.

Thế giới tuần qua: Căng thẳng leo thang

Cập nhật: 13:42, 15/05/2021 (GMT+7)

Tuần qua, những căng thẳng, đối đầu giữa một số quốc gia có nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát như xung đột giữa Israel và phong trào Hamas; đối đầu giữa Mỹ và Iran tại Eo biển Hormuz; căng thẳng Anh-Pháp về chủ quyền đánh bắt cá; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Armenia và Azerbaijan…

1. Xung đột bạo lực giữa Israel và lực lượng Hamas có nguy cơ vượt ra ngoài tầm kiểm soát

Xung đột giữa Israel và Phong trào Hamas kiểm soát Dải Gaza đã bước sang ngày thứ 5 nhưng vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Rạng sáng 14-5, Israel đã nã pháo và tăng cường không kích nhằm vào một hệ thống đường hầm của Phong trào Hamas, làm một bà mẹ cùng 3 người con thiệt mạng. Đáp trả lại chiến dịch của Israel, các tay súng ở Dải Gaza tiếp tục phóng rocket vào miền Nam Israel, khiến một người thiệt mạng.

Quan chức y tế Palestine cho biết đến nay có ít nhất 119 người ở Gaza thiệt mạng (trong đó có 31 trẻ em và 19 phụ nữ) và 830 người khác bị thương. Trong khi đó, giới chức Israel cho biết số người thiệt mạng đến nay của nước này là 8 người, gồm 1 binh sĩ Israel, 6 thường dân và 1 người lao động Ấn Độ.

Người biểu tình Palestine xung đột với cảnh sát Israel tại khu đền thờ Al-Aqsa ở Jerusalem ngày 10-5-2021. Ảnh: TTXVN
Người biểu tình Palestine xung đột với cảnh sát Israel tại khu đền thờ Al-Aqsa ở Jerusalem ngày 10-5-2021. Ảnh: TTXVN

Cuộc xung đột bùng phát từ ngày 10-5 sau khi Phong trào Hamas phóng rocket vào Jerusalem và Tel Aviv để trả đũa cho cuộc đụng độ giữa cảnh sát Israel và người biểu tình Palestine ở gần đền thờ al-Aqsa ở Jerusalem. Từ đó đến nay, lực lượng Hamas đã bắn hơn 1.800 quả rocket về phía lãnh thổ Israel, bao gồm cả Tel Aviv. Quân đội Israel cũng đáp trả bằng hàng trăm cuộc không kích, tuyên bố tiêu diệt hàng chục thành viên cấp cao của Hamas. Đây là cuộc đụng độ ác liệt nhất giữa Israel và Hamas kể từ cuộc chiến năm 2014, làm dấy lên lo ngại tình hình có nguy cơ vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Căng thẳng giữa Israel và lực lượng vũ trang tại Dải Gaza đã đe dọa làm bùng nổ một cuộc chiến tranh toàn diện, trong bối cảnh Chính phủ Israel được thông tin đang chuẩn bị kế hoạch có thể tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn trên bộ tại Dải Gaza, tương tự năm 2014.

2. Pháp - Anh căng thẳng về quyền đánh bắt cá

Ngày 9-5, người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal tuyên bố Paris có thể "đáp trả" nếu London không thực hiện các thỏa thuận hậu Brexit về quyền đánh bắt cá.

Căng thẳng ngoài khơi đảo Jersey ở Eo biển Manche, nơi có khoảng 60 tàu đánh cá Pháp phản đối hạn ngạch đánh cá, bùng phát ngày 5-5 sau khi Pháp báo rằng sẽ cắt nguồn cung cấp điện cho Jersey, nơi thuộc về Anh, nhưng về mặt địa lý gần với bờ biển Pháp hơn. London phản ứng bằng cách triển khai các tàu tuần tra tới các khu vực, khiến Paris cũng có động thái tương tự.

Tàu đánh cá của Pháp biểu tình bên ngoài cảng Saint Helier hôm 6-5. Ảnh: AFP
Tàu đánh cá của Pháp biểu tình bên ngoài cảng Saint Helier hôm 6-5. Ảnh: AFP

Quyền đánh bắt cá là một trong những trở ngại trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Mặc dù đã ký một thỏa thuận thương mại vào tháng 12-2020, song Pháp vẫn cáo buộc Anh ngăn cản các tàu đánh cá của Pháp hoạt động trong vùng biển của Anh. Bộ Ngoại giao Pháp cũng đã công bố kế hoạch bảo vệ nghề cá của mình trong vùng biển này.

Trước sự kiện Brexit, các tàu đánh cá của Pháp vẫn được đánh bắt tại vùng biển giàu hải sản này. Tuy nhiên, sau khi Anh chính thức rời EU, chính quyền địa phương ở Jersey cũng công bố những quy định  mới về cấp phép đánh bắt cá trong khu vực và vấp phải sự phản đối của ngư dân Pháp, cho rằng quy trình mới với nhiều thủ tục sẽ cản trở họ tiếp cận vùng biển này. Cuối tháng 4, hàng trăm ngư dân Pháp cũng đã chặn các xe tải chở cá tới các khu chế biến tại cảng Boulogne-sur-Mer để phản đối. Ngày 3-5, Chính phủ Pháp ra tuyên bố chỉ trích việc Anh ban hành quy định mới về cấp phép hoạt động đánh bắt cá mà không thông báo tới Ủy ban châu Âu (EC) như quy định trong thỏa thuận Brexit nên các thay đổi trên không có hiệu lực.    

3. Đối đầu giữa Mỹ và Iran ở Eo biển Hormuz

Ngày 10-5, Lầu Năm Góc xác nhận một tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đã bắn cảnh cáo sau khi có 13 tàu của Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) áp sát tàu này và 6 tàu hải quân khác của Mỹ tại Eo biển Hormuz. Trao đổi với báo giới, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết 13 tàu của IRGC đã tiếp cận 7 tàu của Mỹ với tốc độ cao ở khoảng cách 140m. Một trong 7 tàu trên của Mỹ đã bắn 30 phát đạn cảnh cáo. Sau đó, các tàu của Iran đã rời đi.

Eo biển Hormuz có vị trí địa chiến lược quan trọng ở vùng Vịnh. Ảnh: qdnd.vn
Eo biển Hormuz có vị trí địa chiến lược quan trọng ở vùng Vịnh. Ảnh: qdnd.vn

Đây là lần thứ hai trong vòng 1 tháng qua tàu quân sự của Mỹ bắn cảnh báo khi nhận thấy hành vi được cho là "không an toàn" của tàu Iran trong khu vực. Hồi tháng 4, một tàu quân sự Mỹ đã nổ súng cảnh cáo sau khi 3 tàu của IRGC áp sát tàu này và một tàu tuần tra khác của Mỹ trên vùng biển quốc tế ở phía Bắc Vùng Vịnh. Người phát ngôn Kirby từng tuyên bố Mỹ cố gắng tránh có sai sót khi giải quyết vấn đề việc các tàu hải quân  IRGC tiếp cận ở cự ly gần trên biển.

Eo biển Hormuz có vị trí chiến lược quan trọng đối với nền kinh tế và chính trị thế giới. Gần 90% kim ngạch xuất khẩu dầu của Vịnh Ba Tư và các tàu biển chở dầu phải đi qua eo biển này để cung cấp 40% nhu cầu dầu mỏ thế giới.

4. Căng thẳng tái diễn giữa Armenia và Azerbaijan

Ngày 13-5, quyền Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cáo buộc quân đội Azerbaijan vượt biên xâm nhập vào lãnh thổ phía Nam của nước này. Phía Azerbaijan đã bác bỏ thông tin này.

Theo ông Pashinyan, quân đội Azerbaijan đã tiến sâu hơn 3km vào khu vực phía Nam Armenia và có kế hoạch "bao vây" Hồ Sev Lich. Ông Pashinyan nêu rõ quân đội Armenia đã có phản ứng phù hợp với động thái trên, đồng thời nhấn mạnh căng thẳng mới này cần phải giải quyết thông qua đối thoại.

Khói bốc lên sau một vụ pháo kích trong xung đột giữa lực lượng Armenia và Azerbaijan tại Stepanakert, thủ phủ khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, ngày 4-10-2020. Ảnh: TTXVN
Khói bốc lên sau một vụ pháo kích trong xung đột giữa lực lượng Armenia và Azerbaijan tại Stepanakert, thủ phủ khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, ngày 4-10-2020. Ảnh: TTXVN

Bộ Ngoại giao Azerbaijan ngay lập tức đã ra tuyên bố bác bỏ cáo buộc của Armenia mà họ gọi là “mang tính kích động”. Tuyên bố nhấn mạnh lực lượng biên phòng Azerbaijan chỉ triển khai quân trong khu vực thuộc chủ quyền của Azerbaijan tại hai huyện Lachin và Kalbajar. Bộ Ngoại giao Azerbaijan cũng khẳng định cam kết hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực và hối thúc có các bước đi nhằm thực hiện mục tiêu này.

Giữa Amernia và Azerbaijan tồn tại căng thẳng kéo dài liên quan đến tranh chấp chủ quyền đối với Nagorny-Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Xung đột lên đến đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2-1988 đến tháng 5-1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Căng thẳng tái bùng phát tại khu vực này từ ngày 27-9-2020 đã khiến con số thương vong ước tính lên tới hàng nghìn người.

Ngày 9-11-2020, các nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan đã ký tuyên bố ngừng bắn do Nga làm trung gian, nhằm chấm dứt cuộc xung đột vũ trang đẫm máu kéo dài 1 tháng rưỡi tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh.

5. Các thành phố ở châu Á nằm trong danh sách chịu rủi ro môi trường cao nhất

Trong số 100 thành phố trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do các hiểm họa về môi trường, có tới 99 thành phố thuộc châu Á, trong đó 80% trong số này nằm ở Ấn Độ hoặc Trung Quốc. Đây là kết luận được đưa ra trong một báo cáo do công ty tư vấn chiến lược và rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft (Anh) công bố ngày 12-5.

Báo cáo đề cập đến các vấn đề môi trường như ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước sạch, các đợt nóng gây chết người, thiên tai và biến đổi khí hậu. Nguồn: ideas4development.org
Báo cáo đề cập đến các vấn đề môi trường như ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước sạch, các đợt nóng gây chết người, thiên tai và biến đổi khí hậu. Nguồn: ideas4development.org

Theo báo cáo, hơn 400 thành phố lớn với tổng dân số khoảng 1,5 tỷ người đang đối mặt với nguy cơ "cao" hoặc "rất nghiêm trọng" do các vấn đề môi trường như ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước sạch, các đợt nóng gây chết người, thiên tai và biến đổi khí hậu. Thủ đô Jakarta của Indonesia đứng đầu danh sách trong bối cảnh đô thị này phải đối mặt với ô nhiễm, lũ lụt, các đợt nóng và những điều tồi tệ hơn có thể sắp xảy ra. Ấn Độ cũng được coi là quốc gia phải đối mặt với nhiều khó khăn nhất trong thời gian tới do có tới 13 trong tốp các thành phố bị đe dọa nghiêm trọng nhất trên thế giới. Vấn đề tương tự cũng xảy ra với Trung Quốc khi quốc gia này có tới 35 trong số 50 thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do ô nhiễm nguồn nước.

Liên quan đến hiện tượng nóng lên toàn cầu và những tác động của nó, "trọng tâm" lại dịch chuyển mạnh sang châu Phi, vùng phía Nam sa mạc Sahara. Khu vực này có tới 40 trong số 45 thành phố trên thế giới dễ bị tổn thương về khí hậu nhất. Dù là châu lục "đóng góp" ít nhất vào quá trình nóng lên của Trái Đất, "lục địa Đen" lại là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, không chỉ vì phải hứng chịu những đợt hạn hán, các đợt nóng, các trận bão và lũ lụt nghiêm trọng hơn, mà còn do thiếu sự trang bị trong việc ứng phó với những mối đe dọa này.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.