.

Thế giới tuần qua: Những bước tiến tích cực

Cập nhật: 17:22, 14/11/2020 (GMT+7)

Mặc dù tình hình lây lan dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng cộng đồng quốc tế cũng ghi nhận những bước tiến tích cực của nhiều nước trong chính sách đối ngoại.

1. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến sáng 14-11 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu là hơn 53,7 triệu, trong đó có trên 1,3 triệu người thiệt mạng, ở 217 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các nước cũng ghi nhận 37.470.181 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 109.153 ca và 14.921.344 ca đang điều trị tích cực.

Một điểm xét nghiệm Covid-19. Ảnh: WHO
Một điểm xét nghiệm Covid-19. Ảnh: WHO

Ngày 13-11, thế giới có tới 153 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới; 103 quốc gia và vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại. Dịch tiếp tục chuyển tâm từ Mỹ, Ấn Độ và Brazil sang diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu.

Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Châu Âu lại đang chứng kiến đợt bùng phát dịch mới nghiêm trọng hơn nhiều khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở các nước thành viên.

Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Mỹ (161.762 ca), Ấn Độ (45.343 ca) và Italy (40.902 ca); trong khi đó Mỹ (với 1.239 ca), Pháp (932 ca) và Mexico (626 ca) ghi nhận số trường hợp tử vong cao nhất.  

2. Ấn Độ, Trung Quốc sẽ rút quân khỏi khu vực biên giới

Ấn Độ và Trung Quốc đang đứng trước cơ hội tháo gỡ thế đối đầu quân sự tại biên giới kéo dài hơn 6 tháng qua. Hai cường quốc châu Á này về cơ bản đã nhất trí về một quá trình rút quân và các phương tiện vũ khí gồm 3 bước tại tất cả các điểm nóng tranh chấp ở Đông Ladakh.

Đoàn xe của Lục quân Ấn Độ trên đường cao tốc dẫn tới khu vực Ladakh. Ảnh: Reuters
Đoàn xe của Lục quân Ấn Độ trên đường cao tốc dẫn tới khu vực Ladakh. Ảnh: Reuters

Theo các thông tin được báo chí Ấn Độ công bố, đây mới chỉ là đề xuất trong vòng 8 của cuộc đàm phán quân sự tại biên giới Ấn-Trung hôm 6-11. Thỏa thuận cuối cùng về việc rút quân, giảm leo thang sẽ được quyết định tại cuộc họp thứ 9 ở cấp tư lệnh quân đoàn giữa Lục quân Ấn Độ và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trong ít ngày tới. Nếu cả hai phía đồng ý thực hiện kế hoạch rút quân này, đây sẽ là bước đột phá với tranh chấp biên giới Ấn-Trung.

Các nội dung chính của bản đề xuất gồm việc chấm dứt sự hiện diện của các phương tiện vũ khí, rút quân khỏi các khu vực nằm trên bờ Bắc và Nam của hồ Pangong ở Đông Ladakh và tiến hành việc xác minh quá trình rút quân của cả hai phía.

Ấn Độ và Trung Quốc cùng nhất trí sẽ rút khoảng 30% số lượng binh lính mỗi ngày trong vòng 3 ngày. Cuối cùng, trong bước thứ 3, hai bên hoàn thành quá trình rút quân dọc theo bờ Nam hồ Pangong, tổ chức việc xác minh chi tiết kết quả rút quân, làm cơ sở để khôi phục hoạt động tuần tra tại biên giới.

Ấn Độ hiện đang triển khai khoảng 50.000 binh lính tại nhiều vị trí quan trọng trên dãy Himalaya tại Đông Ladakh. Phía Trung Quốc cũng huy động một lực lượng tương tự gồm binh lính và các loại khí tài chiến đấu.

3. Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cùng giám sát ngừng bắn ở Nagorny-Karabakh

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí thành lập Trung tâm Kiểm soát ngừng bắn chung ở Nagorny-Karabakh, mở ra hy vọng chấm dứt xung đột tại vùng đất tranh chấp dai dẳng suốt nhiều thập kỷ qua giữa Azerbaijan và Armenia.

Thỏa thuận thành lập Trung tâm Kiểm soát ngừng bắn chung Nga-Thổ đạt được sau cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước. Theo đó, trung tâm kiểm soát có nhiệm vụ sẽ thu thập, tổng hợp và xác minh thông tin về việc các bên tuân thủ lệnh ngừng bắn và các hành động khác vi phạm các thỏa thuận đã đạt được.

Đoàn xe của quân đội Nga tiến vào Nagorny-Karabakh. Ảnh: AP
Đoàn xe của quân đội Nga tiến vào Nagorny-Karabakh. Ảnh: AP

Trước đó, ngày 9-11, dưới sự trung gian của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, Thủ lĩnh vùng Nagorny-Karabakh Arayik Harutyunyan đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn sau gần 2 tháng giao tranh ác liệt.

Ngay sau khi thỏa thuận được ký kết, Nga đã triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến khu vực. Khoảng 2.000 binh sĩ Nga sẽ thay thế lực lượng Armenia triển khai dọc theo ranh giới kiểm soát và đảm bảo hành lang giữa phần lãnh thổ còn lại của Nagorny-Karabakh và Armenia. Thỏa thuận quy định, những lính gìn giữ hòa bình này được phép ở lại trong 5 năm và sẽ tự động gia hạn thêm 5 năm nếu như không có bên nào phản đối.

Căng thẳng tái bùng phát tại khu vực Nagorny-Karabakh từ ngày 27-9 khiến con số thương vong ước tính lên tới hàng nghìn người. Đã có ít nhất hai lệnh ngừng bắn được ký kết, nhưng sau đó đều bị phá vỡ. Lệnh ngừng bắn lần này hy vọng được các bên tuân thủ khi thực tế chiến trường đã ngã ngũ. Thủ lĩnh vùng Nogorny-Karabakh thân Armenia đã thừa nhận thất bại quân sự trước Azerbaijan.

4. Palestine sẵn sàng nối lại hòa đàm với Israel

Ngày 11-11, hãng thông tấn WAFA dẫn lời người phát ngôn Tổng thống Palestine Nabil Abu Rudeineh cho biết nước này sẵn sàng nối lại hòa đàm với Israel dựa trên luật pháp quốc tế.

Khu định cư Do Thái ở Givat Zeev, gần thành phố Ramallah ở khu Bờ Tây do Israel chiếm đóng. Ảnh: AFP
Khu định cư Do Thái ở Givat Zeev, gần thành phố Ramallah ở khu Bờ Tây do Israel chiếm đóng. Ảnh: AFP

Tuyên bố khẳng định Palestine “sẵn sàng quay lại bàn đàm phán (với Israel) dựa trên luật pháp quốc tế, hoặc bắt đầu từ nơi các cuộc đàm phán trước kết thúc, hoặc với việc Israel cam kết thực hiện các thỏa thuận đã được ký”.

Động thái trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz phát biểu trước Quốc hội nước này rằng lãnh đạo Palestine nên quay lại bàn đàm phán hòa bình mà không có lời biện hộ nào và cùng tìm kiếm giải pháp cho các xung đột.

Các cuộc hòa đàm cuối cùng giữa Israel và Palestine đã dừng lại từ năm 2014. Palestine không chấp nhận việc Mỹ là trung gian hòa giải trong việc giải quyết xung đột với Israel do Washington coi Jerusalem là thủ đô của Israel.

5. Nhật Bản, Mỹ khởi động đàm phán về chia sẻ chi phí quân sự

Theo hãng thông tấn Kyodo, ngày 11-11, Chính phủ Nhật Bản cho biết Nhật Bản và Mỹ vừa kết thúc 2 ngày đàm phán tại Washington về thỏa thuận chia sẻ chi phí cho việc đồn trú binh sĩ.

Cuộc đàm phán diễn ra từ ngày 9, 10-11 vừa qua đánh dấu khởi đầu tiến trình đàm phán chính thức về khoản ngân sách của Tokyo dành cho hoạt động duy trì khoảng 55.000 quân nhân Mỹ đồn trú tại Nhật Bản trong 5 năm, bắt đầu từ tháng 4-2021, khi thỏa thuận hiện tại hết hạn vào tháng 3-2021.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm căn cứ hải quân Yokosuka ở Nhật Bản. Ảnh: Getty Images
Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm căn cứ hải quân Yokosuka ở Nhật Bản. Ảnh: Getty Images

Tại cuộc đàm phán, hai bên cho rằng chi phí do Tokyo gánh vác “đóng một vai trò quan trọng đảm bảo cho các hoạt động của lực lượng Mỹ đồn trú tại Nhật Bản thuận lợi và hiệu quả”. Hai bên cũng khẳng định “tầm quan trọng của việc tăng cường hơn nữa tình đoàn kết bền chặt” của mối quan hệ đồng minh. Theo các tuyên bố của Chính phủ Nhật Bản và Mỹ, hai bên kỳ vọng một kết quả đàm phán cùng có lợi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump lâu nay chỉ trích Nhật Bản hưởng lợi “một chiều” trong mối quan hệ đồng minh với Mỹ, đồng thời hối thúc Tokyo phải đóng góp nhiều hơn để trang trải chi phí cho quân Mỹ đồn trú.

Các nhà quan sát chính trị cho rằng ông Joe Biden, người được truyền thông Mỹ đưa tin giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, có thể sẽ giảm sức ép đối với Tokyo vì ông chủ trương cải thiện quan hệ hợp tác với các đồng minh.

(Theo https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/the-gioi-tuan-qua-nhung-buoc-tien-tich-cuc-643799)

.
.
.