Ảnh hưởng của Việt Nam trong các chương trình nghị sự của ASEAN
Với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2021, Brunei đang tiếp tục thực hiện các chính sách của Việt Nam khi lựa chọn chủ đề “Cùng quan tâm, cùng chuẩn bị, cùng thịnh vượng” cho năm 2021 của ASEAN.
Ảnh minh họa. Nguồn: Shutter |
Trang Times of India của Ấn Độ ngày 15-5 đăng bài nhận định Việt Nam - nước giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2020, đã đề ra chương trình nghị sự cho các chủ tịch tương lai của ASEAN - không chỉ cho năm 2021 mà còn cho nhiều năm tiếp theo.
Bài viết trước hết đề cập đến chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” mà Việt Nam lựa chọn cho năm 2020 ở cương vị Chủ tịch của khối.
Theo bài viết, chủ đề này đã được lựa chọn một cách khéo léo, tượng trưng cho sự thống nhất và đoàn kết của ASEAN và chủ động thích ứng với những thách thức ngày càng tăng.
Trong khi đó với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2021, Brunei đang tiếp tục thực hiện các chính sách của Việt Nam khi lựa chọn chủ đề “Cùng quan tâm, cùng chuẩn bị, cùng thịnh vượng” cho năm 2021 của ASEAN.
Bài viết cho rằng trong nhiệm kỳ của mình, Việt Nam đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tập trung vào các yêu cầu không chỉ về vốn mà còn cả nguyên liệu.
Do đó, vào tháng 2, ASEAN đã thảo luận kế hoạch khai thác tài nguyên khoáng sản và xây dựng Kế hoạch hành động hợp tác khoáng sản ASEAN có thời hạn.
Việt Nam tiếp tục đề cập đến trọng tâm phát triển kinh tế trong Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN vào tháng 4. Trong khi đó, Brunei nhấn mạnh việc thực hiện kịp thời các Nhóm kinh tế ưu tiên (PED) theo trụ cột Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Theo bài viết các cuộc họp ASEAN năm 2021 tiếp tục các ưu tiên của Việt Nam về đoàn kết và phát triển cộng đồng.
Trong cuộc họp tháng 3, các kế hoạch phát triển Cộng đồng ASEAN vào năm 2025 và ASEAN sau năm 2025 đã được đề xuất. Brunei - Chủ tịch ASEAN 2025 nhấn mạnh tới chủ đề “Cùng quan tâm, cùng chuẩn bị, cùng thịnh vượng,” đồng thời lưu ý sự cần thiết phải duy trì tính thống nhất, trung tâm và phù hợp của ASEAN trong khu vực và giải quyết các thách thức chung.
Các vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng, phát sinh từ đại dịch COVID-19 là trọng tâm hàng đầu của Việt Nam năm 2020. Ở cấp độ ASEAN, dưới sự chủ trì của Việt Nam, tất cả các kênh liên lạc giữa các nước ASEAN đã được kích hoạt để chia sẻ khó khăn và thực hiện các bước đi thích hợp.
Vào tháng 4, Brunei đã tổ chức Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN nhằm thúc đẩy việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, đẩy nhanh quá trình phục hồi sau COVID-19, tăng cường quan hệ đối ngoại của ASEAN và giải quyết các vấn đề cấp bách mà các nước ASEAN cùng quan tâm.
ASEAN cũng nỗ lực đảm bảo sự hỗ trợ từ Mỹ đối với các nước thành viên để đối phó với đại dịch. Brunei nhấn mạnh cam kết thực hiện kế hoạch trong Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN. Tương tự, năm nay, nước Chủ tịch Brunei tái khẳng định nhu cầu hợp tác đa phương, tuân thủ luật pháp quốc tế, hướng tới hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Khi đảm đương chức Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam rất chú trọng đến các chính sách về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và có ý thức nhấn mạnh Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) khi tương tác với các quốc gia khác. AOIP đã được đề cập trong tuyên bố chung của “Bộ tứ” nhằm đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN và sự tương đồng của ASEAN với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và hòa nhập.
Năm 2021, Brunei nhấn mạnh sự cần thiết của việc thu hút các đối tác bên ngoài ASEAN thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt nhằm xây dựng lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, cũng như củng cố một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ với ASEAN là trung tâm.
(Theo https://www.vietnamplus.vn/anh-huong-cua-viet-nam-trong-cac-chuong-trinh-nghi-su-cua-asean/713290.vnp)