.

Philippines tăng cường binh lực để đối trọng với Trung Quốc

Cập nhật: 10:54, 16/07/2012 (GMT+7)
Tàu Hải quân của Philippine
Tàu Hải quân của Philippines. Ảnh: Asia Times

Trước tình hình căng thẳng ở Biển Đông, Philippines đang tích cực mua sắm binh khí và cơ cấu lại quân đội.

Tờ Asia Times mới đây đăng bài viết về chi tiêu quân sự đột biến của Philippines trong những tháng gần đây và sắp tới.
 
Bài viết nêu số liệu thống kê trong tháng 7 này, Philippines bắt đầu mời thầu các hợp đồng quân sự trị giá khoảng 79 tỷ peso (tương đương 1,8 tỷ USD).

Đây là phần giải ngân đầu tiên cho kế hoạch hiện đại hóa Lực lượng Vũ trang Philippines (quân số 125.000 người) trong 5 năm với tổng ngân sách lên tới 500 tỷ peso.

Chính phủ Philippines sẽ mời thầu tổng cộng 138 hợp đồng mua các khí tài hải quân và không quân mới tinh, bao gồm chiến đấu cơ, trực thăng tấn công, phi cơ vận tải và tuần tiễu tầm xa, chiến hạm, radar phòng không và các phương tiện chiến tranh tối tân khác nhằm tăng cường sức mạnh phòng thủ lãnh thổ và lãnh hải.
 
Trong mấy tháng qua, các quan chức quân sự Philippines đi nhiều nước như Pháp, Anh, Italy, Ba Lan, Nga và Tây Ban Nha để tìm kiếm các đối tác cung ứng vũ khí.
 
Bộ Quốc phòng Philippines đã ký hợp đồng đầu tiên mua 8 chiếc trực thăng tiến công đa năng Sokol của hãng Swidnik, Ba Lan. Bốn chiếc trong số này đã được gửi sang Philippines.
 
Toàn bộ số hợp đồng trên đều dành cho hải quân và không quân của Philippines, vốn được trang bị yếu kém trước lực lượng quân sự ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc – lực lượng quốc phòng lớn thứ 3 trên thế giới chỉ sau Mỹ và Nga.
 
Theo kế hoạch cải cách mới, quân đội nước này cũng đã cơ cấu lại tổ chức và định hướng tác chiến, chuyển từ việc trấn áp phiến quân sang tập trung vào phòng thủ đối ngoại, trực tiếp nghênh diện Trung Quốc trên Biển Đông.
 
Hoạt động mua sắm khí tài quân sự của Philippines đã bị phía Trung Quốc công kích và cảnh báo là sẽ làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.
 
Một số nhà phân tích nhận định Philippines đang hoãn binh để tranh thủ thời gian, một mặt thì đối thoại với Bắc Kinh, mặt khác ra sức tăng cường sức mạnh phòng thủ, có hoặc không có sự trợ giúp của Mỹ, để có thể đối trọng với Trung Quốc.

NGUYỄN HỮU

(Theo Asia Times)

.
.
.