Thế giới tuần qua: Còn nhiều chia rẽ, bất đồng
Bầu cử tổng thống đã khép lại, nhưng chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ lại trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết, trong khi đó quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục bị “phủ bóng đen” bởi các lệnh trừng phạt bổ sung trong những ngày cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cũng không thực hiện được theo lịch trình bởi nhiều nước đã lỡ hạn chót cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
1. Nước Mỹ khép lại cuộc bầu cử bất thường
Chiều 7-1, lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã xác nhận toàn bộ số phiếu đại cử tri của các bang, công nhận chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Phiên họp thông thường mang tính thủ tục này đã chính thức khép lại cuộc chiến pháp lý và những tranh cãi dai dẳng liên quan. Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 20-1. Cùng với chiến thắng của ông Biden, Đảng Dân chủ đã lần đầu tiên kể từ năm 2015 giành quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội Mỹ.
Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump, mặc dù tuyên bố không hoàn toàn đồng ý với kết quả của cuộc bầu cử, song cam kết sẽ có "một sự chuyển giao trật tự và hòa bình". Cam kết này có thể được coi là sự thay thế cho việc ông Trump thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 trước ông Biden.
Mặc dù kết quả bầu cử tổng thống đã ngã ngũ, nhưng nội bộ nước Mỹ vẫn tiếp tục chia rẽ bởi sự phản đối ở cả bên trong và bên ngoài phòng họp.
Hàng chục nghìn người ủng hộ Tổng thống Donald Trump từ khắp nơi trên nước Mỹ đã đổ về khu vực trung tâm thủ đô Washington D.C cũng như Đồi Capitol nhằm cản trở việc chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden.
Các cuộc biểu tình biến thành bạo động khi nhóm người biểu tình quá khích đụng độ với cảnh sát và tràn vào tòa nhà Quốc hội, khiến cảnh sát Mỹ phải phong tỏa các tòa nhà, sơ tán các nghị sĩ và nhân viên làm việc trong các trụ sở Quốc hội, đồng thời phải sử dụng hơi cay và đạn không sát thương để giải tán đám đông. Cuộc bạo loạn là nguyên nhân dẫn đến việc Phó cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Matt Pottinger cùng một số quan chức khác đã từ chức và Cố vấn An ninh quốc gia Robert O’Brien cũng đang cân nhắc từ chức.
Mức độ nghiêm trọng của sự việc càng bộc lộ khi có ít nhất 4 người thiệt mạng. Ngoài ra, bên trong phòng họp, các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã phản đối việc Quốc hội Mỹ xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden trước đương kim Tổng thống Donald Trump tại các bang Arizona và Pennsylvania. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã yêu cầu phế truất Tổng thống Donald Trump, cáo buộc ông có liên quan đến cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol cũng như những hành động xâm nhập trụ sở Hạ viện một ngày trước đó.
Trong bối cảnh nước Mỹ đang rơi vào cuộc khủng hoảng kép và chỉ còn 2 tuần nữa là tới thời điểm tổng thống đắc cử Mỹ chính thức tuyên thệ nhậm chức, có thể nói tình trạng hỗn loạn và rối ren hiện nay đang tạo thêm những thách thức to lớn, thậm chí đe dọa gây bất ổn xã hội Mỹ.
2. Hàng chục quốc gia lỡ hạn chót cập nhật mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính
Hơn một nửa số quốc gia trên thế giới đã không cập nhật các cam kết của mình vào hạn chót là cuối năm 2020 nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Điều này đã làm rối loạn lịch trình đầy tham vọng về khí hậu đã nhất trí trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Khói bốc lên tại nhà máy hóa dầu ở Etang de Berre, Pháp. Ảnh tư liệu: TTXVN |
Năm 2015, gần như tất cả các quốc gia đã tham gia ký kết Hiệp định Paris, trong đó kêu gọi hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu "dưới ngưỡng" 2 độ C so với thời tiền công nghiệp, nếu có thể thì ở mức 1,5 độ C. Các nước đã cam kết tăng cường cắt giảm khí thải và sửa đổi mục tiêu này 5 năm/lần. Khi gần đến thời hạn chót ngày 31-12-2020, một số nước thải nhiều khí cho biết sẽ đạt mục tiêu trung hòa khí thải trong thế kỷ này, nhưng nhiều nước đã đi qua hạn chót trên mà không công bố chi tiết các cam kết ngắn hạn mới của mình.
Theo Liên hợp quốc (LHQ), đến ngày 1-1-2021, chỉ khoảng 70 trong số 200 quốc gia đã đưa ra các mục tiêu mới, trong đó có Việt Nam. Một số nước đổ lỗi sự trì hoãn này là do đại dịch Covid-19.
LHQ ước tính cần cắt giảm 7,6% khí thải mỗi năm trong vòng 10 năm tới nếu muốn giới hạn độ nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Bề mặt Trái đất đã nóng lên trung bình gần 1,2 độ C, làm nghiêm trọng hơn các hiện tượng khí hậu cực đoan và gây thương vong nhiều hơn.
3. Mỹ trừng phạt thêm nhiều doanh nghiệp Iran và Trung Quốc
Chính quyền Mỹ ngày 5-1 đã bổ sung vào danh sách trừng phạt 1 công ty Trung Quốc chuyên sản xuất các vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất thép, 12 nhà sản xuất kim loại và thép của Iran và 3 đại lý bán hàng tại nước ngoài của một công ty cổ phần khai thác mỏ và kim loại lớn của Iran.
Bên trong một nhà máy thép của Iran. Nguồn: Rueters |
Theo tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ, Washington đã liệt vào danh sách trừng phạt Công ty TNHH công nghệ vật liệu carbon mới Kaifeng Pingmei do doanh nghiệp Trung Quốc đã cung cấp hàng nghìn tấn vật liệu cho các công ty sản xuất thép của Iran trong khoảng thời gian từ tháng 12-2019 đến tháng 6-2020.
Trong số các công ty của Iran bị đưa vào danh sách trên có Pasargad Steel Complex và Gilan Steel Complex, bị trừng phạt theo Sắc lệnh hành pháp 13871 do hoạt động trong ngành thép của Iran.
Cũng trong ngày 5-1, một quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ cho biết Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp nhằm cấm các giao dịch với 8 ứng dụng phần mềm của Trung Quốc. Theo đó, các ứng dụng của Trung Quốc bị cấm bao gồm Alipay, CamScanner, QQ Wallet, SHAREit, Tencent QQ, VMate, WeChat Pay và WPS Office. Trước đó, chính quyền Tổng thống Trump cũng cấm tải các ứng dụng WeChat và TikTok do Trung Quốc sở hữu tại Mỹ.
Sắc lệnh này được đưa ra nhằm hạn chế cái gọi là "mối đe dọa đối" với người Mỹ do các ứng dụng phần mềm của Trung Quốc gây ra. Những phần mềm này vốn có nhiều người sử dụng và quyền truy cập vào dữ liệu nhạy cảm.
Cũng liên quan đến lệnh trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc, ngày 6-1, Sàn Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) cho biết sẽ hủy niêm yết đối với 3 tập đoàn viễn thông của Trung Quốc kể từ ngày 11-1.
Ngày 6-1, Bộ Thương mại Trung Quốc kêu gọi Mỹ chấm dứt hành động "ngăn chặn vô lý" các ứng dụng của Trung Quốc, sau khi Washington cấm các giao dịch với 8 ứng dụng. Bộ Thương mại Trung Quốc cáo buộc lệnh cấm của Mỹ đi ngược với cạnh tranh công bằng và gây tổn hại tới trật tự thị trường thông thường. Bộ này cũng cho biết động thái của Washington sẽ gây ảnh hưởng tới các lợi ích của người tiêu dùng và Bắc Kinh có quyền đưa ra các biện pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc.
4. Các nước vùng Vịnh hóa giải chia rẽ
Ngày 5-1, các nước vùng Vịnh đã ký kết một thỏa thuận hướng tới "sự đoàn kết và ổn định" tại hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), được tổ chức tại Saudi Arabia, nhằm thảo luận về các biện pháp dỡ bỏ lệnh cấm vận suốt 3 năm qua đối với Qatar.
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (phải) đón Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al-Thani tới thăm, tại sân bay thành phố al-Ula ngày 5-1-2021. Ảnh: TTXVN |
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo của 6 nước thành viên GCC đã cùng ký hai văn kiện, bao gồm Tuyên bố Al-Ula và thông cáo báo chí cuối cùng của hội nghị. Tuy nội dung của các văn kiện này hiện chưa được công bố, nhưng hy vọng chấm dứt những bế tắc lâu nay đã được thắp lên khi Saudi Arabia thông báo sẽ mở cửa biên giới với Qatar bất chấp sự thù địch kéo dài nhiều năm qua giữa hai nước láng giềng. Saudi Arabia và 3 đồng minh khác bao gồm UAE và Bahrain (thành viên GCC), và Ai Cập (không thuộc GCC) đã nhất trí nối lại quan hệ ngoại giao đầy đủ với Qatar.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia, Faisal bin Farhan al-Saud cho biết thỏa thuận này sẽ được đảm bảo thực thi “bằng cả ý chí chính trị và niềm tin mạnh mẽ”. Còn Ngoại trưởng Qatar, Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani, sau đó cũng thông báo trên Twitter rằng các nhà lãnh đạo GCC đã “khép lại trang bất đồng… và tìm cách mở ra một trang mới”.
Tháng 6-2017, động lực thúc đẩy các nước xích lại gần nhau đã trở thành nhân tố chia rẽ các thành viên. Qatar và một nhóm các nước Arab do Saudi Arabia dẫn đầu đã cắt đứt quan hệ ngoại giao sau khi Doha bị cáo buộc “tài trợ khủng bố” và “quá thân thiện với Iran”, điều mà Qatar luôn bác bỏ.
5. Cuộc chiến chống Covid-19 vẫn còn nhiều gian nan
Các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo 6 tháng tới sẽ là một "chặng đường hết sức gian nan và vất vả" trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trên thế giới, trước khi các loại vaccine có thể phát huy tác dụng và đảo ngược tình hình.
Chuyển bệnh nhân mắc Covid-19 tới bệnh viện ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN |
Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu về Covid-19 của WHO, cho biết tại nhiều nước, tình hình rất đáng lo ngại, thậm chí đang trở nên tồi tệ hơn. Theo bà, một số quốc gia thực sự đang phải chứng kiến tốc độ lây nhiễm dịch bệnh nhanh đáng sợ, đặc biệt là ở châu Âu và Bắc Mỹ. Bà Van Kerkhove nhận định số ca mắc Covid-19 sẽ tiếp tục gia tăng mạnh trong tháng này, đặc biệt sau kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm mới.
Ngày 7-1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các nước nghèo nhất thế giới có thể sẽ bắt đầu nhận được vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trong khoảng thời gian từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2-2021. Chương trình COVAX - Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu, đã đạt được các thỏa thuận để đảm bảo 2 tỷ liều vaccine - và những liều vaccine đầu tiên trong số đó sẽ bắt đầu được phân phối trong vài tuần tới.
(Theo qdnd.vn)