Gần 50 triệu người dân châu Phi có thể rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực vì COVID-19
Báo cáo Triển vọng Kinh tế châu Phi của AfDB cho biết, khoảng 1/3 dân số châu lục - tương đương 425 triệu người có thể sẽ sống dưới ngưỡng nghèo khổ với mức 1,9 USD/ngày trong năm 2020. Ngân hàng này dự báo tình hình này sẽ tiếp tục xấu đi.
Gần 50 triệu người dân châu Phi có thể rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực vì COVID-19. |
Sau châu Đại Dương, châu Phi là châu lục chịu ảnh hưởng ít nhất bởi đại dịch COVID-19, với gần 500.000 ca nhiễm và gần 11.700 ca tử vong.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng y tế cùng những biện pháp phong tỏa đã khiến nhiều người bị mất việc làm, dẫn đến mất thu nhập và kinh tế bị tàn phá trên khắp châu lục.
Theo AfDB, kịch bản tồi tệ có thể xảy ra là sẽ có khoảng 28,2 đến 49,2 triệu người có thể bị đẩy vào cảnh nghèo đói cùng cực trong năm nay và năm tới. AfDB cũng dự báo châu Phi có thể phải hứng chịu một cuộc suy thoái lớn với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay giảm từ 1,7% đến 3,4%. Ngoài ra, theo báo cáo của AfDB, khoảng 24,6 triệu đến 30 triệu người sẽ bị thất nghiệp do ảnh hưởng đại dịch.
Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, được dự báo sẽ chứng kiến số người nghèo cùng cực tăng cao nhất trong năm nay với khoảng từ 8,5 triệu đến 11,5 triệu người trong tổng số 200 triệu dân. Nguyên nhân là do giá dầu giảm cùng với những tác động kinh tế do đại dịch. Trong khi đó, tại CHDC Congo, nơi có đến 72% trong tổng số 90 triệu dân đã sống dưới mức nghèo đói, sẽ có thêm từ 2,7 triệu đến 3,4 triệu người khác bị đẩy vào cảnh nghèo đói cùng cực.
Tháng trước, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra dự báo về số người nghèo cùng cực trên thế giới trước những tác động của đại dịch COVID-19. Theo WB, đại dịch COVID-19 có thể khiến 70 đến 100 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực trong năm 2020 khi nền kinh tế toàn cầu đối mặt với đợt suy thoái tồi tệ nhất trong vòng 80 năm qua. WB dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể phục hồi khoảng 4% trong năm 2021. Nigeria, Ấn Độ và Cộng hòa Dân chủ Congo là ba quốc gia được dự báo sẽ chiếm hơn 1/3 số người nghèo nhất trên thế giới. Các quốc gia này dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người lần lượt là -0,8%, 2,1% và 0,3%. Trong khi đó, với tỷ lệ tăng dân số của ba quốc gia này lần lượt là 2,6%, 1% và 3,1% - điều này không đủ để giúp giảm bền vững số người nghèo.
(Theo thesaigontimes.vn)