Thế giới tuần qua: Nhấn mạnh vai trò của hợp tác và các giải pháp đa phương
Các nước APEC nhất trí tăng cường năng lực sản xuất và cung ứng vaccine ngừa Covid-19, trong khi chương trình COVAX sẽ có thêm nguồn cung vaccine mới từ Trung Quốc và nhóm các nước G7. Những nỗ lực hợp tác và giải pháp đa phương đang được thúc đẩy trong bối cảnh số ca mắc trên toàn thế giới đã tiến sát mốc 190 triệu người.
1. Các nhà lãnh đạo APEC nhất trí tăng cường năng lực sản xuất và cung ứng vaccine ngừa Covid-19
Tối 16-7, lãnh đạo các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã tiến hành cuộc họp không chính thức theo hình thức trực tuyến, ra tuyên bố chung cam kết tăng cường năng lực sản xuất và cung ứng vaccine ngừa Covid-19.
Tuyên bố chung nhấn mạnh việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 mang lại lợi ích cộng đồng toàn cầu và tăng cường khả năng tiếp cận vaccine cho tất cả các nước là điều cần thiết để thế giới có thể vượt qua tình trạng y tế khẩn cấp hiện nay.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự cuộc họp không chính thức các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Bộ Ngoại giao |
Các nhà lãnh đạo đã nhất trí 4 định hướng hành động của APEC trong thời gian tới, gồm:
Ủng hộ chia sẻ vaccine giữa các nền kinh tế; kêu gọi chuyển giao công nghệ, củng cố hệ thống y tế tự cường nhằm ứng phó với khủng hoảng hiện nay và trong tương lai.
Tăng cường triển khai các chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách hỗ trợ phụ nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), ứng phó biến đổi khí hậu... nhằm tạo việc làm, nâng cao năng suất, đổi mới sáng tạo, góp phần tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi kinh tế.
Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và thu hẹp khoảng cách số, trong đó có các giải pháp tăng cường kỹ năng số cho người lao động để tham gia vào thị trường lao động mới.
Tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và dịch vụ, bảo đảm chuỗi cung ứng vận hành thông suốt và hỗ trợ quá trình phân phối vaccine; mở cửa cho việc đi lại qua biên giới nhưng bảo đảm an toàn y tế.
Với phương châm “không bỏ ai ở lại phía sau”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đưa ra 3 đề xuất quan trọng cho hợp tác APEC. Thứ nhất, triển khai nhanh chóng các chương trình hợp tác để hỗ trợ các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương vượt qua khủng hoảng; nâng cao tính tự cường và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ; đào tạo kỹ năng cho người lao động, thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn. Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác khu vực về chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và sản xuất vaccine; đồng thời nghiên cứu khả năng xây dựng thỏa thuận tạm thời của APEC về bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19. Thứ ba, xây dựng Bộ hướng dẫn của APEC về duy trì chuỗi cung ứng trong các tình huống khẩn cấp nhằm bảo đảm huyết mạch của nền kinh tế.
2. Mỹ-Đức tái khẳng định quan hệ đồng minh, đối tác
Mỹ và Đức đã đạt được nhận thức chung về nhiều vấn đề trong chuyến thăm Washington của Thủ tướng Angela Merkel.
Trong Tuyên bố Washington, hai bên khẳng định cơ sở mối quan hệ giữa hai nước là cùng tuân thủ các nguyên tắc, giá trị và thể chế dân chủ. Hai nước cam kết đấu tranh vì một "châu Âu toàn vẹn, tự do và hòa bình", ủng hộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), phát triển các quan hệ đồng minh và đối tác hiện có. Tuyên bố cũng đề cập đến sự ủng hộ đối với "các quy tắc, chuẩn mực và tiêu chuẩn" liên quan đến các công nghệ mới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Angela Merkel trong cuộc họp báo sau hội đàm tại Nhà Trắng ngày 15-7-2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuyên bố cũng khẳng định "tầm quan trọng của các quyền tự do hàng hải và hàng không cũng như các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác, phù hợp với luật pháp quốc tế". Với Tuyên bố Washington, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trên thế giới.
Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng thống nhất quan điểm về nhiều vấn đề như đối phó với đại dịch Cocid-19, biến đổi khí hậu, năng lượng, quan hệ với Nga, Trung Quốc… Các sáng kiến chung khác như "diễn đàn tương lai" Mỹ-Đức hay quan hệ đối tác khí hậu và năng lượng Mỹ-Đức cũng đã được công bố.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề "gai góc" trong quan hệ hai nước chưa thể được giải quyết trong chuyến thăm lần này. Một trong những bất đồng lớn nhất vẫn là dự án Dòng chảy phương Bắc 2, dẫn khí đốt từ Nga tới Đức qua hệ thống đường ống được xây dựng dưới biển Baltic. Hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh rằng hai nước có quan điểm khác nhau về dự án trị giá hàng tỷ USD này. Trong khi Mỹ coi đây là "mối đe dọa đối với châu Âu", thì Đức bác bỏ cáo buộc rằng nước này quá phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh Đức cần phối hợp chặt chẽ với Mỹ trong các vấn đề quốc tế, đồng thời cho rằng các vấn đề an ninh có ý nghĩa hoàn toàn khác trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Do vậy, ngoài các nội dung khác, hai bên cũng muốn trao đổi cả về việc phối hợp cùng nhau xây dựng các chuẩn mực trên mạng internet. Bên cạnh đó, hai nước cũng tuyên bố khởi động quan hệ đối tác về khí hậu và năng lượng nhằm giảm phát thải khí nhà kính hơn nữa.
3. COVAX có thêm nguồn cung vaccine mới
Ngày 12-7, Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) thông báo đã ký các thỏa thuận với Sinopharm và Sinovac, đặt mua trước vaccine ngừa Covid-19 của 2 hãng dược phẩm Trung Quốc này cho Cơ chế Tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa Covid-19 COVAX.
Ảnh minh họa: UNICEF |
Theo thỏa thuận vừa được ký kết, Sinopharm sẽ cung cấp 170 triệu liều vaccine và Sinovac sẽ cung cấp 380 triệu liều vaccine cho COVAX, cho đến giữa năm 2022. Sinovac sẽ cung cấp 50 triệu liều từ nay đến tháng 9, trong khi Sinopharm sẽ cung cấp 60 triệu liều cho tới cuối tháng 10.
Thời gian gần đây đã chứng kiến nhiều nước giàu gia tăng cam kết chia sẻ vaccine trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng ở những nước này đang cho phép mọi người trở lại cuộc sống bình thường. Một trong những cam kết đáng chú ý là việc các nhà lãnh đạo Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu G7 nhất trí cung cấp hơn 1 tỷ liều vaccine cho phần còn lại của thế giới theo cách trực tiếp hoặc thông qua COVAX.
Tính đến nay, COVAX đã cung cấp 102 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho 135 nước, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra hồi đầu năm. Không chỉ vậy, trong khi 70% dân số ở các nước phát triển đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, tỷ lệ này ở các nước thu nhập thấp chưa tới 1%. Tuy nhiên, GAVI cho biết COVAX dự kiến có thể cung cấp 2 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 vào đầu năm 2022, trong đó có 1,8 tỷ liều vaccine dành cho 92 nước nghèo nhất thế giới.
4. Nhật Bản công bố Sách Trắng quốc phòng năm 2021
Ngày 13-7, Nhật Bản đã công bố Sách Trắng quốc phòng năm 2021. Sách Trắng cho biết các mục tiêu của chính sách quốc phòng của Nhật Bản là tạo ra môi trường an ninh mà nước này mong muốn bằng cách hợp nhất và xây dựng các sức mạnh có thể huy động khi cần thiết; ngăn chặn các mối đe dọa nhằm vào Nhật Bản và nếu mối đe dọa đó tiếp cận Nhật Bản, cần đối phó và giảm thiểu thiệt hại.
Sách Trắng cũng nhắc lại 3 trụ cột trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản là cấu trúc phòng vệ riêng của Nhật Bản, quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ và hợp tác an ninh. Sách Trắng cũng chỉ ra hai ưu tiên trong việc tăng cường năng lực quốc phòng của nước này gồm: Tăng cường năng lực cần thiết để tác chiến hợp đồng giữa các lực lượng phòng vệ và tăng cường thành phần cốt lõi hình thành nên năng lực quốc phòng thông qua việc củng cố nguồn nhân lực, công nghệ và công nghiệp quốc phòng, rà soát lại cơ cấu trang thiết bị quân sự.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi giới thiệu Sách trắng quốc phòng 2021 tại cuộc họp báo ở Tokyo, ngày 13-7. Ảnh: Kyodo |
Liên quan vấn đề Biển Đông, Sách Trắng khẳng định việc gia tăng tình trạng căng thẳng ở Biển Đông và các vùng biển khác là hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Trong Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản năm 2021 có đoạn nhận định Việt Nam đang triển khai chính sách đối ngoại đa phương, xây dựng quan hệ hữu nghị với tất cả các quốc gia trên thế giới và tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế và khu vực. Việt Nam đang nỗ lực hiện đại hóa quân đội và lực lượng chấp pháp trên biển, đảm bảo năng lực nắm bắt tình hình trên biển và duy trì lập trường giữ vững độc lập chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển.
5. Gia tăng bất ổn ở Afghanistan
Bạo lực tiếp tục leo thang khi quân đội chính phủ Afghanistan và Taliban đều đẩy mạnh các hoạt động tấn công. Ngày 16-7, các lực lượng Afghanistan đã giao tranh với các tay súng Taliban sau khi phát động chiến dịch nhằm giành lại quyền kiểm soát cửa khẩu Spin Boldak ở biên giới với Pakistan.
Trước đó ngày 14-7, các tay súng Taliban đã chiếm được cửa khẩu Spin Boldak, một trong những cửa khẩu quan trọng mang lại nguồn thu chính cho chính phủ ở Kabul. Cửa khẩu tại thị trấn Spin Boldak được đánh giá là mục tiêu mang tính chiến lược nhất với Taliban, khi kết nối với tỉnh Balochistan của Pakistan. Đây là cuộc tấn công mới nhất nhằm vào thủ phủ một tỉnh, trong bối cảnh Taliban mới đây tuyên bố đã giành quyền kiểm soát 84% quận huyện ở Afghanistan.
Binh sĩ Mỹ tuần tra tại Afghanistan. Ảnh: Reuters |
Hạn hán và tình trạng bất ổn do các hoạt động quân sự gia tăng đang đẩy Afghanistan vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Liên hợp quốc cho biết, khoảng 18 triệu người Afghanistan, hoặc một nửa dân số nước này, cần được hỗ trợ. Một phần ba dân số nước này bị suy dinh dưỡng và một nửa số trẻ em dưới 5 tuổi đang bị suy dinh dưỡng cấp tính.
Do lo ngại về tình hình an ninh ở Afghanistan, Nga đã sơ tán các nhà ngoại giao của nước này khỏi miền Bắc Afghanistan. Trước đó, Ấn Độ, Trung Quốc và Pháp và nhiều nước đã tiến hành sơ tán hoặc yêu cầu công dân chủ động rời khỏi quốc gia Nam Á này.
Bạo lực đã gia tăng ở Afghanistan kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố hồi tháng 4 năm nay rằng nước này sẽ rút quân vào ngày 11-9, kết thúc 20 năm triển khai lực lượng ở quốc gia Tây Nam Á này. Gần đây, Tổng thống Mỹ thông báo quân đội nước này sẽ rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan vào cuối tháng 8 tới, sớm hơn dự định ban đầu. Sau khi Mỹ tăng cường rút quân, Taliban đã tiến hành dồn dập các chiến dịch mở rộng lãnh thổ. Giới chức Afghanistan thừa nhận các tay súng Taliban đang tận dụng sự rút quân của Mỹ và đồng minh để tấn công và chiếm giữ một số địa phương.
6. Nam Phi: Tình hình ở các tỉnh bạo loạn đã ổn định trở lại
Ngày 16-7, quyền Bộ trưởng phụ trách văn phòng Tổng thống Nam Phi Kumbudzo Ntshaveni cho biết số người thiệt mạng vì bạo loạn ở các tỉnh KwaZulu-Natal và Gauteng đã tăng lên 212 người, song nhấn mạnh tình hình ở 2 tỉnh này đã ổn định trở lại.
Bà Ntshaveni cho biết, tổng số người thiệt mạng ở tỉnh KwaZulu-Natal là 180 người, trong khi có 1.692 người bị bắt giữ. Còn tại tỉnh Gauteng, tổng cộng 32 người đã thiệt mạng và 862 người bị bắt giữ.
Binh sĩ đứng canh gác bên ngoài một cửa hàng ở Soweto, Nam Phi, hôm 13-7. Ảnh: AP |
Tuy nhiên, bà Ntshaveni cũng tuyên bố các cuộc biểu tình và cướp bóc trong nước hiện đã kết thúc và tình hình đã "hoàn toàn ổn định". Hai tuyến đường cao tốc quan trọng của đất nước, bao gồm đường N3 kết nối Gauteng với KwaZulu-Natal, đã được mở lại và hoạt động bình thường.
Các cuộc biểu tình ở Nam Phi bắt đầu từ hôm 9-7, một ngày sau khi cựu Tổng thống Jacob Zuma, người có sự ủng hộ trong số người nghèo và người trung thành tại đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC), bắt đầu một án tù 15 tháng do phớt lờ một cuộc điều tra tham nhũng. Biểu tình nhanh chóng biến thành bạo loạn khi đám đông cướp bóc các cửa hàng, nhà kho, trung tâm thương mại. Quân đội đã triển khai 25.000 binh sĩ để hỗ trợ lực lượng cảnh sát dập tắt tình trạng bất ổn.
(Theo qdnd.vn)