.

Giảm căng thẳng ở khu vực ngôi đền cổ Preah Vihear

Cập nhật: 11:35, 14/07/2012 (GMT+7)

Theo hãng tin Tân Hoa xã, Campuchia sẽ rút khoảng 486 quân khỏi Khu phi quân sự tạm thời (PDZ) xung quanh ngôi đền cổ Preah Vihear vào ngày 18-7 tới, nhằm tuân thủ phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ).

Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Campuchia Hor Nam Hong phát biểu trong cuộc họp báo kết thúc Hội nghị ASEAN lần thứ 45 ở thủ đô Phnom Penh ngày 13-7 rằng: Campuchia sẽ rút khoảng 486 binh sĩ khỏi PDZ vào ngày 18-7 để thực thi phán quyết của ICJ cách đây một năm.

Binh sỹ Campuchia ở gần ngôi đền cổ. Ảnh: AFP
Binh sĩ Campuchia ở gần ngôi đền cổ. Ảnh: AFP

"Chúng tôi muốn cho cộng đồng quốc tế thấy Phnom Penh sẵn sàng tuân thủ lệnh của tòa án quốc tế khi quyết định rút quân, mặc dù bên kia (Thái Lan) vẫn chần chờ kế hoạch rút quân khỏi PDZ.", ông Hor Nam Hong cho biết thêm.

Kể từ khi UNESCO công nhận ngôi đền cổ Preah Vihear là di sản văn hóa thế giới ngày 7-7-2008, Thái Lan và Campuchia thường xuyên xảy ra xung đột biên giới liên quan tới tranh chấp lãnh thổ gần ngôi đền này.

Ngôi đền cổ Preah Vihear được xây dựng vào đầu thế kỷ 9 dùng để thờ thần Shiva trong những thế kỷ tiếp theo. Các di vật được tìm thấy ở tỉnh này cho thấy khu vực này là khu định cư quan trọng của Đế quốc Khmer trong thế kỷ 12.
 
Những phần còn sót lại sớm nhất lại có niên đại thời Koh Ker vào thế kỷ 10 khi kinh đô của Đế quốc Khmer gần hơn so với khi nó ở Angkor. Có một số yếu tố thuộc phong cách Banteay Srei cuối thế kỷ 10, nhưng phần lớn ngôi đền được lập dưới thời các vua Suryavarman I và Suryavarman II trong các nửa đầu thế kỷ 11 và 12.
 
Do ngôi đền nằm gần biên giới Campuchia và Thái Lan nên khu vực này bị tranh chấp cho đến 15-6-1962, khi Tòa án Quốc tế vì Công lý (ICJ) phán quyết rằng ngôi đền thuộc Campuchia. Ngôi đền đã mở cửa trong một thời gian ngắn vào năm 1982 và năm sau bị Khmer Đỏ chiếm đóng. Ngôi đền được mở cửa lại vào cuối năm 1998 và Campuchia hoàn tất việc xây dựng năm 2003 sau một quãng thời gian dài.
 
Năm 2007 Campuchia đề nghị công nhận Di sản văn hoá cho đền Preah Vihear nhưng đã bị UNESCO bác bỏ do còn tồn tại những bất đồng với Thái Lan và vì một phần Thái Lan bác bỏ và phản đối đề nghị này của Campuchia.
 
Tuy nhiên, một năm sau, được Bộ Ngoại giao Thái Lan ủng hộ, vào ngày 7 tháng 6 năm 2008, Ủy ban di sản thế giới họp tại Canada đã công nhận đền Preah Vihear là di sản thế giới. Đây là di sản thế giới thứ ba của Campuchia, hai di sản công nhận trước đó là Đền Angkor Wat (1992) và Điệu múa hoàng gia (2003).

Ngay sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan bị trong nước cáo buộc là vi phạm pháp luật khi ủng hộ Campuchia đăng ký Đền Preah Vihear là di sản thế giới, và ông này đã phải từ chức. Chính vì điều này mà quan hệ giữa Campuchia và Thái Lan trở nên căng thẳng.
 

Trong các ngày 23, 25 và 30-6, binh sĩ Thái Lan đã đặt thêm hàng rào thép gai tại một số vị trí ở Khu vực phi quân sự tạm thời (PDZ) gần ngôi đền tranh chấp Preah Vihear ở biên giới hai nước bất chấp sự phản đối của phía Campuchia.

Ngày 4-7, Bộ Ngoại giao Campuchia đã gửi một công hàm đến Đại sứ quán Thái Lan tại thủ đô Phnom Penh, cáo buộc Thái Lan vi phạm phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ).
 
Cũng trong ngày 4-7, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong đã gửi thư khiếu nại về hành động nêu trên của binh sĩ Thái Lan tới ông Philippne Couvreur, quan chức của ICJ.
 
Theo phán quyết của ICJ ngày 18-7-2011, Campuchia và Thái Lan phải lập tức rút quân ra khỏi khu vực PDZ rộng 17,3 km2 và không để xảy ra hoạt động vũ trang tại khu vực này.
 
ICJ cũng yêu cầu hai nước cho phép một số quan sát viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), người Indonesia, được tiếp cận khu vực nêu trên để giám sát ngừng bắn.

Mặc dù vậy, theo các nhà quan sát, cho đến nay, cả hai bên vẫn chưa rút các binh sĩ ra khỏi PDZ.

PHÙNG LONG

(Theo THX, AFP)

 

.
.
.