.

Ba thách thức lớn thế giới phải đối mặt trong năm 2020

Cập nhật: 06:50, 01/01/2020 (GMT+7)

Năm 2020 sẽ là thời gian quyết định xem liệu thế giới có đủ khả năng kiểm soát tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân, xử lý vấn đề biến đổi khí hậu và phục hồi niềm tin với Liên hợp quốc hay không.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP
Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Tạp chí World Politics Review vừa đăng bài viết, trong đó dự đoán năm 2020 sẽ là khoảng thời gian quyết định xem liệu thế giới có đủ khả năng kiểm soát tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân, xử lý vấn đề biến đổi khí hậu và phục hồi niềm tin đối với Liên hợp quốc hay không.

Theo bài viết, trong số những nguy cơ tiềm ẩn mà loài người phải đối mặt, chiến tranh hạt nhân vẫn là điều tồi tệ nhất. Hiệp định Không Phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) là một trong những nhân tố quan trọng nhất trong việc giải quyết vấn đề này.

Mặc dù đã 50 năm kể từ ngày NPT có hiệu lực, song những nỗ lực ngăn chặn vũ khí hạt nhân ngày càng thêm khó khăn trong bối cảnh Triều Tiên không ngừng đe dọa việc sử dụng vũ khí nguy hiểm này, Mỹ rút khỏi cả Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Theo kế hoạch, các nước tham gia NPT sẽ tổ chức hội nghị tổng kết năm năm từ ngày 27-4 - 29-5-2020, sự kiện được cho là sẽ phản ánh rõ nét hơn những rạn nứt và bất đồng giữa các quốc gia có và không sở hữu vũ khí hạt nhân.

Trong khi đó, số phận tầng sinh quyển Trái Đất sẽ là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn cầu năm tới và dự kiến sẽ có nhiều hội nghị quan trọng trên quy mô quốc tế để đàm phán các vấn đề về đại dương, đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu.

Từ ngày 23-3 - 3-4-2020, các nước thành viên Liên hợp quốc sẽ nhóm họp để hoàn thiện nội dung Công ước Liên hợp quốc về Luật biển về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các vùng biển ngoài phạm vi tài phán quốc gia (BBNJ).

Với mục tiêu đầy tham vọng, BBNJ được đưa ra nhằm bảo tồn các loài sinh vật biển và các hệ sinh thái dưới nước nằm bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia, một khu vực trải rộng tới khoảng 50% diện tích bề mặt Trái Đất.

Trong tháng 10-2020, các bên tham gia Công ước Đa dạng Sinh học - một thỏa thuận ký hồi đầu những năm 1990 - sẽ tham dự hội nghị ở Côn Minh (Trung Quốc) nhằm nỗ lực chấm dứt tình trạng biến mất các loài thực vật, động vật hoang dã và các hệ sinh thái trên khắp thế giới.

Trong khi đó, Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) vào tháng 11-2020 ở Glasgow, Scotland sẽ cơ hội cuối cùng để cứu vãn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sau thất bại của COP 25 tại Madrid, Tây Ban Nha đầu tháng này.

Trước lộ trình mà Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đề ra cho việc chính thức rút khỏi Hiệp định Paris vào cuối năm tới, số phận Hành tinh xanh nhiều khả năng sẽ phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra cùng thời điểm.

Một phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Một phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Cũng trong năm 2020, Liên hợp quốc sẽ bước sang tuổi 75. Trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc và cạnh tranh địa chính trị leo thang, dẫn tới nhiều chia rẽ và bất đồng, Liên hợp quốc sẽ gặp khó khăn trong việc đương đầu với những nguy cơ mới như, như chiến tranh không gian mạng, cũng như thể hiện được vai trò trong một thế giới với nhiều tổ chức đa phương.

Nhằm chấn hưng sức mạnh của Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Antonio Guterres đã phát động kế hoạch "Đối thoại toàn cầu" (UN75) với thời hạn một năm, nhằm thu thập ý kiến đóng góp của các nước thành viên và các tổ chức dân sự.

Nhiều ý kiến cho rằng tại kỳ họp Đại Hội đồng dự kiến diễn ra vào tháng Chín theo thông lệ, Tổng Thư ký Guterres sẽ tìm kiếm sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo thế giới cho lộ trình phát triển Liên hợp quốc trong 25 năm tiếp theo, một nhiệm vụ được xem là khá khó khăn trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc dân túy đang ngày càng phổ biến như hiện nay.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/ba-thach-thuc-lon-the-gioi-phai-doi-mat-trong-nam-2020/616153.vnp)

.
.
.