"Đảng phải chọn được những Bộ trưởng tài năng, kĩ trị"
Vấn đề quan trọng, cốt yếu nhất là Đảng phải chọn được những Bộ trưởng có tài năng, kĩ trị thực sự. Tinh giảm bộ máy, giảm bớt đầu mối quản lý thì khả năng lựa chọn được người kĩ trị sẽ tốt hơn so với trước.
Tuần Việt Nam giới thiệu phần 2 cuộc trao đổi với PGS.TSKH Võ Đại Lược, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới.
Chính phủ đang thực hiện các bước trong kế hoạch hợp nhất, sáp nhập nhiều bộ, ngành. Ông nhìn nhận như thế nào về việc này?
Ông Võ Đại Lược: Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương và phương án đã công bố.
Hiện nay nhiều bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ gần trùng nhau với không ít quy định chồng chéo, mâu thuẫn, thậm chí không thể thực hiện được. Nhiều đầu mối quản lý thì đương nhiên là doanh nghiệp và người dân phải chịu nhiều tầng nấc từ trung ương đến địa phương. Đó là chưa kể, chi phí để vận hành bộ máy đó là tiền thuế của dân, làm sao mà dân chịu mãi được!.
Vì vậy, khi Chính phủ sáp nhập các bộ, ngành với nhau, thì đó là hướng đi đúng. Tôi lấy ví dụ, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng hợp nhất là quá đúng về chức năng, nhiệm vụ. Bộ Kế hoạch Đầu tư hợp nhất với Bộ Tài chính cũng rất hợp lý vì việc thu và chi cần gắn với nhau. Hơn nữa, Việt Nam đã theo kinh tế thị trường thì không nên có cơ quan gắn với chữ “kế hoạch” vì nó gắn với thời kỳ kế hoạch hóa tập trung.
Tôi mong muốn, cơ quan mới sau hợp nhất nên đổi từ “kế hoạch” thành “quy hoạch”, chẳng hạn gọi là Bộ Quy hoạch và Phát triển hay là Bộ Cải cách và Phát triển.
Tất nhiên, bất kỳ quốc gia nào cũng phải có kế hoạch để phát triển, nhưng người ta không dùng từ kế hoạch theo nghĩa pháp lệnh như chúng ta. Chẳng hạn, tăng trưởng với họ không phải chỉ tiêu pháp lệnh như chúng ta.
Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và nhiều nước khác có Ủy ban Cải cách và Phát triển hay cơ quan tương tự để làm chức năng đó.
Ông Võ Đại Lược: Phải chọn được các Bộ trưởng có tinh thần đổi mới để xây dựng thể chế tốt, phù hợp với kinh tế thị trường. Ảnh: VietNamNet |
Việt Nam nên bỏ kế hoạch pháp lệnh đi, thay vào đó là quy hoạch phát triển cho cả nước, cho từng vùng phù hợp với từng thời kỳ và tình hình phát triển thực tế.
Chúng ta đã theo kinh tế thị trường mà lại đưa ra kế hoạch 5 năm, hàng năm với bao nhiêu chỉ tiêu pháp lệnh là không còn phù hợp nữa.
Khi hợp nhất, sáp nhập các bộ, ngành cần chú ý điều gì nhất về con người, theo ông?
Ông Võ Đại Lược: Vấn đề quan trọng, cốt yếu nhất là Đảng phải chọn được những Bộ trưởng có tài năng, kĩ trị thực sự. Tinh giản bộ máy, giảm bớt đầu mối quản lý đi thì khả năng lựa chọn được người kĩ trị sẽ tốt hơn so với trước.
Sau Đổi mới, chúng ta có nhiều chuyện hay về dùng người tài, nhưng đáng tiếc là đến nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách hiệu quả để tuyển dụng và trọng dụng nhân tài.
Vì sao chỉ có rất ít sinh viên đỗ thủ khoa khi ra trường vào làm cho nhà nước? Vì sao nhiều người xuất sắc tốt nghiệp ở nước ngoài ở lại nước ngoài chứ không về nước làm việc? Vì người xuất sắc họ không “chạy” để vào Nhà nước. Phải có cơ chế đãi ngộ, không gian làm việc cho họ để các cán bộ, công chức nhà nước tự hào về công việc của họ với người thân, với xã hội.
Ở cấp địa phương cũng cần thi tuyển công khai, minh bạch các Giám đốc sở, Phó Giám đốc sở để chọn được người tài năng. Nếu chỉ dựa vào quy hoạch như hiện nay vẫn còn tệ chạy chức, chạy quyền, vừa không tuyển chọn được người tài, vừa dung dưỡng cho tiêu cực, nhũng nhiễu.
Tổng Bí thư Tô Lâm nói “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”.
Vì thế, cách xây dựng pháp luật hiện nay cần phải thay đổi. Năng lực làm luật của Quốc hội cần được bồi bổ, tăng cường hơn nữa. Tôi cho là Việt Nam là nước đi sau nên cần tham khảo các luật của các quốc gia phát triển đi trước. Nhiều nước trên thế giới đều học hỏi các luật của nhau.
Và phải chọn được các Bộ trưởng có tinh thần đổi mới để xây dựng thể chế tốt, phù hợp với kinh tế thị trường.
Ông còn băn khoăn điều gì về sự phân vai giữa nhà nước và thị trường để các bộ mới sẽ thực hiện tốt hơn vai trò “kiến tạo”, “quản lý” đối với nền kinh tế và xã hội?
Ông Võ Đại Lược: Khi có nhiều bộ, ngành như hiện nay, luật pháp lại ôm đồm, thì một địa phương hay doanh nghiệp muốn làm gì đó phải đến gặp 7-8 cơ quan, rất mất thời gian, tiền bạc và cơ hội phát triển.
Bây giờ hợp nhất, sáp nhập các bộ, ngành thì tôi kỳ vọng ít nhất là giảm đi được một nửa về thủ tục, quy trình. Việc lợi cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân là thấy rõ, bên cạnh việc tiết kiệm ngân sách để nuôi bộ máy.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải giảm hoặc bỏ cơ chế xin cho, cấp phát đi. Cơ chế này và tất nhiên là nhiều yếu tố khác đã kìm nén khối doanh nghiệp tư nhân bao lâu nay, làm họ không lớn lên được như mong muốn. Sau bao nhiêu năm đổi mới, khối này vẫn chỉ chiếm khoảng 10% GDP. Khu vực kinh tế tư nhân được công nhân là động lực của nền kinh tế nhưng chưa có hành động để họ là động lực. Họ còn khó khăn lắm.
Ông nhìn nhận như thế nào về việc dừng hoạt động Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước?
Ông Võ Đại Lược: Tôi thấy dừng là đúng. Việc quản lý doanh nghiệp nhà nước là vấn đề chúng ta băn khoăn và thay đổi nhiều. Giai đoạn trước, các tập đoàn lớn thuộc quyền quản lý của Thủ tướng, sau lại đưa về các bộ, thấy không ổn lại lập ra Siêu ủy ban.
Giờ không có Siêu ủy ban nữa, theo tôi, lại đưa về các bộ chuyên ngành như trước đây.
Vấn đề quan trọng không kém là tiếp tục cải cách doanh nghiệp nhà nước. Tôi lấy ví dụ, chúng ta chủ trương Nhà nước không nắm những thứ không cần thiết, những thứ tư nhân có thể làm được và làm tốt. Nhưng phát triển cao su có phải thứ mà Nhà nước buộc phải nắm giữ hay không mà phải duy trì tập đoàn nhà nước?
Nhiều năm trước, tôi hỏi chuyên gia người Đức sau khi thống nhất, các ông cải cách doanh nghiệp nhà nước của Đức như thế nào? Họ nói, chúng tôi tuyển chọn những nhà quản lý giỏi nhất đất nước, giao cho họ quản lý các doanh nghiệp nhà nước, hoặc đơn giản là bán đi. Hiệu quả tức thì. Trước đây, doanh nghiệp nhà nước đó nộp ngân sách một đồng, thì sau này, họ nộp 100 đồng.
Chúng ta coi kinh tế nhà nước là chủ đạo không có nghĩa doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo. Nếu cứ lẫn lộn như vậy thì làm sao đất nước cải cách theo hướng mới được!.
Khó khăn nội tại đã tích tụ lâu năm, hoàn cảnh quốc tế cũng không còn thuận lợi. Đây là một cơ hội tốt để cải cách bộ máy, đổi mới cơ chế quản trị quốc gia, xóa bỏ cơ chế xin cho, cấp phát. Chúng ta muốn tự lực, tự cường thì nên giải phóng sức của dân cho phát triển.
Theo vietnamnet.vn