Thế giới tuần qua: Bế tắc và căng thẳng
Hiệp ước Bầu trời Mở có nguy cơ sẽ sớm sụp đổ sau khi Nga cũng tuyên bố sẽ sớm rút khỏi cơ chế này. Trong khi đó, nước Mỹ đang “căng như dây đàn” để chuẩn bị cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
1. Nga xúc tiến các thủ tục rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở
Ngày 15-1, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, nước này sẽ xúc tiến thủ tục rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở, vốn cho phép các máy bay do thám không có vũ trang bay trên lãnh thổ các nước tham gia hiệp ước.
Trong thông báo, Bộ Ngoại giao Nga viện dẫn lý do “thiếu tiến bộ” trong việc duy trì Hiệp ước Bầu trời Mở sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước vào năm ngoái. Thông báo cũng cho biết, Moscow sẽ bắt đầu xúc tiến các thủ tục trong nước để rút khỏi hiệp ước này.
Máy bay ném bom Tu-95 của Nga (trên) và tiêm kích F-22 Raptor của Mỹ. Ảnh: AP |
Trước đó cùng ngày, báo Kommersant của Nga dẫn các nguồn tin chính thức giấu tên cho biết Moscow sẽ thông báo rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở trong những ngày tới.
Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở vào ngày 22-11 năm ngoái, 6 tháng sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố ý định ngừng tham gia hiệp ước này. Nga và Đức đã lấy làm tiếc trước hành động của Mỹ, trong khi Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng hành động của Mỹ sẽ làm ảnh hưởng xấu tới các nỗ lực kiểm soát vũ khí trong tương lai.
Hiệp ước Bầu trời Mở được ký kết năm 1992 và có hiệu lực từ năm 2002, cho phép 35 quốc gia thành viên thực hiện các chuyến bay giám sát trên không phận của nhau. Tuy nhiên, cả Moscow và Washington thường xuyên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận.
2. Trước thềm nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ
Chỉ còn chưa đầy một tuần trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden, an ninh đã được tăng cường tối đa, đặc biệt là tại các bang tổ chức các phiên họp lập pháp và lễ nhậm chức.
Giới chức nước này lo ngại kịch bản ngày 6-1 có thể sẽ lại tái diễn khi những người ủng hộ Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump biểu tình rầm rộ và thậm chí tấn công Điện Capitol nhằm ngăn chặn các nghị sĩ kiểm phiếu đại cử tri và chứng nhận chiến thắng của ông Biden.
Lực lượng an ninh bảo vệ bên ngoài Nhà Trắng hồi tháng 6-2020. Ảnh: Getty Images |
Một ngày sau khi Hạ viện bỏ phiếu thông qua nghị quyết luận tội Tổng thống Trump vì đã kích động bạo loạn tại Điện Capitol, ngày 14-1 các thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện đã bắt đầu xây dựng kế hoạch để có thể vừa tổ chức phiên xét xử tổng thống sắp mãn nhiệm, vừa bắt đầu xem xét chương trình nghị sự của tổng thống tiếp theo. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử Mỹ.
Do những rủi ro an ninh cao, tại thủ đô Washington, Tổng thống Trump đã cho phép gia hạn lệnh tình trạng khẩn cấp tới ngày 24-1. Từ ngày 13-1, Cơ quan mật vụ Mỹ đã bắt đầu triển khai các hoạt động bố trí lực lượng an ninh đặc biệt để bảo vệ cho lễ nhậm chức, sớm hơn gần một tuần so với kế hoạch ban đầu. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng điều động 15.000 binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh quốc gia cho sự kiện, cùng với hơn 6.000 vệ binh đang được triển khai tại thủ đô Washington.
Một loạt hãng hàng không Mỹ, trong đó có Delta, United, Alaska và American Airlines cũng thông báo tăng cường an ninh trên các chuyến bay đến và đi từ thủ đô Washington như cấm hành khách mang súng trong hành lý ký gửi hay phục vụ đồ uống có cồn trên các chuyến bay.
3. Hàn Quốc và Iran bế tắc trong đàm phán về vụ tàu hóa chất
Iran và Hàn Quốc vẫn chưa đạt được tiến triển trong việc đàm phán về vụ bắt giữ tàu chở hóa chất Hankuk Chemi của Hàn Quốc do những lập trường khác biệt của hai bên.
Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Choi Jong Gon ngày 14-1 đã trở về về nước sau chuyến thăm Iran từ ngày 10 đến 12-1. Đây là chuyến công tác được lên kế hoạch trước khi xảy ra vụ Tehran bắt tàu chở hóa chất Hankuk Chemi của Hàn Quốc.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi (phải) và người đồng cấp Hàn Quốc Choi Jong Gon (trái) chụp ảnh chung trước cuộc gặp ở Tehran ngày 10-1. Ảnh: AP |
Trong chuyến thăm, ông Choi Jong Gon đã tiếp xúc nhiều quan chức thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và Quốc hội Iran nhằm thảo luận về việc thả sớm tàu Hankuk Chemi và các thuyền viên.
Theo Đài KBS (Hàn Quốc), trong các cuộc đàm phán cấp cao, Iran chỉ lặp lại lập trường rằng việc bắt giữ tàu Hàn Quốc là do liên quan đến các vấn đề kỹ thuật, mặc dù không đưa ra được bằng chứng cụ thể khi phía Hàn Quốc yêu cầu.
Năm 2013, Iran đã từng bắt giữ một tàu chở dầu Ấn Độ với lý do gây ô nhiễm biển, tương tự như trường hợp lần này. Vào thời điểm đó, các bằng chứng về việc gây ô nhiễm biển qua ảnh chụp từ vệ tinh mà Iran cung cấp đã bị bác bỏ, sau đó tàu Ấn Độ đã phải ký bản cam kết và được thả sau 26 ngày. Lần này phía Iran thậm chí không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào khiến cuộc đàm phán không đạt được tiến triển.
4. Thêm triển vọng thúc đẩy đối thoại Qatar-Bahrain
Ngày 14-1, Bộ Nội vụ Bahrain cho biết Qatar đã trả tự do cho 3 công dân của nước này, vốn được cho là đã bị Qatar bắt giữ trái phép. Bộ Ngoại giao Qatar đã thông báo cho Bộ Nội vụ Bahrain về việc thả 3 công dân Bahrain bị lực lượng tuần tra bờ biển và biên giới Qatar bắt giữ.
Trụ sở hãng hàng không Qatar Airways tại thủ đô Manama của Bahrain. Ảnh: Reuters. |
Bahrain nằm trong số 4 nước Arab cắt đứt quan hệ ngoại giao, kinh tế và đi lại với Qatar từ tháng 6-2017 với cáo buộc Doha can thiệp vào công việc nội bộ và hỗ trợ các nhóm khủng bố. Ngoài ra, Bahrain và Qatar thường xảy ra xung đột liên quan tới lãnh hải. Trong vài tháng gần đây, lượng lượng tuần tra bờ biển của Qatar đã đánh chặn một vài tàu của Bahrain.
Tuy nhiên, tuần trước, tại Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) tại Saudi Arabia, Ai Cập đã ký thỏa thuận về hòa giải giữa các nước Arab với Qatar. Thỏa thuận đã chấm dứt biện pháp tẩy chay ngoại giao và hạn chế đi lại giữa nhóm 4 nước Arab gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain với Qatar.
Hiện Saudi Arabia đã khôi phục quan hệ đầy đủ với Qatar và mở lại không phận của mình cho Doha, trong khi UAE cũng đã mở lại biên giới đường bộ, đường biển và đường hàng không với Qatar vào hôm 9-1. Bahrain cũng đã mở lại không phận cho Doha hôm 11-1 vừa qua.
5. Trung Quốc và Ấn Độ vẫn chưa thể “làm lành” ở biên giới
Sau 8 tháng, cuộc đối đầu biên giới giữa hàng vạn binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc trên dãy Himalaya vẫn chưa được giải quyết.
Các cuộc đối thoại giữa hai bên đã bị gián đoạn trong 2 tháng - khoảng thời gian gián đoạn dài nhất kể từ tháng 5-2020, trong khi cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đang tiến hành củng cố lực lượng trong khu vực.
Binh sĩ Trung - Ấn tại khu vực biên giới Ladakh. Ảnh: PTI |
Một vài hình ảnh chưa được kiểm chứng được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy, xe tăng và phương tiện cơ giới của hai nước dàn hàng ngang cách nhau chỉ vài mét.
Trong khi căng thẳng vẫn đang gia tăng và các cuộc đàm phán ít khả năng được nối lại trong tương lai gần, cuộc đối đầu có thể sẽ kéo dài qua mùa Đông khắc nghiệt ở dãy Himalaya, nơi mà nhiệt độ có thể xuống đến âm 40 độ C.
Tháng 11 vừa qua, truyền thông Ấn Độ đưa tin, hai bên sắp đạt được thỏa thuận rút quân, nhưng phía Trung Quốc nhanh chóng bác bỏ thông tin này. Chỉ huy quân sự hai bên không tiếp xúc với nhau kể từ ngày 6-11.
6. Palestine chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử đầu tiên sau 15 năm
Ngày 10-1, Ủy ban Bầu cử Trung ương Palestine (PCEC) cho biết, cơ quan này đã bắt đầu các cuộc họp mang tính kỹ thuật để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của Palestine sau 15 năm bị gián đoạn.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Ảnh: AFP |
Trong một tuyên bố, PCEC cho biết, Chủ tịch của ủy ban này, ông Hana Nasser đã triệu tập một cuộc họp trực tuyến với các thành viên của ủy ban ở Dải Gaza để thảo luận về những diễn biến mới nhất liên quan kế hoạch tổ chức bầu cử tổng thống và cơ quan lập pháp.
Trước đó, trong cuộc gặp với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Ramallah tối 9-1, ông Nasser đã đề xuất với Tổng thống Abbas một số thời điểm được cho là phù hợp để tổ chức cuộc tổng tuyển cử. Theo đó, ông lưu ý rằng sau khi Tổng thống ban hành sắc lệnh phù hợp sẽ cần một khoảng thời gian 120 ngày chuẩn bị để tổ chức bầu cử. Tổng thống Abbas cũng đã đồng ý ban hành các sắc lệnh về tổ chức bầu cử trước ngày 20-1.
(Theo thesaigontimes.vn)