.
Lan tỏa những tấm lòng nhân ái vì cộng đồng

BÀI CUỐI: CHỦ TỊCH ỦY BAN MTTQ VIỆT NAM TỈNH TIỀN GIANG NGUYỄN CHÍ TRUNG: Các tôn giáo thể hiện vai trò, trách nhiệm là thành viên của Mặt trận

Cập nhật: 14:31, 01/05/2024 (GMT+7)

Bài 1: Ngôi trường của tình thương

Bài 2: Trải lòng bác ái trên đất cù lao

 
Trong giai đoạn đổi mới, xây dựng đất nước, MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang đã  tiếp tục tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, đảm bảo sự đồng thuận về tư tưởng, hành động, hướng tới mục tiêu giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia và ổn định xã hội, phát triển kinh tế. Đồng chí Nguyễn Chí Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang cho biết, trong mái nhà chung MTTQ, các tôn giáo là những thành viên có đóng góp tích cực.

* Phóng viên (PV): Trong những năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh Tiền Giang đã thực hiện công tác tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc đạt được những kết quả nổi bật gì, thưa đồng chí?

* Đồng chí Nguyễn Chí Trung: Đại đoàn kết toàn dân tộc luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng.

MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đồng thời, MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thời gian qua, thông qua các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động của Trung ương và do Mặt trận phát động, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tập hợp, huy động được nguồn lực rất lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đáng chú ý là thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trong 5 năm qua, đã vận động nhân dân tham gia đóng góp trên 45.100 ngày công, nạo vét được trên 912 tuyến kinh mương thủy lợi nội đồng; đóng góp trên 894 tỷ đồng để làm đường giao thông, công trình công cộng. Ngoài ra, nhân dân còn hiến 2.822.824 m2 đất và đóng góp 63.792 ngày công trị giá hàng chục tỷ đồng xây dựng hạ tầng nông thôn mới; xây dựng và nhân rộng được 241 mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”; 1.750 Tổ tự quản môi trường; 158 mô hình “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ”...

Thông qua các hoạt động trên ngày càng nâng cao nhận thức, ý thức tự giác của nhân dân trong việc thực hiện và chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng và hoàn thành 142/142 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tỷ lệ 100%); 55 xã nông thôn mới nâng cao; 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 6/8 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới; 3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,97%.

Công tác vận động Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội các cấp trong tỉnh đã huy động được trên 1.400 tỷ đồng để xây mới và sửa chữa 4.298 nhà đại đoàn kết; giúp đỡ, hỗ trợ hàng trăm ngàn người có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, ủng hộ 1 tỷ đồng xây dựng 20 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên nhân kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, đây là hoạt động hết sức ý nghĩa thể hiện sự đoàn kết, tương thân tương ái.

Đặc biệt, qua công tác tuyên truyền, vận động, nhân dân đã tham gia đóng góp số tiền trên 61,69 tỷ đồng và hiện vật quy ra tiền trên 126,6 tỷ đồng, góp phần rất quan trọng trong việc mua trang thiết bị, hàng hóa thiết yếu và chăm lo cho người dân trong phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua.

* PV: Trong những thành quả nổi bật đó, đồng chí đánh giá thế nào về sự tham gia của các tôn giáo trong việc thực hiện cuộc vận động vì người nghèo và công tác an sinh xã hội?

* Đồng chí Nguyễn Chí Trung: Trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, các tôn giáo trên địa bàn tỉnh luôn thực hiện tinh thần đồng hành cùng dân tộc, tốt đời đẹp đạo, phát huy tốt vai trò là thành viên trong ngôi nhà “Đại đoàn kết” của MTTQ Việt Nam, tích cực tham gia thực hiện các hoạt động “Vì người nghèo” và an sinh xã hội đạt giá trị hơn 399,172 tỷ đồng (chiếm 30,67% tổng giá trị vận động an sinh xã hội toàn tỉnh).

Trong đó, tham gia đóng góp Quỹ “Vì người nghèo” được 8,019 tỷ đồng; xây dựng 339 nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, với tổng giá trị 16,950 tỷ đồng; tặng 403.392 phần quà cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn nhân các dịp lễ, tết, giá trị hơn 161,356 tỷ đồng. Tổ chức khám, chữa bệnh cho 433.965 lượt người là hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, giá trị hơn 86,793 tỷ đồng; tặng 8.018 học bổng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học tốt, giá trị hơn 12,6 tỷ đồng; vận động nguồn lực cho các hoạt động cứu trợ thiên tai, dịch bệnh Covid-19... giá trị hơn 44,36 tỷ đồng. Ngoài ra, các tổ chức tôn giáo còn tích cực tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương, cùng chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới , đô thị văn minh.

Sự tham gia đóng góp nguồn lực của các tôn giáo trong thời gian qua rất đáng trân trọng, không chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tính nhân văn sâu sắc trong tham gia các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội, mà còn thể hiện vai trò trách nhiệm là thành viên của Mặt trận với cộng đồng, góp phần rất quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

* PV: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện như thế nào để nhân dân thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, thưa đồng chí?

* Đồng chí Nguyễn Chí Trung: Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và được thể chế hóa trong Hiến pháp: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật (điều 24, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013).

Thời gian tới, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức một cách đầy đủ và đúng đắn về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cho đoàn viên, hội viên, nhân dân, các chức sắc, chức việc, tín đồ… thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Mặt trận luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, hỗ trợ tạo điều kiện để mọi hoạt động, sinh hoạt của tôn giáo thực hiện đúng pháp luật, đúng Hiến chương và điều lệ của các tôn giáo được Nhà nước công nhận. Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh nhà.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

THỦY HÀ (thực hiện)

 

.
.
.