn bán nông sản nữa mà xem nông sản như một hình ảnh quốc gia, chúng ta truyền thông điệp tới thế giới: Việt Nam là một quốc gia sản xuất nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm.
Xin cảm ơn những chia sẻ của Bộ trưởng!
Theo baochinhphu.vn