.

Thế giới tuần qua: Nỗ lực hành động chung

Cập nhật: 18:16, 13/03/2021 (GMT+7)

Mỹ bắt đầu quá trình thông qua các dự luật về súng đạn, các quốc gia nhóm họp tuyên bố nhiều cam kết lớn, NATO và Iraq thúc đẩy hợp tác chung... là các tin tức quốc tế được quan tâm trong tuần qua.

1. Hạ viện Mỹ thông qua hai dự luật kiểm soát súng đạn

Ngày 12-3, Hạ viện Mỹ đã thông qua hai dự luật kiểm soát súng đạn khi đảng Dân chủ cho rằng cơ hội ban hành luật mới đã được cải thiện.

Dự luật đầu tiên được thông qua sẽ khắc phục những kẽ hở của luật súng đạn đã tồn tại lâu nay. Dự luật quy định mở rộng kiểm tra lý lịch của người mua vũ khí qua mạng, tại các buổi triển lãm súng và một số trường hợp giao dịch cá nhân cụ thể.

Người biểu tình yêu cầu Quốc hội Mỹ phải cải cách luật về súng đạn. Ảnh: Reuters
Người biểu tình yêu cầu Quốc hội Mỹ phải cải cách luật về súng đạn. Ảnh: Reuters

Dự luật thứ hai quy định các nhà chức trách sẽ có 10 ngày làm việc để kiểm tra lý lịch liên bang của khách hàng trước khi cấp phép mua súng. Hiện tại, súng vẫn được bán nếu chính phủ không thể hoàn thành việc kiểm tra lý lịch phức tạp của các khách hàng trong ba ngày.

Tổng thống Joe Biden ủng hộ việc mở rộng các biện pháp kiểm soát súng đạn. Tuy nhiên, các dự luật này có thể phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn hơn tại Thượng viện, nơi các thành viên Đảng Dân chủ của Tổng thống Biden giữ ít ghế hơn ở Hạ viện.

Các dự luật được đề ra sau những vụ xả súng chết người hàng loạt suốt thập kỷ qua ở Mỹ. Kiểm soát súng đạn là một vấn đề gây chia rẽ ở Mỹ, khi Hiến pháp nước này quy định về quyền sử dụng súng của công dân. Phần lớn thành viên đảng Cộng hòa phản đối mạnh mẽ việc hạn chế súng đạn, trong khi phần lớn thành viên đảng Dân chủ cho rằng cần có luật mới để kiềm chế bạo lực súng đạn.

2. “Bộ tứ kim cương” tuyên bố nhiều cam kết lớn

Cuộc họp thượng đỉnh của lãnh đạo “Bộ tứ kim cương” (QUAD) gồm các nước Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ diễn ra dưới hình thức trực tuyến vào tối 12-3.

Lãnh đạo các nước Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ nhóm họp. Ảnh: Getty Images
Lãnh đạo các nước Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ nhóm họp. Ảnh: Getty Images

Tại đây, các nhà lãnh đạo đều có phát biểu của mình, trong đó nêu bật các vấn đề quan tâm chung, đặc biệt là đầu tư sản xuất vaccine Covid-19, duy trì hoà bình ổn định khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chống lại các thách thức khu vực...

Dù vậy, phép thử thực sự đối với “Bộ tứ kim cương” là làm thế nào để thực sự duy trì quy tắc pháp luật và ổn định châu Á. Có 4 lĩnh vực mà Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ có thể hợp tác nhằm thúc đẩy lợi ích chung đồng thời củng cố hòa bình và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là an ninh hàng hải, an ninh chuỗi cung cấp hàng hóa, hợp tác về công nghệ và liên kết ngoại giao.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2007, lãnh đạo 4 nước gặp. Sau đó, các cuộc họp của QUAD đều diễn ra ở cấp thấp hơn, một phần vì lo ngại các phản ứng từ phía Trung Quốc. Dự kiến cuộc gặp trực tiếp của 4 nhà lãnh đạo sẽ diễn ra vào cuối năm 2021.

3. “Bộ tứ Munich” thúc đẩy chấm dứt xung đột Trung Đông

Nhóm “Bộ tứ Munich” gồm Ai Cập, Pháp, Đức và Jordan ngày 11-3 đã kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực khởi động lại tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông.

Xung đột giữa binh sĩ Israel với người biểu tình Palestine tại khu vực biên giới giữa Dải Gaza với Israel. Ảnh: EPA
Xung đột giữa binh sĩ Israel với người biểu tình Palestine tại khu vực biên giới giữa Dải Gaza với Israel. Ảnh: EPA

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp các ngoại trưởng 4 nước trên tại Paris (Pháp), Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry bày tỏ hy vọng cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, sẽ cùng nhau hỗ trợ các nỗ lực giải quyết và chấm dứt xung đột Israel-Palestine để khu vực Trung Đông có thể duy trì ổn định, hòa bình và an ninh.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Ai Cập khẳng định nhóm “Bộ tứ Munich” đang chờ đợi tiến trình bầu cử ở cả Palestine và Israel để khởi động lại lộ trình đàm phán hòa bình Trung Đông. Trên cơ sở đó, nhóm “Bộ tứ Munich” sẽ tiếp tục nỗ lực để hướng tới mục tiêu thành lập một nhà nước Palestine dựa trên giải pháp hai nhà nước và các nghị quyết hợp pháp quốc tế.

Nhóm “Bộ tứ Munich” đã tiến hành cuộc họp như một phần trong những nỗ lực tiếp diễn nhằm giúp hồi sinh tiến trình hòa bình Israel-Palestine vốn đã bị đóng băng trong thời gian qua.

4. Mỹ và Anh hợp tác chống biến đổi khí hậu

Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề khí hậu John Kerry ngày 8-3 đã có cuộc họp với Thủ tướng và các bộ trưởng của Anh cùng Chủ tịch Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) Alok Sharma.

Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn

Các bên đã ra tuyên bố chung khẳng định quyết tâm hợp tác nhằm giảm xả thải và tập hợp tất cả các nước, đặc biệt là các nền kinh tế lớn của thế giới, để đạt được mục tiêu về khí hậu. Tuyên bố nhấn mạnh, hội nghị về khí hậu do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì và hội nghị lãnh đạo G7 do Anh tổ chức là các cơ hội quan trọng để tạo đà cho COP26 ở Glasgow, Scotland vào cuối năm nay.

Tuyên bố nhấn mạnh, Mỹ và Anh cam kết đạt được mục tiêu xả thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Mỹ và Anh kêu gọi tất cả các nước có các bước cần thiết nhằm duy trì giới hạn nhiệt độ ở mức 1,5 độ C bao gồm các chiến lược dài hạn nhằm cắt giảm khí thải và đưa lượng khí thải xuống bằng 0.

Chính quyền Washington và London khẳng định quyết tâm hợp tác với các nước khác nhằm giúp các quốc gia dễ bị tổn thương nhất thích ứng và ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời gia tăng tài chính và đầu tư tư nhân cho công tác giảm nhẹ và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Hai nước cũng mong muốn hợp tác với tất cả các nước nhằm hoàn tất các quy định của Hiệp định Paris chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy các vấn đề đàm phán rộng hơn.

5. NATO và Iraq tổ chức đối thoại thúc đẩy hợp tác

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Iraq ngày 12-3 đã tổ chức cuộc đối thoại chính trị - quân sự nhằm tăng cường sự hợp tác, dưới sự đồng chủ trì của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Ngoại trưởng Iraq Fuad Hussein.

Binh sĩ NATO tại Iraq chủ yếu hỗ trợ đào tạo lực lượng an ninh địa phương. Ảnh: Toronto Star
Binh sĩ NATO tại Iraq chủ yếu hỗ trợ đào tạo lực lượng an ninh địa phương. Ảnh: Toronto Star

Cuộc đối thoại này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, bao gồm sự liên lạc thường xuyên của Tổng thư ký NATO với Thủ tướng Iraq Al-Kadhimi và Ngoại trưởng Hussein.

Việc NATO hiện diện tại quốc gia Trung Đông này là theo yêu cầu của Chính phủ Iraq, nhằm củng cố các thể chế và lực lượng an ninh của nước này để có thể tự ổn định đất nước, chống khủng bố và ngăn chặn sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Thời gian tới, NATO sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động tư vấn, đào tạo và nâng cao năng lực với sự tôn trọng đầy đủ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq, dựa trên sự đồng ý hoàn toàn của Chính phủ Iraq và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế khác như Liên minh toàn cầu chống IS, Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.