Thế giới tuần qua: Nhiều vấn đề bế tắc
Thế giới tuần qua tiếp tục chứng kiến biểu tình leo thang tại Myanmar, Iran từ chối thảo luận về cách thức khôi phục thỏa thuận hạt nhân, Mỹ khẳng định quan điểm cứng rắn trong quan hệ thương mại với Trung Quốc..., đây là một trong nhiều vấn đề phức tạp vẫn chưa tìm được giải pháp tháo gỡ.
1. EU lên kế hoạch cung cấp "giấy thông hành xanh" vaccine
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 1-3 cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ cung cấp loại "giấy thông hành xanh" vaccine từ tháng 3 này trong bối cảnh khối đã sẵn sàng tăng cường miễn dịch cộng đồng đối với bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Theo bà Ursula von der Leyen loại giấy tờ này nhằm cung cấp bằng chứng về việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cũng như các kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Giấy thông hành sẽ cho phép người dân "được di chuyển an toàn trong EU hoặc ngoài EU để làm việc hoặc du lịch".
Những người cao tuổi đã được tiêm vaccine Covid-19 chụp ảnh cùng chiếc thẻ xanh của họ tại một buổi hòa nhạc ở công viên Yarkon, Tel Aviv (Israel). Ảnh: Reuters |
Khái niệm "giấy thông hành xanh" của EU giống như loại giấy tờ đang được Israel sử dụng. Đó là một loại chứng nhận bằng giấy hoặc bằng bản mềm trên điện thoại cho phép chủ nhân của giấy tờ này được vào các khu vui chơi giải trí, các trung tâm thể thao và nhà hàng.
Tuy nhiên, ý tưởng về việc sử dụng "hộ chiếu vaccine", theo đó cho phép những người đã tiêm chủng vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 được tự do đi lại, đang gây chia rẽ cộng đồng quốc tế trong giai đoạn hiện nay.
Các nước phụ thuộc vào du lịch như Hy Lạp và các nhóm vận động hành lang ngành hàng không muốn tài liệu này được coi như "hộ chiếu vaccine", cho phép những người đã tiêm phòng không phải xét nghiệm hay trải qua cách ly. Nhưng hầu hết các nước EU, dẫn đầu là Pháp và Đức, lại cho rằng điều đó là quá sớm vì hiện tỷ lệ dân số được tiêm là rất ít trong khi các loại vaccine được EU phê chuẩn đến nay đều yêu cầu phải tiêm hai liều mới hiệu quả. Các nước này lo ngại nếu coi đó là một tấm "hộ chiếu vaccine" thì đa phần người dân đang chờ đến lượt tiêm phòng sẽ tiếp tục bị hạn chế hoạt động.
Đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa ủng hộ ý tưởng sử dụng hộ chiếu vaccine để thúc đẩy hoạt động đi lại do hiệu quả của tiêm chủng trong việc ngăn ngừa Covid-19, trong khi nguồn cung cấp vaccine vẫn còn hạn chế.
Theo thống kê của hãng tin AFP, đến nay mới chỉ có 222 triệu mũi vaccine đã được chủng ngừa trên toàn cầu - chủ yếu là các loại vaccine cần phải tiêm đủ 2 liều mới đạt hiệu quả tối đa - trên tổng dân số thế giới 7,8 tỷ người. Số người dân sinh sống ở các quốc gia chưa triển khai chương trình tiêm chủng hiện chiếm hơn 20% dân số toàn cầu. Riêng tại các nước EU, đến nay mới chỉ có khoảng 10,17 triệu người được tiêm đủ hai mũi, tương đương với 2,3% dân số khu vực này.
2. Căng thẳng tiếp diễn tại Myanmar
Đụng độ tiếp tục xảy ra tại Myanmar trong ngày 3-3. Đặc phái viên của Liên hợp quốc (LHQ) tại Myanmar, bà Christine Schraner Burgener cho biết đã có 38 người thiệt mạng.
Người biểu tình dùng bình cứu hỏa xịt về phía cảnh sát để chống trả. Ảnh: Reuters |
Hiện các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn tại Myanmar nhằm phản đối quân đội tiếp quản quyền lực. Những người biểu tình đã dựng lại các rào chắn, sẵn sàng đối đầu với lực lượng an ninh. Truyền thông địa phương Myanmar Now đưa tin, lực lượng an ninh đã sử dụng lựu đạn gây choáng và hơi cay để giải tán đám đông biểu tình tại một số địa điểm.
Trong khi đó, bà Aung San Suu Kyi tiếp tục bị cáo buộc thêm 2 tội danh mới. Một tội danh thể theo luật hình sự của Myanmar cấm công bố thông tin có thể “gây sợ hãi hoặc làm rối loạn trật tự công cộng” và một tội danh thể theo luật viễn thông về cấp giấy phép cho các trang thiết bị. Như vậy tính đến thời điểm hiện tại, nhân vật này đã bị cáo buộc tổng cộng 4 tội danh. Trước đó bà Aung San Suu Kyi bị cáo buộc vi phạm luật thảm họa quốc gia và luật xuất nhập khẩu của Myanmar.
Myanmar rơi vào bế tắc chính trị kể từ ngày 1-2 sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang và các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD). Quân đội Myanmar cho rằng có nhiều gian lận trong cuộc bầu cử gần đây, cho dù Ủy ban bầu cử liên bang Myanmar bác bỏ cáo buộc này. Quân đội Myanmar cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực, đồng thời phủ nhận việc tiến hành đảo chính, cũng như cáo buộc làn sóng biểu tình trong nước hiện nay có hành vi bạo lực.
3. Iran bác ý tưởng đàm phán không chính thức với Mỹ và châu Âu
Ngày 28-2, Iran đã bác bỏ ý tưởng tiến hành cuộc gặp không chính thức với Mỹ và các cường quốc châu Âu khác để thảo luận về cách thức khôi phục thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015, tái khẳng định Washington cần phải dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Một cơ sở hạt nhân ở miền Nam Iran. Ảnh: AFP/TTXVN |
Truyền thông Iran dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết "dựa trên những hành động và tuyên bố gần đây của Mỹ và ba cường quốc châu Âu, Iran không cho rằng hiện tại là thời điểm để tổ chức cuộc gặp không chính thức với các nước này, theo đề xuất của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU)".
Trong một phản ứng, Mỹ đã bày tỏ thất vọng trước động thái trên của Iran. Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng khẳng định Washington vẫn kiên định đạt mục tiêu "cùng trở lại tuân thủ" thỏa thuận. Theo đó, Mỹ sẽ tham vấn với các bên tham gia khác trong thỏa thuận với Iran, gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga, để tìm biện pháp tốt nhất.
Cùng với việc từ chối đàm phán không chính thức, Tehran cũng cảnh báo sẽ đáp trả thích đáng trong trường hợp ban lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ra nghị quyết nhằm vào việc Iran đình chỉ thực hiện Nghị định thư Bổ sung liên quan tới hoạt động thanh sát các cơ sở hạt nhân.
Ngày 28-2, hãng thông tấn chính thức IRNA đưa tin Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) sẽ lắp đặt các máy ly tâm thế hệ mới là IR2M, IR6 tại 2 cơ sở hạt nhân Fordow và Natanz. Trước đó, Iran đã tạm dừng thực thi Nghị định thư Bổ sung của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Iran cũng chính thức bắt đầu hạn chế các cuộc thanh sát của IAEA với các cơ sở hạt nhân của nước này. Đây là những bước đi nhằm đáp trả những biện pháp trừng phạt mà Mỹ đã tái áp đặt với Iran sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) vào năm 2018.
4. Mỹ khẳng định quan điểm cứng rắn trong thương mại với Trung Quốc
Ngày 1-3, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho hay Tổng thống Joe Biden sẽ sử dụng "mọi công cụ sẵn có" để ngăn chặn chống lại những hành vi thương mại mang tính "lạm dụng" của Trung Quốc.
Ảnh minh họa. Nguồn: businesstoday.in |
Trong báo cáo về chương trình nghị sự năm 2021 do USTR đệ trình lên Quốc hội Mỹ, đội ngũ phụ trách vấn đề thương mại của Tổng thống Joe Biden cho biết sẽ nỗ lực cải thiện quan hệ với các đồng minh và bảo vệ người lao động Mỹ. Báo cáo nhấn mạnh việc phục hồi mối quan hệ rạn nứt với các đồng minh và đối tác thương mại cũng sẽ là một phần trong chiến lược ứng phó với Trung Quốc của Tổng thống Biden nhằm giải quyết tình trạng "méo mó" của thị trường toàn cầu do tình trạng dư thừa công nghiệp tạo ra.
Ngoài ra, báo cáo cũng nhấn mạnh những thiệt hại do các hành vi thương mại không công bằng và mang tính cưỡng ép của Trung Quốc gây ra, đồng thời khẳng định những hành vi này "gây phương hại đến lợi ích quốc gia của Mỹ".
Trước đó, cùng ngày, trong văn bản trả lời câu hỏi của các nghị sĩ, bà Tai – người đứng đầu USTR khẳng định sẽ nỗ lực đấu tranh với hàng loạt hành động thương mại và kinh tế “bất công” của Trung Quốc. Bà nhấn mạnh sẽ cố gắng sử dụng tiến trình tham vấn thực thi trong thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 mà Washington và Bắc Kinh đã đạt được dưới thời của cựu Tổng thống Donald Trump để đảm bảo sự bảo vệ đối với quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.
Hồi đầu tháng 2 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì đã kêu gọi chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden tập trung vào hợp tác và kiểm soát các bất đồng nhằm đưa quan hệ song phương phát triển theo hướng lành mạnh và ổn định. Ông Dương Khiết Trì ước tính các doanh nghiệp Mỹ có thể được hưởng lợi từ xuất khẩu số hàng hóa trị giá 22.000 tỷ USD sang Trung Quốc trong thập kỷ tới. Ông cũng hy vọng chính quyền mới của Mỹ đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước và đi theo xu thế lịch sử.
5. Đại dịch Covid-19 khoét sâu tình trạng bất bình đẳng giới
Theo báo cáo thường niên về bình đẳng giới của Liên minh châu Âu (EU) công bố ngày 5-3, đại dịch Covid-19 đang khoét sâu tình trạng bất bình đẳng giới khi phụ nữ ở các nước thành viên chiếm một lượng đông đảo trong đội ngũ nhân viên y tế và các việc làm khác trên tuyến đầu phòng, chống dịch.
Đại dịch Covid-19 khiến nạn thất nghiệp còn tiếp tục kéo dài. Ảnh minh họa/Nguồn: Reuters |
Báo cáo của EU nêu rõ: "Đại dịch Covid-19 đã tác động một cách bất công đến đời sống của người phụ nữ. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy những thành tựu khó khăn lắm mới giành được trong những năm qua (về bình đẳng giới) đã bị đảo ngược... những tiến bộ về quyền của nữ giới nhọc nhằn lắm mới đạt được nhưng lại dễ dàng mất đi".
Báo cáo cho biết những rủi ro đối với sức khỏe của phụ nữ đã gia tăng khi họ phải đối mặt với một "núi" công việc đồ sộ cũng như thách thức làm sao cân bằng giữa công việc và gia đình. Phụ nữ cũng đảm nhiệm công việc chăm sóc gia đình nhiều hơn trong thời gian các lệnh phong tỏa được áp đặt. Họ trở thành nạn nhân của vấn nạn bạo lực gia đình gia tăng ở Pháp, Litva, Ireland và Tây Ban Nha trong thời gian lệnh phong tỏa đầu tiên được áp đặt tại châu Âu vào mùa Xuân 2020.
Bên cạnh đó, phụ nữ cũng là người thường làm những công việc đòi hỏi sự tiếp xúc cá nhân nhiều hơn so với nam giới. Do vậy, họ chịu tác động lớn nhất của các biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Báo cáo cảnh báo rằng xu hướng này có thể khiến lương hưu của phụ nữ thấp hơn so với nam giới, làm gia tăng khoảng cách giới về lương hưu và các bất công khác trong những thập kỷ tới.
(Theo qdnd.vn)