Chủ Nhật, 31/03/2024, 20:16 (GMT+7)
.

Ca sĩ Cẩm Vân: Tôi học nhiều điều từ nhạc Trịnh

“Tôi sinh ra và lớn lên ở TPHCM, âm nhạc của anh Sơn thấm vào tôi như những lời ru của mẹ. Tôi yêu, hát nhạc Trịnh từ ngày còn nhỏ và thấy mình học được nhiều điều trong đó mà không trường lớp nào dạy”, ca sĩ Cẩm Vân (ảnh) đã chia sẻ với độc giả Báo SGGP trước thời điểm ra mắt MV ca khúc Hành hương trên đồi cao.

a
Ca sĩ Cẩm Vân.

PHÓNG VIÊN: Lâu rồi chị không trao đổi với báo chí, Hành hương trên đồi cao đặc biệt thế nào khiến chị thay đổi?

Ca sĩ CẨM VÂN: MV Hành hương trên đồi cao được quay dịp tôi ra Hà Nội hát vào tháng 11 năm ngoái và lên Cao Bằng thực hiện. Trước đó, tôi không dự định đầu tư làm MV và nếu quay thì chỉ đăng trên kênh YouTube cá nhân. Khán giả, bạn bè ai biết thì coi thôi chứ không định thông báo rộng rãi. Tuy nhiên, nhân dịp 23 năm ngày giỗ của anh Trịnh Công Sơn (1-4-2021 - 1-4-2024), tôi bỗng nghĩ đây cũng là dịp giới thiệu lại một số ca khúc của anh.

Xem MV đã quay tại Cao Bằng, tôi cảm động. Cảm động vì trong đó, đất nước mình đẹp quá, hùng vĩ quá. Tôi nghĩ là nên chia sẻ những hình ảnh này cho mọi người biết, cho các bạn trẻ cảm nhận thêm về thiên nhiên, cảnh quan đất nước mình.

Điều quan trọng nữa, ba tôi là người dân tộc Nùng ở Cao Bằng. Ông rời quê hương từ năm 16 tuổi và trước khi mất, ba có nói rằng tôi đã đi khắp đất nước Việt Nam, đã đi nơi này nơi kia trên thế giới nhưng quê nội thì chưa biết. Ba muốn tôi về Cao Bằng một lần để biết cố hương. Khi đi công tác cuối năm ngoái, tôi rủ đạo diễn Tùng Phan về Cao Bằng thăm quê và chính Tùng Phan đã khuyên tôi làm MV.

Tại sao chị chọn ca khúc Hành hương trên đồi cao?

Tôi về quê hương Cao Bằng, và trong cảm giác của mình thì Hành hương trên đồi cao của anh Sơn là phù hợp nhất. Bài hát và thiên nhiên ngoài đời thật rất hòa quyện. Đây là một trong những bài khó hát. Chất lượng sản phẩm thì tôi để khán giả cảm nhận và đánh giá.

Riêng bản thân tôi rất thích bản phối của nhạc sĩ Bảo Phúc nên mới chọn ca khúc này. Tất cả âm thanh nhạc cụ trong ca khúc đều mới, thật. Đặc biệt có một đoạn do nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn thể hiện. Bài này khán giả ít nghe hơn so với những ca khúc bất hủ khác của anh Sơn nên tôi muốn tiếp tục thể hiện, lan tỏa.

Trong MV, hình ảnh con người vô cùng nhỏ bé trước thiên nhiên. Chị muốn gửi gắm điều gì?

Hình ảnh con người trong MV này rất cô đơn. Tôi muốn hình ảnh của mình trong MV ít đi, để cảnh thiên nhiên vào nhiều hơn. Sự hữu hạn, nhỏ bé của con người trước thiên nhiên, đời sống là điều tôi muốn bày tỏ.

Có nhiều nghệ sĩ gắn bó với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mỗi người có một tình cảm riêng. Với chị thì sao?

Khi tôi hát nhạc anh Sơn, tôi học nhiều thứ ở trong đó. Con người mình bình tĩnh hơn, có sự thiền. Tánh của anh Sơn là cái gì cũng kệ: “Kệ đi, đời mà không chấp, không sao đâu…”. Cái kệ của anh đầy tha thứ, cao thượng. Tôi thấy hay, muốn học mà học hoài chưa được…

Còn về kỷ niệm thì phải nói đến ca khúc Sóng về đâu tôi đã hát rất nhiều lần trong các dịp giỗ anh Sơn: Sóng bạc đầu và núi chìm sâu/ Ta về đâu đó/ Về chốn nào mây phủ chiêm bao/ Cạn suối nguồn bốn bề nương dâu/ Ta tìm em nơi đâu…/ Giấc ngủ nào giường chiếu quạnh hiu/ Trăng mờ quê cũ/ Người đứng chờ gió đồng vi vu/ Vạt nắng vàng nhắc lời thiên thu/ Nhớ ngàn năm trôi qua…

Với tôi, ca khúc này luôn gắn liền với hình ảnh anh Sơn, bởi đây cũng chính là ca khúc tôi hát anh nghe trong lần cuối gặp - đúng dịp sinh nhật anh (28-2-2001). Một tháng sau anh mất.

Tôi nhớ, lần đó khi đến, thấy anh ngồi trên ghế và lúc này cũng yếu rồi. Anh nói “Cẩm Vân hát cho anh nghe một bài đi! Hát chay cũng được! Hát cho anh nghe Sóng về đâu…”. Trong căn phòng nhỏ, chỉ có chúng tôi, những lời ca và tình anh em. Ngày anh đi về một cõi, lời ca ấy cứ văng vẳng…

Tôi nhớ, mỗi lần đi diễn chung, hát xong xuống sân khấu là anh Sơn lại xoa xoa đầu khen “Vân hát hay lắm!”.

Nhạc Trịnh gần đây được làm mới, kết hợp nhạc điện tử EDM, rap… Chị nghĩ sao về những sự thay đổi này?

Tôi nghĩ mỗi thời sẽ có cách tiếp cận, cách hát, cách thể hiện riêng. Giới trẻ yêu thích, làm mới nhạc Trịnh cho khán giả trẻ dễ nghe, dễ cảm, dễ gần hơn là điều tốt thôi. Mình cần có sự tôn trọng lẫn nhau. Trong các nghệ sĩ trẻ, tôi ấn tượng Hà Lê. Cách thể hiện khác hẳn và đúng là làm mới nhạc Trịnh.

Thời gian qua, có một số nghệ sĩ hát nhạc Trịnh sai lời. Chị nghĩ gì về điều này?

Tôi chỉ nhớ một điều đơn giản, ngày đó anh Sơn hay nhắc: “Em muốn hát nhạc của anh phiêu sao cũng được, nhưng lời thì không được sửa. Hát sai lời là anh không chịu”.
 

Trong đêm nhạc Nhớ Trịnh Công Sơn tối 30-3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ca sĩ Cẩm Vân hát 6 ca khúc: Xin cho tôi, Sóng về đâu, Cát bụi, Ru ta ngậm ngùi, Xin mặt trời ngủ yên, Hạ trắng.

Ngoài Cẩm Vân, tham gia đêm nhạc còn có các nghệ sĩ: Khắc Triệu, Hồng Nhung, Nguyên Hà, Thu Ba, Minh Thu, Tuấn Dũng, MC Thảo Vân, Tom Chat Band, cặp đôi du ca Hoàng Trang - Nguyễn Đông.

 

Năm 2023, chị là nghệ sĩ 63 tuổi có bản hit Một ngày tôi quên hết kết hợp với nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền. Chị có mong tiếp tục kết hợp các bạn trẻ tạo thêm các ca khúc như vậy nữa?

Là nghệ sĩ, ai cũng thích có ca khúc nổi bật mà. Tôi thấy nhạc sĩ trẻ nào có ca khúc phù hợp, mình cũng hợp làm chung thì cùng gắn kết để thực hiện. Mà những thứ hợp đó trong quan niệm của tôi liên quan đến chữ duyên, duyên đến thì mình làm, nếu chưa thấy đủ duyên thì thôi.

Con gái út của chị và anh Khắc Triệu là Cece Trương hiện cũng đi theo con đường âm nhạc. Cece thường xuất hiện trên sân khấu cùng ba mẹ, trở thành “gia đình hát”. Chị có sợ mình là cái bóng lớn của con?

Cece đi hát được 3-4 năm rồi. Và thực lòng mà nói dù muốn hay không thì cái bóng của mẹ cũng ảnh hưởng đến con, chính con đôi khi cũng cảm nhận được điều đó.

Cũng vì vậy, để con có thể thoải mái sáng tạo, thoát ra cái bóng của mẹ, tôi chỉ ủng hộ con theo nghề chứ không hướng dẫn con gái theo kiểu, cách hát của mình.

Tôi mong con hát với chính chất của con trong từng bài hát, đừng để lẫn vào đó hình bóng của ba mẹ. Chỉ khi nào cần thiết lắm, vợ chồng tôi mới góp ý cho con mà thôi.

Theo sggp.org.vn


 

.
.
.