.

Căng thẳng Nhật - Trung tăng lên vì vụ bắt công dân

Cập nhật: 08:43, 17/08/2012 (GMT+7)

Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng hơn xung quanh vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, đặc biệt sau vụ công dân Trung Quốc bị bắt.

Hãng tin Kyodo của Nhật Bản đưa tin, sáng ngày 16-8, lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản đã đưa tất cả 14 người Hồng Kông (những người này đã đi trên chiếc tàu cá Trung Quốc liều lĩnh lao đến đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư) tới thành phố Naha, thủ phủ tỉnh Okinawa (Nhật Bản).

Theo Kyodo, họ bị áp giải tới sở cảnh sát thành phố để thẩm vấn và sau đó có thể bị truy tố hoặc gửi tới Văn phòng xuất nhập cảnh thành phố để trục xuất về Hồng Kông với lý do đã nhập cảnh trái phép vào lãnh thổ Nhật Bản.

Tàu tuần tra của lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản chở các công dân Trung Quốc đã lên đảo Senkaku trái phép cập cảng tại thành phố Naha sáng ngày 16.8
Tàu tuần tra của lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản chở các công dân Trung Quốc đã lên đảo Senkaku trái phép cập cảng tại thành phố Naha sáng ngày 16-8. Ảnh: KYODO

Theo Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) Phân khu 11, 7 nhà hoạt động người Trung Quốc đã lên đảo lúc 5 giờ 29 phút chiều ngày 15-8. Trước đó, cảnh sát tỉnh Okinawa – túc trực sẵn trên đảo - đã bắt giữ 5 người trong số này với cáo buộc vi phạm Luật tị nạn và quản lý xuất nhập cảnh.

Luật tị nạn và quản lý xuất nhập cảnh của Nhật Bản nghiêm cấm nhập cảnh đối với những người có mục đích lên đất liền mà không được phép của chính quyền sở tại.
 
Trong khi đó, kênh truyền hình vệ tinh của Hồng Kông cho biết các nhà hoạt động này đã cắm cờ Trung Quốc trên hòn đảo này.

Cùng ngày, Chính phủ Nhật Bản đã triệu  Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Trình Vĩnh Hoa tới Bộ Ngoại giao nước này để chuyển công hàm phản đối chính thức tới phía Bắc Kinh. Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ châu Á - châu Đại Dương Sugiyama Shinsuke cũng đã hủy bỏ chuyến thăm Trung Quốc vào ngày 16-8 với lý do là để thuyết trình về Hội nghị giữa hai chính phủ Nhật Bản - Triều Tiên dự kiến nối lại vào ngày 29-8 tới.

Một trong số những người Trung Quốc vẫn hò hét hô vang các khẩu hiệu ủng hộ Bắc Kinh trong tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khi bị áp giải lên xe hơi.
Một trong số những người Trung Quốc vẫn hò hét hô vang các khẩu hiệu ủng hộ Bắc Kinh trong tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khi bị áp giải lên xe hơi. Ảnh: KYODO

Trả lời phỏng vấn của báo chí, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda khẳng định “sẽ xử lý nghiêm vụ này theo quy định của pháp luật.”

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho rằng “việc những người này lên đảo bất chấp ba lần cảnh cáo từ phía lực lượng chức năng Nhật Bản là rất đáng tiếc.”  JCG khẳng định đã tuân thủ phương châm đối phó của chính phủ nước này.
 
Ngay sau đó, Trung Quốc cũng đã trao công hàm cho Nhật Bản để phản đối nước này bắt giữ các công dân Trung Quốc trên quần đào Điếu Ngư mà Tokyo gọi là Senkaku.

Thứ trưởng Ngoại giao Phó Oánh đã triệu khẩn cấp Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Uichiro Niwa tới và gọi điện cho người đồng cấp Nhật Bản Tsuyoshi Yamaguchi để nói về vấn đề này.
 
Bà Phó Oánh đã tái khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Điếu Ngư và các hòn đảo phụ cận, đồng thời yêu cầu phía Nhật Bản đảm bảo sự an toàn của các công dân Trung Quốc và lập tức trả tự do cho họ mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào.

Ngày 16-8, Trung Quốc tiếp tục yêu cầu Nhật Bản thả người vô điều kiện. Đây là lần thứ 2 Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản thả người vô điều kiện. Theo thông tin được đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân hôm 16-8 đã có cuộc điện đàm với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản để phản đối việc Nhật Bản bắt giữ tàu và người của Trung Quốc. Ông Trương Chí Quân yêu cầu Nhật Bản bảo đảm an toàn tính mạng cũng như các quyền lợi cơ bản đối với những người này.
 
Trong động thái có liên quan, ngay sau khi sự việc xảy ra, nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland ngày 15-8 đã kêu gọi Trung Quốc và Nhật Bản nỗ lực để giải quyết cuộc tranh chấp ở Biển Hoa Đông thông qua các biện pháp ngoại giao, đồng thời cho rằng các hành động khiêu khích không có lợi cho giải pháp này.
 
Phát biểu trong cuộc họp báo hàng ngày, bà Nuland nêu rõ: "Chúng tôi hy vọng các bên tuyên bố chủ quyền giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp hòa bình. Bất cứ hành động khiêu khích nào cũng không giúp ích cho giải pháp này," ngụ ý Mỹ coi việc các nhà hoạt động Trung Quốc đổ bộ lên một hòn đảo thuộc quần đảo trên bất chấp cảnh báo của Tokyo là hành động gây rắc rối.
 
Bà Nuland cho rằng "những biện pháp gây sức ép và thúc đẩy như vậy không có lợi cho một môi trường nơi họ có thể ngồi lại với nhau và bàn cách giải quyết vấn đề," đồng thời tái khẳng định lập trường của Mỹ không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp lãnh thổ này.

Trước tình hình này, Chính phủ Nhật Bản chiều 15-8 đã nâng cấp Phòng liên lạc thông tin, nằm trong Trung tâm quản lý rủi ro của Văn phòng Thủ tướng, thành Phòng đối sách trực thuộc Văn phòng Thủ tướng. Cảnh sát Nhật Bản và JCG cũng thiết lập Văn phòng đối sách nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tiếp cận tàu Trung Quốc.
 
Hồi tháng 3-2004, Cảnh sát Okinawa đã bắt giữ 7 người Trung Quốc xâm nhập đảo Uotsuri với cáo buộc vi phạm Luật tị nạn và quản lý xuất nhập cảnh. Những người này cũng bị cáo buộc đập phá bia đá và ngọn hải đăng nhưng do xác định đây là vụ việc mang tính chính trị nên Tokyo đã không truy cứu trách nhiệm hình sự và trục xuất các đối tượng này về nước.

PHÙNG LONG

(Theo KYODO, TTXVN)

.
.
.