.

Gió ngược

Cập nhật: 21:42, 06/04/2018 (GMT+7)

Ngày 4-4, Trung Quốc công bố danh sách các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế cao hơn, trong đó có đậu tương, xe ô tô và hóa phẩm...

Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, Ủy ban Thuế quan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc (chính phủ) quyết định áp mức thuế bổ sung 25% đối với 106 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Đây được xem là hành động "phản đòn" của Bắc Kinh trước việc Washington áp thuế nhập khẩu mới đối với khoảng 1.300 mặt hàng của Trung Quốc, bao gồm các sản phẩm công nghệ, y tế, giáo dục và giao thông. Lượng hàng hóa này ước tính 50-60 tỷ USD giá trị nhập khẩu hằng năm từ Trung Quốc của Mỹ.

Sau tuyên bố của hai bên, nhiều tờ báo ở hai nước đã tính tới việc ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại tổng lực có thể diễn ra. Nếu các chuyên gia kinh tế Mỹ tự tin vào chiến thắng trong cuộc chiến thương mại với đối thủ bởi Mỹ có quy mô nền kinh tế lớn với khoảng 18 nghìn tỷ USD (năm 2016), thì phía Trung Quốc đưa ra lập luận rằng, xã hội Trung Quốc đoàn kết sẽ là nhân tố giúp họ có cơ hội chiến thắng cao hơn. Kinh tế thế giới đang ở ngưỡng nguy hiểm nếu cả hai bên tiếp tục duy trì cách tiếp cận đối kháng như vậy. Không ai mong các dự định "trừng phạt" của Mỹ và Trung Quốc trở thành hiện thực.

Để dự định áp thuế của cả hai nước có hiệu lực, cần phải chờ thời gian 60 ngày cho các cuộc tham vấn ý kiến công chúng. Như vậy, xét ở góc độ chuẩn bị cho chiến tranh thương mại, đây mới chỉ là “đòn gió” mà hai nền kinh tế số 1 và số 2 tung ra để thăm dò và thử phản ứng, sau khi hai bên không hài lòng về nhau, đặc biệt là việc Tổng thống Donald Trump hôm 23-3 tuyên bố áp thuế 10% đối với mặt hàng nhôm và 25% với thép nhập khẩu của nhiều nước, trong đó chủ yếu từ Trung Quốc.

Như vậy vẫn còn hai tháng để hòa hoãn. Không ai có thể biết trước hậu quả cuộc đấu "ăn miếng trả miếng" giữa Mỹ và Trung Quốc liệu có dừng lại ở quy mô vài chục tỷ USD, hay tới đây sẽ lên tới vài trăm tỷ USD, thậm chí có thể tất tay ở con số hàng nghìn tỷ USD... khi những biện pháp có tính sát thương cao được thực thi.

Thật nguy hiểm nếu cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trở thành hiện thực bởi nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường thế giới.

Thiệt hại nhiều nhất không ai khác chính là những người lao động nghèo ở Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước khác trên thế giới.

Joseph Stiglitz, nhà kinh tế học hàng đầu của Mỹ, đưa ra ví dụ đơn giản: Người Mỹ đã quen với việc sử dụng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, thế nên việc tăng thuế đối với các mặt hàng này sẽ làm gia tăng chi phí sinh hoạt; sinh hoạt phí tăng, lãi suất tăng, nền kinh tế sẽ phát triển chậm lại và tạo ra thất nghiệp; trong khi đó, nhiều sản phẩm của nông dân Mỹ khi xuất sang Trung Quốc sẽ bị đình lại hoặc đánh thuế cao, khó tiếp cận người dùng, làm cho sinh kế của nông dân Mỹ bị ảnh hưởng...

Rõ ràng, cả hai bên Mỹ-Trung đều nhận thức được sự nguy hiểm nếu có một cuộc chiến thương mại. Chỉ vài giờ sau khi hai nước đưa ra những tuyên bố cứng rắn, Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một thông điệp trên Twitter đã nhấn mạnh Mỹ không muốn chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Trong khi đó, ở phía bên kia, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải nói rằng, Mỹ-Trung nên tránh chiến tranh thương mại và Bắc Kinh muốn đàm phán để giải quyết tranh chấp. "Đàm phán vẫn là ưu tiên của chúng tôi, nhưng cần hai bên mới tiến hành được", Đại sứ Thôi Thiên Khải nhấn mạnh.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn chiến tranh thương mại nhưng tại sao hai bên đe dọa áp thuế vào các mặt hàng của nhau với quy mô nhiều tỷ USD và không ngại leo thang thành cuộc chiến thương mại tổng lực? Phải chăng như Nhà Trắng hôm 2-4 chỉ trích rằng, Trung Quốc "gây tổn hại đến an ninh quốc gia Mỹ và bóp méo thị trường toàn cầu"? Hay đây là lúc Tổng thống Mỹ hành động quyết liệt thực hiện lời hứa khi tranh cử: Thi hành chính sách kinh tế "Nước Mỹ trên hết" bằng cách kéo thật nhiều lợi ích về cho nước Mỹ?

Mấu chốt nằm ở từ khóa "Nước Mỹ trên hết". Để thành công, theo các chuyên gia, chính sách này về bản chất phải dựa vào bảo hộ thương mại. Nói cách khác, bảo hộ thương mại đang là cơn gió ngược làm xáo trộn thị trường toàn cầu.

Câu chuyện tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã, đang và sẽ còn tiếp tục diễn ra. Xích mích và tranh chấp về thương mại là điều bình thường, nhưng quan trọng là phải nỗ lực tìm các giải pháp hợp lý thông qua tham vấn bình đẳng, phù hợp với các luật lệ và quy định quốc tế. Chiến tranh thương mại nên là lựa chọn cuối cùng mà các bên nghĩ tới trong bối cảnh kinh tế thế giới liên thông và toàn cầu hóa mạnh mẽ.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.