.

Thế giới tuần qua: Hợp tác đa phương

Cập nhật: 20:00, 24/04/2021 (GMT+7)

Các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới đưa ra cam kết chống biến đổi khí hậu (BĐKH); Nga và phương Tây trong vòng xoáy “khủng hoảng ngoại giao”; Tàu ngầm Indonesia mất tích... là những tin tức quốc tế đáng chú ý trong tuần.

1. Lãnh đạo các nền kinh tế lớn cam kết cắt giảm lượng khí thải

Mỹ và các quốc gia khác đã tăng mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì, diễn ra từ ngày 22 đến 23-4 theo hình thức trực tuyến.

Phát biểu trực tuyến từ Nhà Trắng, Tổng thống Biden khẳng định, đây là thập kỷ để các quốc gia đưa ra những quyết định nhằm tránh những hậu quả tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu. Tổng thống Mỹ đã công bố mục tiêu cắt giảm khoảng 50% - 52% lượng khí thải so với mức của năm 2005, tức tăng gần gấp đôi so với cam kết cắt giảm 26% - 28% lượng khí thải của cựu Tổng thống Barack Obama.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ

Có thể nói, Mỹ đang nỗ lực khôi phục vị trí lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu, sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút xứ cờ hoa khỏi Paris về BĐKH tháng 11-2020. Trước đó, ông Biden cũng công bố kế hoạch chi tiêu khổng lồ trị giá hơn 2.000 tỷ USD nhằm hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng và ứng phó BĐKH.

Về phần mình, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Canada, Brazil, Liên minh châu Âu... đã đưa ra mức cam kết giảm phát thải mạnh mẽ vào năm 2030, tuyên bố đạt phát thải bằng 0 vào năm 2050 hoặc trước 2060. Nhiều nước kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy tăng trưởng xanh, đầu tư nhiều hơn cho các dự án năng lượng tái tạo.

Hội nghị trên là cuộc họp đầu tiên giữa lãnh đạo các quốc gia thuộc Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Nhóm các quốc gia phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trước các cuộc đàm phán thường niên về khí hậu của Liên hợp quốc tại Anh vào tháng 11 năm nay - cũng là thời hạn cuối cùng để gần 200 quốc gia cập nhật các cam kết về khí hậu theo Hiệp định Paris.

2. Nhiều kỳ vọng tại Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN, Jakarta, Indonesia trong hai ngày 23 và 24-4.

Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trên cương vị mới, khẳng định ưu tiên của Việt Nam là tăng cường đoàn kết và hợp tác với các nước thành viên ASEAN, góp phần nâng cao vị thế, vai trò trung tâm của Hiệp hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Indonesia, bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Indonesia, bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN. Ảnh: VGP

Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN diễn ra trong bối cảnh từ đầu năm 2021, tình hình chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường do ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19, cho dù việc triển khai vaccine đang mở ra triển vọng mới. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vẫn diễn ra quyết liệt trong khi các thách thức an ninh phi truyền thống vẫn nổi lên gay gắt. Bất ổn bùng phát tại nhiều nơi, trong đó nổi lên tình hình chính biến tại Myanmar.

Sau các nỗ lực trao đổi, tham vấn, ASEAN nhất trí tổ chức Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN để thảo luận về tiến trình xây dựng Cộng đồng, ứng phó dịch Covid-19 và quan hệ đối ngoại của ASEAN và các vấn đề khu vực, trong đó có tình hình Myanmar…

Năm 2020, với sự dẫn dắt của Việt Nam và sự chung tay, góp sức của các nước thành viên và bạn bè khu vực và quốc tế, ASEAN từng bước vượt qua khó khăn, thực hiện thành công mục tiêu “kép” vừa chống dịch, vừa thúc đẩy phục hồi; giữ đà xây dựng Cộng đồng, củng cố đoàn kết nội khối, qua đó khẳng định mạnh mẽ vai trò trung tâm ở khu vực cũng như nâng cao vị thế và uy tín trên trường quốc tế.

3. Khủng hoảng ngoại giao giữa Nga và các nước châu Âu

Trong tuần qua, “màn đấu” ngoại giao Nga - Cộng hòa Czech - Ukraine đã diễn ra theo chiều hướng “ăn miếng trả miếng” với việc các bên trục xuất các nhà ngoại giao của nhau.

Các đồng minh trong khối Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như Ba Lan, Anh, Mỹ, Slovenia đã lên tiếng “hoàn toàn ủng hộ” hành động và cáo buộc của Cộng hòa Czech đối với Nga. Thậm chí, 3 quốc gia vùng Baltic gồm Litva, Latvia và Estonia cũng tuyên bố trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga nhằm thể hiện sự đoàn kết với Cộng hòa Czech.

Ảnh minh họa. Nguồn: Alamy
Ảnh minh họa. Nguồn: Alamy

Khi căng thẳng leo thang ở miền Đông, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã tìm đến các thủ đô châu Âu để tham vấn và đề nghị giúp đỡ đối phó với nước Nga. EU đã lên tiếng ủng hộ Ukraine, kêu gọi Nga ngừng “bắt nạt” Ukraine. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thậm chí còn kêu gọi cộng đồng quốc tế vạch “những lằn ranh đỏ” với nước Nga và yêu cầu nước Nga không được vượt qua, nếu vượt qua sẽ áp lệnh trừng phạt.

Vụ việc trục xuất các nhà ngoại giao giữa Nga với Ukraine và Cộng hòa Czech xảy ra trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao Nga - Mỹ đang tiếp diễn với việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đang muốn thể hiện thái độ cứng rắn với Nga, đồng thời giống như những can xăng được chế thêm vào mồi lửa căng thẳng theo kiểu “Chiến tranh Lạnh” giữa Nga với phương Tây.

Trong Thông điệp liên bang ngày 21-4, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh Điện Kremlin muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các quốc gia, kể cả những quốc gia đã rạn nứt quan hệ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, ông Putin cho rằng một số quốc gia đã có thói quen nhằm vào Nga mà không có lý do, đồng thời cảnh báo các nhà lãnh đạo nước ngoài chớ “vượt lằn ranh đỏ” trong quan hệ với Moscow, và nhấn mạnh rằng Nga sẽ là người vạch ra lằn ranh.

4. Chạy đua với thời gian tìm kiếm tàu ngầm Indonesia

Indonesia đang nỗ lực tìm kiếm tàu ngầm Nanggala 402 mất tích từ sáng sớm 21-4 cùng 53 thành viên thủy thủ đoàn, khi lượng dưỡng khí ước tính đã hết vào 3 giờ sáng nay 24-4. Công cuộc tìm kiếm này đã nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.

Tàu ngầm Nanggala 402 trước khi mất tích ngày 21-4. Ảnh: Kompas Regional
Tàu ngầm Nanggala 402 trước khi mất tích ngày 21-4. Ảnh: Kompas Regional

Giới chức Indonesia lo ngại con tàu có thể đã chìm sâu khiến các thiết bị cứu hộ khó có thể tiếp cận. Trong một tuyên bố, Tổng thống Joko Widodo kêu gọi người dân Indonesia cầu nguyện thủy thủ đoàn có thể trở về an toàn, đồng thời ra lệnh dốc toàn lực để xác định vị trí tàu ngầm gặp nạn.

Hơn 20 tàu hải quân, hai tàu ngầm, năm máy bay được huy động tham gia chiến dịch tìm kiếm. Các tàu cứu hộ của Singapore và Malaysia cũng đã tới hiện trường để hỗ trợ. Ngoài ra, các nước Australia, Mỹ, Đức, Pháp, Nga, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc đang đề nghị giúp đỡ Indonesia.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân vụ mất tích. Giới chức Indonesia cho biết sự cố điện có thể đã khiến tàu ngầm không thể thực hiện quy trình khẩn cấp để nổi trở lại.

5. Căng thẳng gia tăng giữa Israel và Palestine

Hơn 100 người đã bị thương sau các vụ va chạm giữa người biểu tình Palestine và lực lượng cảnh sát Israel xảy ra trong đêm 22-4 và rạng sáng 23-4 tại thành phố Jerusalem do Israel kiểm soát.

Theo nguồn tin từ Hội Chữ thập Đỏ Palestine, hơn 100 người Palestine đã bị thương trong các vụ đụng độ này, trong đó khoảng 20 người đã phải nhập viện. Phía Israel thông báo 20 cảnh sát nước này đã bị thương. Lực lượng cảnh sát Israel cho biết đã bắt giữ gần 50 người biểu tình.

Một vụ đụng độ giữa người biểu tình Palestine và cảnh sát Israel tại Jerusalem. Ảnh: Reuters
Một vụ đụng độ giữa người biểu tình Palestine và cảnh sát Israel tại Jerusalem. Ảnh: Reuters

Nguyên nhân của sự việc được cho là xuất phát từ việc người biểu tình Palestine cố tiến vào khu vực quảng trường Zion ở trung tâm thành phố Jerusalem nhưng gặp phải sự ngăn cản từ phía cảnh sát Israel. Trong tuần qua cũng diễn ra nhiều cuộc đụng độ giữa người Palestine và cảnh sát Israel sau khi Israel dựng hàng rào ngăn người dân ngồi trong quảng trường Zion, một khu vực công cộng trong tháng ăn chay Ramadan.

Các cuộc đụng độ giữa người Palestine và Israel diễn ra trong bối cảnh Palestine đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử lập pháp đầu tiên trong 15 năm qua (dự kiến vào cuối tháng 5 tới) và làm gia tăng các lo ngại từ cộng đồng quốc tế.

Trước đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nhấn mạnh cuộc bầu cử sẽ khó có thể diễn ra nếu 6.300 người Palestine đang sinh sống tại Đông Jerusalem không được tham gia bầu cử. Hồi đầu tuần này, Ủy ban bầu cử Palestine đã đưa ra phương án dự phòng, cho phép đa số người dân Palestine tại Đông Jerusalem có thể đi đến các điểm bỏ phiếu đặt ở ngoại ô Jerusalem và nằm hướng về phía Bờ Tây đang do Palestine kiểm soát.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.