Thứ Sáu, 28/03/2014, 07:41 (GMT+7)
.

Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết về Ukraine

Trưa ngày 27-3 (theo giờ New York, Mỹ), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết với tựa đề "Sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine" với 100 phiếu thuận, 11 phiếu chống và 58 phiếu trắng.

Một cuộc họp tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Một cuộc họp tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Các nước bỏ phiếu chống gồm Nga, Armenia, Belarus, Bolivia, Cuba, Nicaragua, Syria, Sudan, Triều Tiên, Venezuela và Zimbabwe. Trong khi đó, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và Trung Quốc (thuộc BRICS) bỏ phiếu trắng. Một số nước không tham gia bỏ phiếu.

Dự thảo nghị quyết này do Ukraine soạn thảo và đề xuất, với sự đồng bảo trợ của một số quốc gia, trong đó có Costa Rica, Qatar, Canada, Botswana và Ba Lan, theo đó khẳng định tính toàn vẹn lãnh thổ, độc lập về chính trị của Ukraine, đồng thời không thừa nhận tính pháp lý của cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của Crimea.

Tuy nhiên, nghị quyết đã không đề cập cụ thể tới Nga, thay vào đó đề cập một cách chung chung rằng "Đại đội đồng Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các cơ quan đặc biệt không thừa nhận bất kỳ một sự thay đổi nào về thực trạng của Crimea và Sevastopol." Nội dung của nghị quyết lần này cũng tương đối giống với nghị quyết do Mỹ soạn thảo mà Hội đồng Bảo an đã bỏ phiếu ngày 19-3, theo đó Nga phủ quyết và Trung Quốc bỏ phiếu trắng.

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, quyền Ngoại trưởng của chính phủ lâm thời tại Ukraine Andriy Deshchytsya kêu gọi Đại hội đồng Liên hợp quốc ngăn chặn nguy cơ Nga tiếp tục “gây hấn” với Ukraine và khẳng định nghị quyết này là thông điệp cần thiết cho thấy cộng đồng quốc tế sẽ không cho phép những gì xảy ra tại Crimea sẽ tạo ra tiền lệ để Nga tiếp tục vi phạm các nguyên tắc luật pháp quốc tế.

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine và chỉ trích Nga, cho rằng "thật nản lòng khi Nga cứ tiếp tục các hành động của mình như thể Ukraine không có một lợi ích chính đáng nào tại Crimea."

Về phần mình, Đại sứ Nga Vitaly Churkin cũng tiếp tục quan điểm cho rằng Nga không có quyền từ chối ủng hộ quyền tự quyết của Crimea, đồng thời nhấn mạnh Crimea về bản chất đã là một phần của Nga trong nhiều thế kỷ.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Lưu Kết Nhất phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc cho rằng Trung Quốc không muốn chứng kiến tình hình đối đầu tại Ukraine, kêu gọi các bên kiềm chế, không leo thang căng thẳng và tiếp tục nỗ lực khỏa lấp khác biệt thông qua các biện pháp ngoại giao. Trung Quốc cho rằng việc thông qua các nghị quyết tại Liên hợp quốc về tình hình Ukraine chỉ khiến tình hình thêm căng thẳng.

Không giống như các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc không có tính ràng buộc về pháp lý mà chỉ phản ánh quan điểm của các nước thành viên Liên hợp quốc về cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Năm 2009, một nghị quyết tương tự về cuộc khủng hoảng tại Gruzia được thông qua với 48 phiếu thuận, 78 phiếu trắng và 19 phiếu chống. Tương tự, Đại hội đồng Liên hợp quốc trong suốt hơn 20 năm qua liên tiếp thông qua các nghị quyết lên án Mỹ cấm vận Cuba , song đến nay Mỹ vẫn duy trì lệnh cấm vận vốn kéo dài suốt hơn nửa thế kỷ qua (từ năm 1962).

Crimea và thành phố Sevastopol được tiếp nhận vào thành phần Liên bang Nga trên cơ sở kết quả trưng cầu dân ý ngày 16-3-2014, trong đó 96,77% người dân Crimea và 95,6% người dân thành phố Sevastopol ủng hộ gia nhập Nga.

Ngày 21-3 Tổng thống Vladimir Putin đã ký ban hành luật về việc Crimea và Sevastopol gia nhập Liên bang Nga với tư cách là chủ thể liên bang.

(Theo TTXVN)

.
.
.