Cuộc đua xuống đáy
Chuyến thăm cực ngắn tới Bắc Kinh tuần trước của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo đã làm tiêu tan mọi hy vọng về việc Mỹ và Trung Quốc sẽ hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ hai nước.
Ngay từ màn chào hỏi đầu tiên trước cuộc hội đàm kín, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã dành cho người đồng cấp của mình những lời lẽ nặng nề ít khi thấy ở các cuộc tiếp xúc ngoại giao. Ông cáo buộc Mỹ “can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”, “gia tăng căng thẳng thương mại” và “phủ bóng đen lên quan hệ hai nước”. Đáp lại, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho rằng Washington đang “bất đồng cơ bản” với Trung Quốc về những vấn đề mà ông Vương vừa đề cập.
Bộ trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. |
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo xảy ra vào thời điểm khá nhạy cảm. Chỉ bốn ngày trước khi ông tới Bắc Kinh, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã có bài phát biểu lên án Trung Quốc can thiệp vào chính sách và nền chính trị Mỹ. Bài phát biểu của ông Pence được nhiều nhà bình luận của cả Trung Quốc lẫn phương Tây coi là “tuyên bố chính thức của Mỹ” về chiến tranh lạnh với Trung Quốc.
Trung Quốc hiện đang không hài lòng với hiệp định NAFTA mới mà Mỹ vừa ký kết với Mexico và Canada (USMCA). Trong hiệp định này có điều khoản “thuốc độc”, theo đó bất kỳ nước nào đã ký FTA với Mỹ mà muốn tìm kiếm các thỏa thuận thương mại tự do với “các nền kinh tế phi thị trường” đều phải được sự đồng ý của Mỹ.
Cho đến trước chuyến thăm của ông Pompeo, Bắc Kinh đã tỏ ra khá kiềm chế khi phản ứng về chính sách thương mại và địa chính trị của chính quyền Trump. Nhưng giờ đây các nhà lãnh đạo Trung Quốc có vẻ đã nhận ra rằng chiến thuật quả bóng mềm của mình đã thất bại.
Ngay khi Ngoại trưởng Mỹ Pompeo về nước, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn đã lên tiếng rằng, Trung Quốc từng nhiều lần bị các thế lực nước ngoài bắt nạt, nhưng họ không bao giờ chịu thua ngay cả trong những điều kiện khó khăn nhất.
Về phía Mỹ, chính sách cứng rắn của Tổng thống Trump với Bắc Kinh nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của một liên minh lưỡng đảng trong các lĩnh vực an ninh, thương mại, trong các nhóm nhân quyền và những người da trắng. Họ đồng thuận rằng: Chính sách của Washington với Bắc Kinh trong bốn thập kỷ qua là một thất bại; Sự nổi lên mạnh mẽ của Trung Quốc là mối đe dọa về cấu trúc đối với vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ và Mỹ phải kiềm chế Trung Quốc trước khi quá muộn.
Trong khi đó, Trung Quốc có vẻ như bị động hơn. Thậm chí ngay cả khi những “loạt đạn” đầu tiên trong cuộc chiến thương mại được Mỹ khai mào hồi giữa tháng 6, phía Trung Quốc chỉ coi đó đơn thuần là thương mại và tách biệt với thực tế là tâm lý bài Trung đang lan tràn khắp Washington.
Giờ thì tất nhiên, quan điểm của Bắc Kinh đã thay đổi. Các cuộc thảo luận ở Trung Nam Hải hiện không còn là nên cứng hay mềm với Washington mà là phải cứng rắn đến đâu.
Theo đánh giá của Giáo sư Minxin Pei, Đại học Claremont Mc Kenna, được đăng trên trang điện tử Nikkei Asian Review, nếu không được xử lý khéo, căng thẳng thương mại hiện nay sẽ lan sang lĩnh vực an ninh, chính trị, thậm chí có nguy cơ tạo ra những giao tranh quân sự nhỏ.
Ông Minxin Pei dẫn chứng rằng, những sự cố như vụ suýt va chạm gần đây giữa tàu khu trục Mỹ Decatur và tàu chiến Trung Quốc ở biển Đông hôm 30-9, có thể sẽ trở nên thường xuyên hơn và nguy hiểm hơn. Hai bên sẽ có những động cơ để làm suy yếu lợi ích an ninh của nhau.
Những căng thẳng hiện tại đang nhấn chìm quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc và đưa hai nước vào một cuộc đua... tìm đáy. Đâu sẽ là đáy để hai bên dừng lại? Hai bên sẽ còn tung ra những chiêu bài gì nữa trước khi dừng lại để tìm điểm cân bằng mới. Một cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan? Hay cuộc xung đột hải quân ngẫu nhiên ở biển Đông? Đó là câu hỏi lớn được đặt ra hiện nay.
(Theo thesaigontimes.vn)