Thứ Tư, 15/05/2024, 09:39 (GMT+7)
.
GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG TỈNH TIỀN GIANG LƯU VĂN PHI:

Lễ hội nhằm tôn vinh các loại trái cây đặc sản

Đánh giá sơ bộ về tình hình sản xuất và tiêu thụ cũng như tiềm năng, lợi thế về trái cây của Tiền Giang so với các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đặc biệt, nhân sự kiện Tiền Giang chuẩn bị tổ chức Lễ hội trái cây năm 2024 (dự kiến diễn ra từ ngày 10 đến ngày 12-6 tại Quảng trường Hùng Vương- TP. Mỹ Tho) Giám đốc Sở Công thương Lưu Văn Phi cho biết:

Thời gian qua, tình hình sản xuất và tiêu thụ trái cây trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có nhiều chuyển biến tích cực, có sự chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp.

Với lợi thế nằm trải dài khoảng 120 km, dọc theo bờ Bắc sông Tiền, một nhánh của sông Mê Kông, nên so với các tỉnh, thành khác trong khu vực ĐBSCL, Tiền Giang có lợi thế về khí hậu, đất đai và nguồn nước ngọt để phát triển các vườn cây ăn trái và thật sự đến thời điểm hiện nay, Tiền Giang là tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất cả nước với hơn 84 ngàn ha tính đến năm 2023, hằng năm cho sản lượng trên 1,8 triệu tấn trái cây các loại. Trong đó, có một số loại trái cây đặc sản như: Xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, sầu riêng Cai Lậy, khóm Tân Phước, thanh long Chợ Gạo…

Trong tỉnh cũng đã hình thành nhiều vùng sản xuất cây ăn trái đặc sản theo tiêu chuẩn GAP với quy mô lớn, đáp ứng cả nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Năm 2023, theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, xuất khẩu trái cây Tiền Giang trên 23.865 tấn các loại, đạt 45,7 triệu USD. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, số liệu thực tế giá trị xuất khẩu các loại trái cây Tiền Giang cao gấp 10 lần so với số liệu thống kê, lý do các doanh nghiệp, hợp tác xã xuất ủy thác qua các doanh nghiệp ngoài tỉnh hoặc qua đường tiểu ngạch, không khai báo đầy đủ.

Riêng trong quý I-2024, xuất khẩu trái cây của Tiền Giang được 7.100 tấn, với kim ngạch đạt 13,41 triệu USD, tăng gần 60% về lượng và hơn 62% về giá trị. Về thị trường, các mặt hàng rau quả của tỉnh từ xuất tươi đến qua chế biến, đặc biệt là trái cây đã xuất đi khắp các thị trường nước ngoài, điển hình như: Trung Quốc, Mỹ, Canada, EU, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi... đã tạo nên kết quả ấn tượng cho ngành hàng rau quả trong những năm gần đây, góp phần tích cực vào tổng kim ngạch xuất khẩu chung các sản phẩm nông nghiệp của cả nước.

* Phóng viên (PV): Những thuận lợi và khó khăn trong khâu tiêu thụ trái cây vừa qua, kể cả những khó khăn trong thu hút đầu tư liên quan đến ngành hàng sản xuất, tiêu thụ trái cây của Tiền Giang?

* Đồng chí Lưu Văn Phi: Như đã nêu trên, thuận lợi là về mặt nhận thức và tư duy đã có sự thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; nhà vườn đã từng bước quan tâm đến thị trường, mùa vụ gắn với giá cả đầu ra; dành thời gian và chi phí để xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến; tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ và hệ thống thương mại hiện đại; quan tâm kết nối với các đối tác nước ngoài…

Về dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất cũng đã có những thay đổi tích cực từ khâu hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, đến các loại vật tư, phân bón, trang thiết bị phục vụ thu hoạch, đóng gói, vận chuyển…; góp phần giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất và tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm.

Về mặt cơ chế chính sách, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền các địa phương đã có sự chỉ đạo toàn diện, kịp thời, chặt chẻ tạo điều kiện thuận lợi cho cả người sản xuất và doanh nghiệp cải thiện năng lực sản xuất, kinh doanh. Công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài nước có những chuyển biến tích cực, góp phần vào quảng bá và giới thiệu các loại trái cây của nước ta đến người tiêu dùng trên thế giới.

Bên cạnh đó, công tác hướng dẫn đăng ký, kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng cây ăn trái xuất khẩu được tăng cường thực hiện theo quy định thúc đẩy thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, dần chú trọng áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp góp phần tạo ra sản phẩm an toàn, nâng cao giá trị cạnh tranh và bảo vệ môi trường trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng một số hộ dân, doanh nghiệp sản xuất không tuân thủ quy định: Dư lượng thuốc trừ sâu quá lớn, sử dụng chất cấm trong canh tác, gian lận mã vùng trồng... Việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thông tin thị trường, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý gặp nhiều khó khăn do không có cơ quan, đơn vị làm đầu mối kết nối.

Tập quán sản xuất của người dân còn nhỏ lẻ, chưa liên kết hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Kho lạnh chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản khi trái cây bị rớt giá trong vụ thu hoạch tập trung. Sản phẩm chủ yếu bán tươi và phụ thuộc lớn vào thị trường tiêu thụ Trung Quốc. Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước còn khó khăn do chưa thống kê được số lượng tiêu thụ; các đơn vị xuất khẩu chưa phối hợp tốt trong việc cung cấp số liệu về kim ngạch xuất khẩu; trình tự, thủ tục cấp mã số vùng trồng, mã số đóng gói còn chậm.

Lễ hội Trái cây Tiền Giang năm 2024 nhằm tôn vinh các loại trái cây đặc sản.
Lễ hội Trái cây Tiền Giang năm 2024 nhằm tôn vinh các loại trái cây đặc sản.

* PV: Tiền Giang hướng đến mục tiêu và kỳ vọng gì thông qua Lễ hội Trái cây do Tiền Giang tổ chức sắp tới?

* Đồng chí Lưu Văn Phi: Lễ hội Trái cây do Tiền Giang tổ chức sắp tới nhằm tôn vinh các loại trái cây đặc sản của tỉnh Tiền Giang, khu vực ĐBSCL và cả nước, đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ các loại trái cây đặc sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang, các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL và cả nước.

Đồng thời, xây dựng và tôn vinh hình ảnh ngành hàng trái cây đặc sắc của Việt Nam, thông qua đó quảng bá hình ảnh tươi đẹp của Tiền Giang, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung, nhằm xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch.

Bên cạnh đó, Lễ hội Trái cây còn góp phần định hướng người tiêu dùng đối với các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và dinh dưỡng của trái cây Việt Nam; tạo điều kiện kết nối giữa các tác nhân trong hệ sinh thái ngành hàng trái cây Việt Nam (người sản xuất, các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, hệ thống tín dụng - ngân hàng và các đơn vị cung ứng dịch vụ logistics).

* PV: Vậy, đâu là giải pháp để đẩy mạnh tiêu thụ trái cây Tiền Giang trong thời gian tới?

* Đồng chí Lưu Văn Phi: Trong thời gian tới, về phía người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm thực hiện tốt 5 giải pháp cơ bản sau:

Một là, người dân và doanh nghiệp phải tiếp tục tự nâng cao năng lực của mình qua việc làm ăn đàng hoàng, tuân thủ các quy định, giữ chữ tín và phải hợp tác, liên kết thật tâm với nhau trong chuỗi.

Hai là, về phía Nhà nước, tiếp tục kiến tạo cơ chế, chính sách kịp thời, hiệu quả từ việc cải cách các thủ tục hành chính đến cung ứng vốn, hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ khoa học - công nghệ, xây dựng thương hiệu, mã số vùng trồng, cơ sở chế biến đóng gói, xúc tiến thương mại, cắt giảm chi phí logistics… Cùng với đó là đẩy mạnh đầu tư công, kịp thời thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh…

Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp từ nguồn Quỹ Khuyến công để nâng cấp mở rộng nhà xưởng và đổi mới trang thiết bị phục vụ sản xuất và chế biến xuất khẩu.

Ba là, nghiên cứu, hướng dẫn về mặt kỹ thuật canh tác, nuôi trồng; hỗ trợ các chủ thể trong chuỗi nâng cao chất lượng sản phẩm trái cây đặc sản của tỉnh, từ khâu quy hoạch vùng trồng với quy mô lớn, đến sản xuất cây giống, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trong canh tác, thu hoạch, đóng gói, bao quản, vận chuyển... để nâng cao chất lượng sản phẩm; tiếp tục thực hiện các hoạt động kết nối tiêu thụ, hình thành chuỗi giá trị trong và ngoài tỉnh đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm của tỉnh trong nước và thế giới. 

Bốn là, các doanh nghiệp cần nghiên cứu và vận dụng hiệu quả những ưu đãi về thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do; kết nối chặt chẽ với hệ thống các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và hiệp hội các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam để quảng bá và giới thiệu về những nét ưu việt của trái cây Việt đến người tiêu dùng nước ngoài.

Năm là, hằng năm, tỉnh Tiền Giang nên tiếp tục tổ chức các sự kiện quảng bá về trái cây của tỉnh như hình thức Lễ hội Trái cây Tiền Giang năm 2024 để xây dựng và tôn vinh hình ảnh trái cây Việt, thông qua đó quảng bá hình ảnh tươi đẹp của Tiền Giang, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung, nhằm xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch.

Đồng thời, định hướng người tiêu dùng đối với các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và dinh dưỡng của trái cây Việt Nam. Tạo điều kiện kết nối giữa các tác nhân trong hệ sinh thái ngành hàng trái cây Việt Nam (người sản xuất, các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, hệ thống tín dụng - ngân hàng và các đơn vị cung ứng dịch vụ logistics).

* PV:  Xin cảm ơn đồng chí!

THẾ ANH

(thực hiện)

.
.
Liên kết hữu ích
.