Thế giới tuần qua: Nhiều động thái tích cực
Nhờ hiệu quả rõ ràng của các chiến dịch chủng ngừa đại dịch, nhiều quốc gia đã và đang có kế hoạch mở cửa trở lại trong điều kiện “bình thường mới”. Ngoài ra, hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo các nước nhóm Bộ Tứ tại Mỹ hay khả năng sớm nối lại đàm phán về khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran cũng là những tin tức quốc tế được quan tâm.
1. Nhiều nước hướng tới “sống chung” với Covid-19
Hơn 18 tháng kể từ khi đại dịch bùng phát và vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều nước trên thế giới đang tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực để sống chung an toàn với đại dịch, thích ứng với cuộc sống trong điều kiện “bình thường mới” cũng như hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Trong đó, nhiều nước có tỷ lệ tiêm vaccine đáng ngưỡng mộ, số khác lại đưa ra quyết định rằng “cái giá” của việc kéo dài các quy định hạn chế về kinh tế-xã hội còn cao hơn những lợi ích mà chúng mang lại.
Tiêm vaccine Covid-19 đóng vai trò quan trọng để các nước dần thích ứng với cuộc sống trong điều kiện “bình thường mới” . Ảnh: ABC News |
Chính phủ Đan Mạch đã dỡ bỏ tất cả các quy định hạn chế còn lại liên quan đến dịch với quan điểm rằng Covid-19 đã không còn là “một mối đe dọa nghiêm trọng với xã hội”. Singapore sẽ chuyển sang chiến lược chung sống với Covid-19 thay vì hạn chế sinh hoạt của người dân. Trong khi đó, Thái Lan sẽ mở cửa Bangkok và nhiều điểm đến được yêu thích khác cho du khách nước ngoài vào tháng 10 trong bối cảnh nỗ lực vực dậy ngành du lịch trọng điểm. Chính phủ Cuba đã công bố kế hoạch dần mở cửa trở lại các trường học, có thể vào tháng 10 hoặc tháng 11 tới.
Chiến dịch tiêm chủng mang lại cho thế giới niềm tin vào khả năng trở lại trạng thái bình thường mới. Những cam kết bảo đảm nguồn cung vaccine cho tất cả mọi người đang phát đi tín hiệu lạc quan cho cuộc chiến chống Covid-19 trên phạm vi toàn cầu.
2. Iran cam kết sớm nối lại đàm phán về khôi phục thỏa thuận hạt nhân
Ngày 24-9, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cho biết các cuộc đàm phán về khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 sẽ sớm được nối lại và chính phủ mới của nước này đang xem xét cách thức tiến hành đàm phán hiệu quả trong chính sách đối ngoại của mình.
Phản ứng về tuyên bố trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Washington đã được nghe cụm từ “sớm và rất sớm” trong cả tuần qua, nhưng đến lúc này vẫn chưa có xác nhận cụ thể về thời gian chính xác. Tuy nhiên, theo một quan chức ngoại giao Iran, khái niệm “rất sớm” mà Ngoại trưởng nước này nhắc tới có thể sẽ là “vài tuần”.
Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian. Ảnh: Al Arabiya |
Trước đó, trong bài phát biểu ghi âm gửi tới phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) ngày 21-9, tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cũng lên tiếng ủng hộ nối lại đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, đồng thời kêu gọi Washington chấm dứt toàn bộ các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này.
Đến nay, Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là: Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đã tiến hành 6 vòng đàm phán tại thủ đô Vienne (Áo) nhưng chưa đạt được kết quả rõ rệt.
Trong thời gian qua, các cuộc đàm phán đã phải tạm ngừng do Iran tiến hành bầu cử và thành lập chính phủ mới. Mục đích đàm phán là nhằm đưa chính quyền Nhà Trắng tham gia trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015, trong khi Iran tuân thủ lại một cách đầy đủ các cam kết của mình.
3. Triều Tiên nêu điều kiện thảo luận cải thiện quan hệ với Hàn Quốc
Ngày 24-9, bà Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho biết nước này sẵn sàng “thảo luận mang tính xây dựng” nhằm cải thiện quan hệ liên Triều nếu Hàn Quốc từ bỏ thái độ thù địch với Bình Nhưỡng.
Lãnh đạo hai nước trong một lần gặp trực tiếp. Ảnh: Reuters. |
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời bà Kim Yo Jong cho biết đề nghị mới đây của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In về việc tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) là một “ý tưởng hay và thú vị”.
Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 21-9, Tổng thống Moon Jae In đã đề nghị hai miền Triều Tiên và Mỹ, có thể cùng với Trung Quốc, đưa ra tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. Ông cho rằng bước đi này sẽ là điểm mấu chốt trong lộ trình kiến tạo tiến trình hòa giải mới trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Thae Song lại cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy tuyên bố trên sẽ dẫn đến quyết định rút lại chính sách thù địch đối với Bình Nhưỡng, khi tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên đang từng bước tiến gần đến tình trạng bất ổn.
4. Hội nghị QUAD lần đầu họp trực tiếp
Ngày 24-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chủ trì hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của lãnh đạo các nước nhóm Bộ Tứ (QUAD) tại Nhà Trắng. “QUAD đang hợp tác với nhau để đối phó với những thách thức quan trọng của thời đại chúng ta, từ Covid-19, biến đổi khí hậu cho đến các công nghệ mới nổi”, ông Biden nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc.
Nhóm QUAD lần đầu họp trực tiếp sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Reuters |
Trong chương trình nghị sự, các nhà lãnh đạo của nhóm sẽ thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác ở khu vực. Một số thỏa thuận mới dự kiến được công bố tại hội nghị gồm đảm bảo chuỗi cung ứng các chất bán dẫn và chống đánh bắt cá bất hợp pháp, nâng cao nhận thức về khu vực hàng hải.
Cuộc họp của nhóm Bộ tứ diễn ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ, Anh và Australia thông báo đã ký kết một thỏa thuận an ninh 3 bên (AUKUS), theo đó, Australia sẽ được cung cấp các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trung Quốc đã lên án động thái này là “gây nguy hại” cho hòa bình và an ninh khu vực.
Đây cũng là sự tái hợp của QUAD sau hơn nửa năm, kể từ cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến hồi tháng 3 giữa Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
5. CFO của Huawei được tự do rời Canada
Bộ Tư pháp Canada ngày 24-9 cho biết đã thông báo cho tòa án về việc Bộ Tư pháp Mỹ rút lại yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu - Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Huawei - về Mỹ. Do đó, không có cơ sở để tiếp tục thủ tục dẫn độ và bà Mạnh Vãn Châu được tự do rời khỏi Canada.
Bà Mạnh Vãn Châu. Ảnh: Yahoo News |
Thông báo trên được đưa ra ngay sau khi bà Mạnh Vãn Châu đạt được thỏa thuận hoãn truy tố với Bộ Tư pháp Mỹ, cho phép bà trở lại Trung Quốc sau gần 3 năm bị giữ ở Canada. Diễn biến này có thể đánh dấu giai đoạn mới trong mối quan hệ căng thẳng giữa Canada với Trung Quốc.
Bà Mạnh Vãn Châu, con gái của tỷ phú sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, bị bắt tại sân bay Vancouver ngày 1-12-2018, khi bà quá cảnh để chuẩn bị đến Argentina tham dự một hội nghị. Bà bị phía Mỹ cáo buộc nói dối về quyền kiểm soát của Huawei đối với một công ty có hoạt động kinh doanh ở Iran, khiến ngân hàng HSBC có nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt của Nhà Trắng đối với Iran.
Vài ngày sau khi bà Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ, Trung Quốc đã bắt giữ 2 công dân Canada là Michael Spavor và Michael Kovrig với cáo buộc hoạt động gián điệp.
(Theo qdnd.vn)