An ninh hàng hải Đông Nam Á phải dựa vào UNCLOS, DOC
Nhà giàn DK16 ở thềm lục địa phía Nam của Việt Nam. Ảnh: Phùng Long |
Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, chiều 30-8, tại thủ đô Jakarta, Indonesia đã diễn ra Hội thảo quốc tế với chủ đề “An ninh hàng hải ở Đông Nam Á,” do Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) cùng với Trung tâm Habibie của Indonesia phối hợp tổ chức.
Hội thảo có sự tham dự của các học giả, nhà phân tích, chuyên gia quốc phòng đến từ Mỹ, Anh, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, và các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, bà Ima Abdulrahim, Giám đốc điều hành Trung tâm Habibie nhấn mạnh hội thảo về “An ninh hàng hải ở Đông Nam Á” là một diễn đàn cho các chuyên gia về lĩnh vực an ninh biển trong khu vực và quốc tế trao đổi và thảo luận mở về các vấn đề an ninh hàng hải ở Đông Nam Á.
Hội thảo đã nghe trình bày các tham luận, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và quan điểm về an ninh hàng hải ở Đông Nam Á.
Các đại biểu đã tập trung trao đổi về các vấn đề chia sẻ thông tin và nâng cao nhận thức hàng hải, an ninh hàng hải và các vấn đề môi trường biển, quản trị hàng hải và các vấn đề luật pháp liên quan đến hàng hải, nhất là vấn đề quốc phòng hàng hải, trong đó có sự chuyển dịch trọng tâm ưu tiên chiến lược của Mỹ sang khu vực châu Á -Thái Bình Dương và tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Hội thảo nhất trí rằng để đảm bảo an ninh hàng hải, trong đó có việc đối phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đòi hỏi phải dựa trên các nền tảng pháp lý đã được quốc tế công nhận, nhất là Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, các cam kết đã được các bên liên quan nhất trí, trong đó có Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thiện chí, nỗ lực và hợp tác tăng cường xây dựng và củng cố lòng tin của các nước trong và ngoài khu vực nhằm đảm bảo duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Đông Nam Á nói chung và Biển Đông nói riêng.
Các đại biểu cũng ghi nhận mối lo ngại về tình trạng gia tăng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Đông Nam Á và Đông Bắc Á, đồng thời cho rằng có thể đảm bảo an ninh hàng hải ở Đông Nam Á nếu xây dựng được một cơ chế quốc phòng tập thể và an ninh tập thể trên cơ sở phát triển và mở rộng các cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), ADMM +1, ADMM +3 với các đối tác đối thoại của ASEAN.
P.LONG
(Theo TTXVN)