.

Thế giới tuần qua: Những khởi đầu mới

Cập nhật: 16:54, 20/09/2020 (GMT+7)

Nhật Bản có tân Thủ tướng, thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel với UAE và Bahrain; hòa đàm giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban là những tin tức quốc tế trong tuần được dư luận quan tâm.

1. Ông Suga Yoshihide trở thành Thủ tướng Nhật

Hai ngày sau khi được bầu làm Chủ tịch của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, ngày 16-9, ông Suga Yoshihide tiếp tục được Quốc hội Nhật Bản phê chuẩn giữ chức Thủ tướng thứ 99 của nước này.

Trở thành người đứng đầu nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, ông Suga Yoshihide ghi thêm một mốc son mới trong sự nghiệp chính trị đáng kinh ngạc của mình, song cũng đứng trước những sức ép và nhiệm vụ nặng nề.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. Ảnh: New York Times
Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. Ảnh: New York Times

Ông Suga Yoshihide ngồi vào chiếc ghế thủ tướng thay cho ông Abe Shinzo, người mới quyết định từ chức cách đây không lâu, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang khiến nền kinh tế toàn cầu trải qua cơn bạo bệnh, và Nhật Bản cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. Thách thức với Nhật Bản hiện nay còn là các vấn đề nan giải như nợ công, tỷ lệ sinh thấp, đặc biệt là tình trạng già hóa dân số trầm trọng...

Về phần mình, tân Thủ tướng Nhật Bản gần đây khẳng định sau khi lên nắm quyền, ông sẽ tiếp tục kế thừa những di sản và theo đuổi các chính sách của người tiền nhiệm. Khoảng thời gian còn lại của nhiệm kỳ không dài, song vẫn được coi là đủ để ông Suga Yoshihide ít nhiều khẳng định được bản sắc riêng và chứng tỏ rằng ông đã sẵn sàng bước ra khỏi cái bóng của người tiền nhiệm.

Kết quả thăm dò dư luận mới nhất của hãng tin Kyodo cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với nội các của tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đứng ở mức cao là 66,4%, trong khi tỷ lệ phản đối chỉ 16,2%.

2. Israel ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với UAE, Bahrain

Ngày 15-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chủ trì lễ ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain tại Nhà Trắng, mở ra chương mới cho mối quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Lễ ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel với UAE và Bahrain. Ảnh: CNBC
Lễ ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel với UAE và Bahrain. Ảnh: CNBC

Phát biểu ý kiến tại lễ ký, Tổng thống Trump ca ngợi đây là bước tiến lớn hướng tới một tương lai, mà ở đó mọi người dân thuộc mọi tín ngưỡng và nguồn gốc sẽ cùng chung sống hòa bình và thịnh vượng. Ông Trump khẳng định: “Chúng ta ở đây để thay đổi tiến trình lịch sử. Sau nhiều thập kỷ chia rẽ và xung đột, chúng ta đánh dấu một bình minh của một Trung Đông mới”.

Đây là lần thứ ba và thứ tư Israel bình thường hóa quan hệ với các quốc gia Hồi giáo, hai lần trước đó là với Ai Cập (năm 1979) và Jordan (năm 1994). Đáng chú ý, khoảng cách giữa các lần bình thường hóa quan hệ đã rút ngắn đáng kể, khi Bahrain tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Israel chỉ 29 ngày sau khi UAE có bước đi chấn động giới Arab.

Sau các thỏa thuận trên, Tổng thống Trump tuyên bố có thêm khoảng 5 hoặc 6 quốc gia A-rập sẵn sàng đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel, phù hợp với những thỏa thuận then chốt mới đây giữa nhà nước Do Thái với UAE và Bahrain.

Tuy nhiên, niềm vui của người Israel chỉ châm ngòi cho giận dữ, lo âu của người Palestine. Người Palestine cảm thấy bị phản bội khi với họ, các nước anh em Hồi giáo từng “thề non hẹn biển” lần lượt bình thường hóa quan hệ với quốc gia đang tranh chấp chủ quyền và lãnh thổ với họ. Hành trình của người Palestine sẽ còn trắc trở.

3. Khởi động đàm phán hòa bình cho Afghanistan

Tiến trình đàm phán hòa bình lịch sử giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban chính thức được khởi động ngày 12-9 vừa qua tại thủ đô Doha của Qatar. Mục tiêu cuối cùng của đàm phán là đi đến một thỏa thuận chính trị, qua đó chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hàng chục năm.

Các thành viên của đoàn Taliban tại hòa đàm. Ảnh: Getty Images
Các thành viên của đoàn Taliban tại hòa đàm. Ảnh: Getty Images

Theo đánh giá ban đầu của giới phân tích, tiến trình đàm phán sẽ kéo dài và phức tạp, với không ít những khúc mắc gay go nảy sinh. Bởi lẽ giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban vẫn còn khoảng cách khá rộng về lập trường quan điểm, chủ trương. Chẳng hạn, Taliban vẫn theo đuổi quan điểm về một nhà nước Hồi giáo hà khắc, trong khi Chính phủ Afghanistan thì cam kết thực thi hiến pháp nhằm bảo đảm quyền tự do dân chủ và quyền lợi của phụ nữ.

Đàm phán với Taliban là việc không dễ dàng. Một vấn đề quan trọng là tình trạng bạo lực do các cuộc tấn công của Taliban vẫn tiếp diễn. Trưởng phái đoàn Chính phủ Afghanistan đưa ra con số 12.000 người chết và 15.000 người bị thương chỉ trong 6 tháng kể từ khi ký kết thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban và kêu gọi Taliban ngừng bắn ngay lập tức để thể hiện thiện chí trong đàm phán.

Đối với Mỹ, đàm phán hòa bình Afghanistan cần phải được tiến hành sớm và chóng mang lại kết quả. Một số cố vấn của Tổng thống Trump muốn thấy hai bên ký kết thỏa thuận sơ bộ trước khi bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 tới. Đàm phán chấm dứt chiến tranh tại Afghanistan được xem là mấu chốt thành công của chính sách đối ngoại của ông Trump, nó giúp ông tuyên bố thành công trong việc chấm dứt cuộc chiến kéo dài nhất lịch sử của nước Mỹ và giải quyết một trong những thách thức an ninh và đối ngoại khó lường nhất.

4. Liên hợp quốc kêu gọi toàn thế giới ngừng bắn để ứng phó đại dịch

Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 17-9 cảnh báo đại dịch Covid-19 đang làm gia tăng nguy cơ đối với hòa bình ở khắp mọi nơi, đồng thời kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức trên toàn thế giới để tập trung ứng phó với dịch bệnh.

Phát biểu tại lễ rung chuông hòa bình nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày Quốc tế vì Hòa bình, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết người dân trong các cuộc xung đột đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Ông Antonio Guterres tại lễ rung chuông hòa bình nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày Quốc tế vì Hòa bình. Ảnh: Global Times.
Ông Antonio Guterres tại lễ rung chuông hòa bình nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày Quốc tế vì Hòa bình. Ảnh: Global Times.

Tại các vùng chiến sự, đại dịch đang hoành hành và gây ra các loại bất công, đẩy các cộng đồng và các quốc gia tới sự đối đầu lẫn nhau. Do đó, thế giới cần có một lệnh ngừng bắn ngay lập tức để tập trung vào kẻ thù chung, đó là dịch bệnh.

Ông Antonio Guterres kêu gọi các nỗ lực để thúc đẩy hòa bình, đồng thời cho biết sẽ lặp lại lời kêu gọi này tại Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ vào tuần tới.

Cùng phát biểu tại buổi lễ, tân Chủ tịch ĐHĐ LHQ Volkan Bozkir cho biết đại dịch đang đe dọa sức khỏe, an ninh và sinh kế của người dân mọi nơi, song bị tổn thương lớn nhất là những người đang phải chịu đựng cả các cuộc xung đột lẫn dịch bệnh.

5. Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách hạ nhiệt tại Địa Trung Hải

Sau một tháng leo thang căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp tại Đông Địa Trung Hải, chiến dịch thăm dò khoáng sản của Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm ngừng. Động thái tích cực từ Ankara được kỳ vọng sẽ “mở đường” cho các hoạt động ngoại giao “xoa dịu” căng thẳng, dù xung đột vẫn có nguy cơ tái phát.

Tàu thăm dò Oruc Reis, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đối đầu Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực biển phía Đông Địa Trung Hải. Ảnh: AFP.
Tàu thăm dò Oruc Reis, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đối đầu Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực biển phía Đông Địa Trung Hải. Ảnh: AFP.

Đáp lại, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đánh giá cao động thái trên của Thổ Nhĩ Kỳ và nhấn mạnh rằng, đối thoại là giải pháp duy nhất để giải quyết những vấn đề cốt lõi về tranh chấp chủ quyền trên biển. Tuy nhiên, Thủ tướng Hy Lạp vẫn bày tỏ quan điểm sẽ phản ứng “cứng rắn” với Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp xảy ra diễn biến tiêu cực.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch khảo sát khoáng sản tại Đông Địa Trung Hải với sự hộ tống của hải quân từ ngày 10-8. Hy Lạp ngay lập tức phản ứng gay gắt vì cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm chủ quyền lãnh hải của mình. Athens giữ vững lập trường và thách thức sự hiện diện của các tàu khảo sát của Thổ Nhĩ Kỳ trong vùng biển tranh chấp, nhiều vụ va chạm nhỏ đã diễn ra.

Không chỉ có vậy, vụ việc đã kéo theo nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế vào cuộc. Tại thời điểm căng thẳng nhất, nhiều ý kiến quan ngại rằng, xung đột Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp tại Đông Địa Trung Hải có thể “châm ngòi” cho một cuộc chiến tranh với sự tham gia của nhiều quốc gia cùng quy mô quân sự lớn.

Việc tìm được “tiếng nói chung” trong bối cảnh bất đồng sâu sắc không phải là điều đơn giản nên xung đột có thể tái phát bất kỳ lúc nào.

6. Dịch Covid-19 tái bùng phát tại nhiều quốc gia

Tính đến sáng 19-9 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm dịch Covid-19 trên toàn cầu là hơn 30,6 triệu ca, trong đó có hơn 955.000 người thiệt mạng, ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh: Reuters.
Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh: Reuters.

Ngày 18-9, thế giới có tới 132 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới, 88 quốc gia và vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với một số ngày trước đó, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại.

Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (96.424 ca), Mỹ (44.008 ca) và Brazil (37.740 ca); trong khi đó, Ấn Độ (với 1.174 ca), Mỹ (857 ca) và Brazil (762 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất. Ấn Độ đang nổi lên thành tâm dịch mới của thế giới.

Tình hình dịch bệnh tại châu Âu đang có chiều hướng diễn biến khá phức tạp, đặc biệt là tại Anh. Bộ trưởng Y tế nước này Matt Hancock cho biết tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên cả nước, theo đó cứ 8 ngày số bệnh nhân nhập viện lại tăng gấp đôi. Trong khi đó, Pháp và Cộng hòa Czech lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc mới trong 1 ngày cao nhất từ trước tới nay, lần lượt là 10.593 và 3.130 trường hợp (ngày 18-9).

(Theo qdnd.vn)

.
.
.