Chuyến đi tạo dấu ấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức, với các điểm đến lần lượt là Saudi Arabia, Israel, Vatican, Bỉ và Italia từ ngày 20 đến 27-5 nhằm xây dựng những quan hệ đối tác mới và đoàn kết một thế giới văn minh trong cuộc chiến chống khủng bố.
Saudi Arabia là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du của Tổng thống Mỹ Donald Trump. |
Khác biệt rõ ràng
Với Trung Đông, ông Donald Trump đã thể hiện một sự khác biệt rõ ràng so với những người tiền nhiệm khi ông lựa chọn khu vực này là điểm đến đầu tiên. Hầu hết các đời tổng thống Mỹ đều chọn Mexico hoặc Canada là điểm dừng chân trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức. Cũng chưa có tổng thống Mỹ nào thăm Israel trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Vì thế, sự lựa chọn này của ông Donald Trump được nhìn nhận là nhằm củng cố quan hệ đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Trung Đông trong nhiều thập niên qua. Ngoài ra, ông Donald Trump cũng muốn chuyến thăm này sẽ có tác dụng thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông hiện đang bị bế tắc, xúc tiến giải quyết cuộc xung đột giữa người Israel và Palestine.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn Saudi Arabia là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du được nhìn nhận là nhằm xóa bỏ suy nghĩ lâu nay của dư luận về việc ông Donald Trump chủ trương chống Hồi giáo. Trên thực tế, bất chấp chính sách xa lánh thế giới Hồi giáo mà ông Donald Trump theo đuổi trong chiến dịch tranh cử cũng như lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân các quốc gia Hồi giáo, dường như các chính phủ Arab dòng Sunni vẫn hoan nghênh ông và ủng hộ các chính sách cứng rắn của ông đối với Iran. Một nguồn tin cho biết, nhiều khả năng Tổng thống Donald Trump sẽ đề cập đến kế hoạch thành lập một “NATO của thế giới Arab” nhằm dẫn dắt cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, đồng thời đẩy lùi những thế lực hậu thuẫn cho Iran. Giới chức Nhà Trắng cho biết, các cuộc thảo luận về việc hình thành một liên minh quân sự của thế giới Arab đã được Mỹ và Saudi Arabia tiến hành kể từ khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11-2016. Ngoài ra, thách thức lớn nhất của liên minh này là liệu các nước có tìm được tiếng nói chung hay không.
Vỗ về châu Âu?
Trong quan hệ với NATO, lập trường của Tổng thống Donald Trump đã có nhiều thay đổi trong thời gian qua. Tháng trước, chính Tổng thống Donald Trump đã nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của NATO, trong khi chỉ cách đó ít lâu, ông đã có những phát biểu coi liên minh này là một cấu trúc lỗi thời trong cuộc chiến chống khủng bố và không có khả năng yêu cầu các nước thành viên châu Âu tăng chi tiêu cho quốc phòng để san sẻ gánh nặng tài chính với Mỹ. Thậm chí mới đây, ông còn khẳng định sẽ sát cánh cùng NATO trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
Chủ đề được quan tâm tại Hội nghị thượng đỉnh G7 với sự tham dự lần đầu tiên của Tổng thống Donald Trump là vấn đề bảo hộ thương mại. Với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, ông Donald Trump chủ trương đàm phán song phương với các đối tác vì cho rằng những chính sách tự do thương mại đa phương trước đây chỉ làm cho nước Mỹ yếu đi. Thực tế cho thấy, chủ trương bảo hộ mậu dịch của ông Donald Trump đã gây xáo trộn thương mại toàn cầu và khiến các đối tác của Mỹ trong G7 không khỏi quan ngại. Chính vì vậy, hội nghị tại Sicilia lần này sẽ là cơ hội để Tổng thống Donald Trump hoặc trấn an các đồng minh, hoặc gia tăng thêm khoảng cách, tùy thuộc vào chiến lược lâu dài của Nhà Trắng.
Giới phân tích nhận định, bằng chuyến công du 8 ngày, Tổng thống Donald Trump sẽ thể hiện rõ hơn chính sách đối ngoại của chính quyền mới, đặc biệt về tiến trình hòa bình Trung Đông, việc đóng góp cho ngân sách hoạt động của NATO hay vấn đề bảo hộ thương mại; giúp ông thoát khỏi những chỉ trích hiện nay xung quanh các vụ bê bối nội bộ mới nhất, đồng thời là cơ hội để ông thể hiện vai trò của người đứng đầu nước Mỹ trên trường quốc tế và giúp định hình rõ hơn chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở Washington.
(Theo sggp.org.vn)