.

Thế giới tuần qua: Gian nan phía trước

Cập nhật: 21:00, 12/12/2020 (GMT+7)

Dịch Covid-19 diễn biến khó lường đang gây lo ngại về một mùa Giáng sinh ảm đạm cho nhiều nước; nỗi lo Brexit “không thỏa thuận” đang trở lại; Morocco bình thường hóa quan hệ với Israel... là những thông tin đáng chú ý trong tuần vừa rồi.

1. Dịch Covid-19 vẫn lây lan phức tạp

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng ngày 12-12 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 71,3 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có gần 1,6 triệu trường hợp tử vong. Hơn 49 triệu bệnh nhân Covid-19 đã phục hồi, trong khi vẫn còn khoảng 20 triệu người đang được điều trị.

Nhiều khu vực trên thế giới đang và sẽ trải qua một mùa đông khắc nghiệt trong khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp với số ca mắc mới gia tăng không ngừng. Khủng hoảng Covid-19 đang đẩy trung tâm y tế ở nhiều nước vào tình trạng quá tải bởi số người phải nhập viện tăng lên mức cao kỷ lục gần như mỗi ngày.

Tình hình lây lan Covid-19 vẫn rất khó lường trên thế giới. Ảnh: Yahoo News.
Tình hình lây lan Covid-19 vẫn rất khó lường trên thế giới. Ảnh: Yahoo News.

Tình hình Covid-19 ở Mỹ đã trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết khi lần đầu tiên ghi nhận mức tăng hơn 3.000 ca tử vong/ngày vào hôm 9-12, nhiều hơn số người thiệt mạng trong cuộc tấn công khủng bố 11-9; Đức cũng ghi nhận những mức tăng cao, với 587 ca tử vong mới và 28.344 ca nhiễm mới sau 24 giờ, tính đến sáng 12-12; tại Bồ Đào Nha, số ca tử vong do Covid-19 ở nước này đã tăng gần gấp đôi so với làn sóng đầu tiên...

Mỹ vẫn là nước chịu tác động dịch bệnh nặng nề nhất với 16,2 triệu ca nhiễm và hơn 302.000 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 9,8 triệu ca nhiễm và Brazil với 6,8 triệu ca nhiễm.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng việc tìm ra vaccine giúp cả thế giới cảm thấy nhẹ nhõm hơn và có hy vọng tìm được lối thoát khỏi đại dịch. Tuy nhiên, WHO cũng cảnh báo chỉ riêng việc tiêm phòng vaccine sẽ không thể đẩy lùi được Covid-19, việc có vaccine và tiến hành chủng ngừa sẽ chỉ là bổ sung một công cụ quan trọng và sắc bén cho hệ thống các công cụ cần thiết để đối phó với đại dịch này. Điều đó có nghĩa thế giới không thể trông cậy quá nhiều vào vaccine mà vẫn phải triển khai quyết liệt tất cả các biện pháp phòng, chống dịch.

2. EU-Anh đối mặt với kịch bản không thỏa thuận hậu Brexit

Những ngày gần đây, nguy cơ về việc Liên minh châu Âu (EU) và Anh sẽ không thể đạt được một thỏa thuận thương mại sau khi London chính thức rời khỏi ngôi nhà chung, hay còn gọi là Brexit, ngày càng hiển hiện.

Trong cuộc gặp tại Brussels, Bỉ, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã nhất trí đặt thời hạn là ngày 13-12 tới để đưa ra quyết định chắc chắn về tương lai của cuộc đàm phán.

Có khả năng cao là EU và Anh không đạt được thỏa thuận. Ảnh: Euro News
Có khả năng cao là EU và Anh không đạt được thỏa thuận. Ảnh: Euro News

Dù vậy, khoảng cách giữa hai bên vẫn còn rất lớn và không biết khi nào có thể được thu hẹp. Trong ngày 11-12, các nhà đàm phán EU và Anh tiếp tục đàm phán tại Brussels, Bỉ, để xem liệu có thể mở ra một lộ trình để đạt được thỏa thuận trong cuộc thảo luận mang tính quyết định vào cuối tuần này hay không. Hiện hai bên vẫn bất đồng về 3 nội dung cốt lõi về quyền đánh bắt cá, sân chơi bình đẳng và giải quyết tranh chấp.

Trong trường hợp EU và Anh đạt được thỏa thuận, hai bên sẽ phải áp dụng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong quan hệ thương mại như áp đặt thuế quan và hạn ngạch.

Với 3 tuần ngắn ngủi còn lại trước thời hạn kết thúc thời gian quá độ của tiến trình Brexit vào ngày 31-12, thật khó để trả lời liệu EU và Anh có kịp lấp đầy những khoảng cách giữa hai bên trong các vấn đề gai góc để ký kết và thông qua được một thỏa thuận điều chỉnh mối quan hệ giữa hai bên từ ngày 1-1-2021.

3. Morocco bình thường hóa quan hệ với Israel

Trong bối cảnh chính trường Mỹ đang có những thay đổi, Tổng thống Donald Trump ngày 10-12 thông báo Morocco là quốc gia Arab thứ 4 ở Trung Đông bình thường hóa quan hệ với Israel.

Từ trái qua phải: Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà vua Morocco Mohammed VI. Ảnh: Reuters.
Từ trái qua phải: Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà vua Morocco Mohammed VI. Ảnh: Reuters.

Cụ thể, Israel và Morocco sẽ khôi phục các mối quan hệ ngoại giao và các mối quan hệ khác, bao gồm mở lại ngay lập tức văn phòng liên lạc ở Tel Aviv và Rabat và cuối cùng là mở Đại sứ quán. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng ngay lập tức hoan nghênh thỏa thuận, coi đây là dấu mốc “hòa bình lịch sử”.

Thỏa thuận được xây dựng dựa trên một trong những thành tựu chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump, với việc thúc đẩy quan hệ giữa Israel và thế giới Arab. Trước Morocco, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Sudan đã đạt được thành tựu tương tự.

Tuy nhiên, thỏa thuận làm lu mờ hy vọng về quyền tự trị cho những người ở Tây Sahara, vốn mong muốn có độc lập và tổ chức trưng cầu ý dân về tương lai của khu vực. Thỏa thuận cũng là một trở ngại nữa đối với Palestine, trái với tinh thần của Sáng kiến Hòa bình Arab ký năm 2002, trong đó quy định các nước Arab chỉ bình thường hóa quan hệ với Israel sau khi nước này chấm dứt chiếm đóng các vùng đất của Arab và Palestine, cũng như phải đảm bảo hòa bình cho Palestine.  

4. Chính phủ Afghanistan và Taliban bắt đầu vòng đàm phán mới

Phái đoàn chính phủ Afghanistan và đoàn đàm phán của phiến quân Taliban đã gặp nhau tại thủ đô Doha của Qatar, bắt đầu vòng đàm phán mới sau nhiều tháng tranh luận về các điều luật và quy trình cho đối thoại hòa bình.

Tuyên bố của Bộ Hòa bình Afghanistan nêu rõ: “Cuộc họp đầu tiên của đoàn đàm phán Chính phủ Afghanistan và phe đối lập đã diễn ra tại Doha để chuẩn bị các vấn đề cho chương trình nghị sự của các cuộc đàm phán”. Hai bên đã trao đổi quan điểm về các vấn đề xung quanh chương trình nghị sự của vòng đàm phán hòa bình chính thức.

Các thành viên phái đoàn Taliban tại lễ khai mạc vòng đàm phán hòa bình với đại diện Chính phủ Afghanistan ở thủ đô Doha, Qatar ngày 12-9-2020. Ảnh: AFP
Các thành viên phái đoàn Taliban tại lễ khai mạc vòng đàm phán hòa bình với đại diện Chính phủ Afghanistan ở thủ đô Doha, Qatar ngày 12-9-2020. Ảnh: AFP

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani gọi đây là cuộc họp lịch sử khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa đại diện chính phủ và lực lượng Taliban đã bước vào giai đoạn hai. Sự kiện này cũng phát đi thông điệp tốt đẹp gửi tới người dân Afghanistan và cộng đồng quốc tế về sự hòa giải, hòa hợp, đoàn kết của các phe phái tại quốc gia Nam Á này.

Một tiến trình hòa bình thành công với Taliban sẽ cho phép chính phủ tập trung nguồn lực để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng như các cuộc tấn công của nhóm khủng bố này vào các mục tiêu mềm.

Rõ ràng, con đường đi đến hòa bình tại quốc gia này còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, dư luận quốc tế hy vọng, các bên tại Afghanistan sẽ tận dụng cơ hội mới được hé mở để tiếp tục giải quyết mâu thuẫn, trên tinh thần nhượng bộ, cùng đặt những “viên gạch” tiếp theo trong nỗ lực xây dựng nền hòa bình lâu dài.

5. Ông Joe Biden và bà Kamala Harris là Nhân vật năm 2020

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden và Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris đã được tạp chí Time bình chọn là Nhân vật của năm 2020.

Cặp đôi này trước đó đã được truyền thông Mỹ công bố chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống với những diễn biến chưa từng có trong lịch sử.

Ông Joe Biden và bà Kamala Harris được tạp chí Time bình chọn là Nhân vật của năm 2020. Ảnh: CNN
Ông Joe Biden và bà Kamala Harris được tạp chí Time bình chọn là Nhân vật của năm 2020. Ảnh: CNN

“Với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất trong một thế kỷ, họ đã giành được 81 triệu phiếu bầu, số phiếu bầu cao nhất trong lịch sử bầu cử tổng thống, nhiều hơn đương kim Tổng thống Donald Trump khoảng 7 triệu phiếu bầu”, Tạp chí Time viết.

Năm nay 78 tuổi và từng giữ chức Phó tổng thống trong 2 nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, ông Joe Biden sẽ trở thành nhân vật cao tuổi nhất đảm nhận chức vụ Tổng thống Mỹ khi ông tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-1-2021. Trong khi đó, bà Kamala Harris sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên, người da màu đầu tiên và người gốc Á đầu tiên nhậm chức Phó tổng thống Mỹ.

Như vậy, ông Joe Biden được Tạp chí Time vinh danh là Nhân vật của năm, sau ông Barack Obama (2012) và ông Donald Trump (2016). Người chiến thắng giải thưởng này năm 2019 là nhà hoạt động khí hậu người Thụy Điển Greta Thunberg.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.