Thứ trưởng Bộ Y tế: Việt Nam đang tích cực cải tiến chất lượng bệnh viện theo chuẩn quốc tế, hướng tới thu hút người nước ngoài khám, chữa bệnh
Ngành Y tế nói chung và bệnh viện nói riêng đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, nếu các bệnh viện tích cực cải tiến chất lượng, trong tương lai không xa, hệ thống khám, chữa bệnh Việt Nam sẽ có thêm nhiều bệnh viện đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới.
Để làm rõ hơn vấn đề này, Báo SK&ĐS đã phỏng vấn GS.TS Trần Văn Thuấn, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế về nâng cao chất lượng bệnh viện hiện nay.
* PV: Thưa đồng chí Thứ trưởng, quản lý chất lượng và an toàn người bệnh có vai trò như thế nào trong hệ thống khám, chữa bệnh?
* GS.TS Trần Văn Thuấn: Từ đầu năm 2023, Bộ Y tế đã trình Quốc hội ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi với quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm. Điều này càng thúc đẩy các bệnh viện cần tích cực cải tiến chất lượng, bảo đảm an toàn người bệnh.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: Trần Minh |
Trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là cuộc cách mạng 4.0 có tác động sâu sắc đến toàn xã hội thì việc áp dụng CNTT sẽ giúp bệnh viện vận hành an toàn, hiệu quả, chất lượng hơn. Chính vì vậy, các bệnh viện cần đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử, áp dụng các giải pháp CNTT trong cải tiến quy trình khám, chữa bệnh như đặt lịch hẹn khám trên ứng dụng, thanh toán không dùng tiền mặt, liên thông kết quả xét nghiệm, kê đơn thuốc điện tử…
Trong công tác quản lý chất lượng bệnh viện, ngành Y tế đã triển khai có hiệu quả Thông tư số 19/2013/TT-BYT ngày 12-7-2013 hướng dẫn quản lý chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện, triển khai Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, tổ chức hướng dẫn quy trình khám bệnh tại Khoa khám bệnh của bệnh viện theo hướng áp dụng quy trình khám bệnh thuận tiện nhất, giảm phiền hà, giảm yêu cầu thủ tục với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế…
Bệnh viện ở các tuyến, kể cả tuyến huyện sau khi áp dụng 83 Tiêu chí chất lượng đã có sự cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh rõ rệt và ngày càng tăng lên. Như vừa qua, Bộ Y tế chọn Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên là nơi tổ chức Diễn đàn Quản lý chất lượng - An toàn người bệnh để các đại biểu tham dự diễn đàn có cơ hội chứng kiến một trong những bệnh viện tích cực cải tiến chất lượng và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.
Tôi được biết, từ khi thực sự bắt tay vào cải tiến chất lượng theo 83 tiêu chí, ngay năm sau số lượt người bệnh đã tăng hơn 20%. Trong nhiều năm qua, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã nỗ lực cải tiến không ngừng từ cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp đến con người ngày càng nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh tốt hơn…
Như vậy, chúng ta có thể khẳng định, nếu các bệnh viện làm tốt công tác quản lý chất lượng và an toàn người bệnh thì hệ thống khám, chữa bệnh sẽ phát triển bền vững và phục vụ người dân được tốt hơn.
* PV: Thưa ông, điều người dân mong chờ ở các Diễn đàn Quản lý chất lượng - An toàn người bệnh đó là chất lượng khám, điều trị của bệnh viện phải được nâng lên, người dân vùng sâu, vùng xa cần được thụ hưởng những kỹ thuật cao bởi các thầy thuốc tuyến trên đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới?
* GS.TS Trần Văn Thuấn: Mong mỏi của người dân là chính đáng, ngành y tế đã, đang nỗ lực thay đổi, từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.
Những năm qua, ngành Y tế nói chung, các bệnh viện nói riêng đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, từ việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến cải tiến quy trình, cải cách thủ tục hành chính hướng tới đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Bệnh viện Trung ương Huế mới đây đã vào sử dụng hệ thống chụp cắt lớp vi tính phổ 512 lát cắt hiện đại. |
Những thành tựu mà ngành Y tế đạt được đã đưa Việt Nam vào top 10 quốc gia có thành tích hoàn thành nhanh chóng các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về y tế. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, ngành Y tế đã bắt kịp trình độ y khoa với các nước trong khu vực và thế giới, tăng cường ứng dụng kỹ thuật cao trong công tác khám chữa bệnh, tiến tới chuyên sâu hóa các lĩnh vực nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Hệ thống các BV từ Trung ương đến địa phương đã đầu tư, ứng dụng các trang thiết bị, kỹ thuật công nghệ cao như: CTscan, MRI, PET-CT, Gama Knife, xạ trị, công nghệ gen, sàng lọc ung thư sớm, sàng lọc trước sinh, xét nghiệm tiền sản giật, ứng dụng công nghệ laser vào y học, thực hiện phẫu thuật nội soi một lỗ, phẫu thuật nội soi lồng ngực trẻ dưới 12 tháng, ứng dụng robot trong phẫu thuật đến các kỹ thuật vi phẫu tạo hình, can thiệp tim mạch, ghép tạng, ghép tế bào gốc, lọc máu liên tục trẻ sơ sinh, ECMO, hạ thân nhiệt chỉ huy… đã mang lại rất nhiều hy vọng và cuộc sống mới cho người bệnh.
Hoạt động chỉ đạo tuyến được tăng cường và thu được nhiều kết quả khả quan.
Thông qua Đề án bệnh viện vệ tinh, nhiều bệnh viện tuyến dưới đã được chuyển giao kỹ thuật mới, hiện đại, nâng cao uy tín và trình độ chuyên môn, thu hút người bệnh tại địa phương và góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Đặc biệt, trong lĩnh vực sản nhi, có đến 98% số người bệnh thuộc chuyên khoa phụ sản và nhi khoa đã được khám và điều trị tại các bệnh viện tuyến dưới, thay vì phải chuyển tuyến trên.
Hoạt động khám chữa bệnh từ xa Telehealth cũng đã được đẩy mạnh, hiện nay hệ thống đã kết nối được 1.400 điểm cầu giữa các tuyến nhằm nâng cao chất lượng cho y tế tuyến dưới, giúp cho các chuyên gia tuyến trên dễ dàng hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả cho các bác sỹ tuyến dưới, để tư vấn, hỗ trợ thực hiện các ca bệnh khó, các kỹ thuật cao giúp cho người dân được hưởng thành tựu kỹ thuật cao ngay tại chính địa phương của mình.
Bên cạnh đó, từ năm 2013, Bộ Y tế triển khai Dự án "Thí điểm đưa Bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)" (dự án 585). Đến nay đã có 632 bác sĩ thuộc 149 huyện khó khăn, biên giới, biển đảo của 36 tỉnh được đào tạo theo phương thức đặc biệt này với 11 ngành bác sĩ chuyên khoa cấp I các chuyên ngành: Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Hồi sức cấp cứu, Gây mê hồi sức, Truyền nhiễm, Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm, Y học cổ truyền và Răng Hàm Mặt. Các bác sĩ được đào tạo từ Dự án này được cử về tăng cường tại các vùng khó khăn đã triển khai, phát huy được nhiều kỹ thuật khó, ca bệnh phức tạp, giúp cho người bệnh không phải chuyển lên tuyến trên điều trị, giảm tải cho tuyến tỉnh và tuyến trung ương.
Thực tế đã cho thấy công tác chỉ đạo tuyến với các giải pháp như trên đã góp phần quan trọng thu hẹp khoảng cách về chất lượng chăm sóc sức khỏe giữa các tuyến.
Trong lĩnh vực ung bướu, chúng ta đã có thêm nhiều bệnh viện ung bướu ở tuyến tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa. Người bệnh trước đây thường sang Singapore, Mỹ, Nhật để chữa ung thư thì nay đã giảm hẳn.
Xu hướng này cho thấy, người dân đang được thụ hưởng những kỹ thuật cao tại chính địa phương mình, không cần phải lên Thủ đô, những người có nhu cầu kỹ thuật cao cũng đã được đáp ứng phần lớn tại các trung tâm y tế chuyên sâu tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, không cần ra nước ngoài để khám, chữa bệnh vì trình độ điều trị của chúng ta đã tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực. Ở chiều ngược lại chúng ta thấy ngày càng nhiều người bệnh nước ngoài ngay cả ở các nước phát triển sang Việt Nam khám chữa bệnh do hiệu quả cao và chi phí hợp lý.
Bộ Y tế đã, đang và tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thông qua việc đơn giản hóa mạnh mẽ thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, giảm số thời gian khám, thời gian chờ đợi, và ứng ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh.
Tại các bệnh viện, lãnh đạo cần có trách nhiệm lắng nghe tiếng nói của người bệnh và nhân viên y tế, thực hiện khảo sát hài lòng một cách thực chất và cầu thị cải tiến, đồng thời tập trung các nguồn lực để xây dựng mạng lưới quản lý chất lượng, an toàn người bệnh. Bên cạnh đó cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng, học tập kinh nghiệm quốc tế và có cơ chế khen thưởng thích đáng cho tập thể, cá nhân tích cực cải tiến, có nhiều sáng kiến đem lại hiệu quả và lợi ích thiết thực.
Các bệnh viện Việt Nam cần phấn đấu để đạt các tiêu chuẩn chất lượng cơ bản. Những bệnh viện có điều kiện hơn sẽ áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng nâng cao và tiêu chuẩn quốc tế. Nếu các bệnh viện tích cực cải tiến chất lượng, chúng ta có thể tin rằng, trong tương lai không xa, hệ thống khám, chữa bệnh Việt Nam sẽ có thêm nhiều bệnh viện đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới, từ đó thu hút người nước ngoài, người có điều kiện chi trả sử dụng dịch vụ y tế - nghỉ dưỡng - du lịch tại Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế và hình ảnh đất nước!
* PV: Trân trọng cảm ơn GS.TS Trần Văn Thuấn.
(Theo suckhoedoisong.vn)