.

Thế giới tuần qua

Cập nhật: 13:02, 15/07/2012 (GMT+7)

Những sự kiện nổi bật của thế giới tuần qua được giới quan sát bình chọn là: Pháp duyệt binh hoành tráng mừng Quốc khánh; lại xảy ra thảm sát tại Syria làm 200 người thiệt mạng; Tòa án Thái Lan phán quyết dự luật sửa Hiến pháp là hợp hiến...

2. Pháp duyệt binh hoành tráng mừng Quốc khánh

Ảnh: AP
Ảnh: AP

Ngày 14-7, tại Paris, Cộng hòa Pháp đã tổ chức lễ duyệt binh hoành tráng nhân Ngày Độc lập (Bastille Day hoặc La Fete Nationale) kỷ niệm ngày phá ngục Bastille trong cuộc cách mạng năm 1789, tại đại lộ Champs Elysee, qua Khải hoàn môn.

Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tư lệnh Quân đội Pháp Đô đốc Edouard Guillaud đã duyệt đội danh dự tại lễ duyệt binh.
 
Có khoảng 50.000 quân nhân Pháp đã tham dự lễ duyệt binh này, cùng sự xuất hiện của nhiều khí tài quân sự hiện đại, gồm cả xe tăng và máy bay.
 
Nhân dịp này, ông Hollande cũng đã có cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên kể từ khi đắc cử Tổng thống hồi tháng Năm.

2. Lại xảy ra thảm sát tại Syria, 200 người thiệt mạng

Ảnh: Tân Hoa xã
Ảnh: Tân Hoa xã

Theo Tân Hoa xã, truyền hình nhà nước Syria cuối ngày 12-7 đưa tin các nhóm vũ trang đã thực hiện vụ thảm sát ở làng Traimseh thuộc tỉnh Hama, miền Trung Syria.

Trong khi theo các nhà hoạt động, ít nhất 200 người đã bị giết hại ở ngôi làng này.
 
Theo truyền hình Syria, các nhóm vũ trang đã thực hiện vụ thảm sát ở Traimseh, xả súng loạn xạ vào người dân làng này khiến người dân ở đây phải tìm kiếm sự trợ giúp của binh sĩ Syria.

Trong khi đó, mạng lưới của các nhà hoạt động có tên Ủy ban Điều phối địa phương cho biết đã có ít nhất 200 người bị sát hại ở làng Traimseh và họ gọi đây là một vụ thảm sát.

Các nhà hoạt động cáo buộc binh sĩ chính phủ đứng sau vụ thảm sát này.

3. Tòa án Thái Lan: Dự luật sửa Hiến pháp là hợp hiến

Ảnh: AFP
Cảnh sát Thái Lan được triển khai bảo vệ trước Tòa án Hiến pháp Thái Lan. Ảnh: AFP

Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 13-7 đã phán quyết rằng dự luật sửa đổi Hiến pháp do Đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) cầm quyền khởi xướng là hợp hiến, đồng thời bác bỏ những kháng nghị chống lại đảng cầm quyền.
 
Tòa án khẳng định "không có đủ bằng chứng Đảng Pheu Thai có ý đồ lật đổ chế độ quân chủ lập hiến."
 
Hiến pháp hiện hành của Thái Lan được soạn thảo sau vụ đảo chính năm 2006 lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh trai của đương kim Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
 
Dự luật sửa đổi Hiến pháp do Đảng Pheu Thai khởi xướng được cho là tìm cách minh oan cho cựu Thủ tướng Thaksin.

Phán quyết của Tòa án Hiến pháp đã giải tỏa căng thẳng ở Thái Lan xung quanh vấn đề này. Trước khi tòa ra phán quyết, hàng trăm cảnh sát đã được triển khai xung quanh tòa nhà tòa án để bảo đảm an ninh, trong khi Thủ tướng Yingluck Shinawatra kêu gọi tất cả các bên kiềm chế tránh để xảy ra bạo lực và chấp nhận phán quyết của Tòa án Hiến pháp.

4. Bạo lực tại Bắc Ireland, hơn 20 cảnh sát bị thương

Ảnh: AFP
Ảnh: AFP

Cảnh sát Bắc Ireland ngày 13-7 cho biết có tới hơn 20 nhân viên thuộc lực lượng này đã bị thương khi họ tìm cách trấn áp hành động bạo lực, xảy ra ngày hôm trước giữa những người tuần hành theo đạo Tin lành với người theo đạo Thiên chúa ở thủ phủ Belfast của tỉnh thuộc Anh.
 
Ngày 12-7, trong lúc một nhóm nhỏ người theo đạo Tin lành tuần hành hòa bình qua quận Ardoyne, một số thanh niên thuộc hai giáo phái nói trên lăng mạ lẫn nhau, dẫn đến hành động bạo lực.
 
Khi cảnh sát dùng đạn cao su và vòi rồng để dẹp yên đám đông hỗn loạn, các phần tử quá khích đã dùng gạch và bom xăng tấn công hàng trăm cảnh sát. Tuy nhiên, không có ai bị thương nặng.
 
Cuộc tuần hành ngày 12-7 là đỉnh cao trong mùa tuần hành "Trật tự Cam" nhằm đánh dấu việc Vua William III của người theo đạo Tin lành chiến thắng Vua James III của người theo đạo Thiên chúa trong trận chiến Boyne năm 1690.
 
5. Khởi hành chuyến tàu hàng đầu tiên từ Mỹ tới Cuba

Ảnh: AFP
Ảnh: AFP

Lần đầu tiên trong 50 năm qua, một tàu chở hàng hóa viện trợ nhân đạo của Mỹ đã khởi hành từ thành phố Miami hướng thẳng tới Cuba.
 
Phát ngôn viên Leonardo Sanchez-Adega của Công ty vận tải biển International Port Corp cho biết tàu hàng Ana Cecilia chở 16 container hàng nhân đạo đã rời bến ngày 11-7.

International Port Corp tuyên bố công ty này đã nhận được giấy phép đặc biệt của nhà chức trách Mỹ, vốn áp đặt lệnh cấm vận thương mại đối với Cuba trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.
 
Theo kế hoạch, tàu Ana Cecilia sẽ khởi hành vào thứ Tư hàng tuần để thực hiện chuyến đi kéo dài 17 giờ tới Havana (Cuba), nơi 10 thành viên thủy thủ đoàn của tàu sẽ dỡ hàng rồi quay về và không lên bờ. Chi phí vận chuyển ước tính khoảng 13 USD/kg hàng hóa.
 
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba, quốc đảo Tự do này đang từng bước triển khai lộ trình cập nhật mô hình kinh tế với những kết quả khả quan, đưa đất nước vượt qua thời kỳ khó khăn và phát triển phù hợp với tình hình mới, kiên định con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.

6. Đầu bếp cũ của Osama Bin Laden đã được trả tự do

Ibrahim al-Qosi trả lời phỏng vấn khi về tới Khartoum. Ảnh: Reuters
Ibrahim al-Qosi trả lời phỏng vấn khi về tới Khartoum. Ảnh: Reuters

Bộ Ngoại giao Sudan cho biết đầu bếp cũ, người từng nấu ăn cho trùm khủng bố Osama Bin Laden, đã được trả tự do sau một thời gian bị giam giữ ở nhà tù Vịnh Guantanamo.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Sudan, ông Al-Obeid Meruh cho biết đầu bếp Ibrahim al-Qosi "hiện đã ở thủ đô Khartoum từ sáng 11-7".

Trước đó, đầu bếp al-Qosi đã bị Mỹ bắt giữ vì hỗ trợ các hoạt động khủng bố. Người đàn ông này đã bị giam giữ ở nhà tù Guantanamo từ năm 2002.

Đầu bếp al-Qosi được cho là đã làm việc cho Al-Qaeda từ năm 1996 và đã theo Bin Laden đến Afghanistan.

Trong những năm dài thân thiết với trùm khủng bố, al-Qosi đã làm rất nhiều việc, từ tài xế, kế toán đến nấu ăn cho Bin Laden tại các trại huấn luyện khủng bố ở Afghanistan trước khi xảy ra vụ tấn công 11-9.

NGUYỄN HỮU

.
.
.