.

Phản ứng linh hoạt của Chính phủ Việt Nam trước dịch bệnh

Cập nhật: 16:10, 06/11/2021 (GMT+7)

Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Carolyn Turk cho rằng, việc chuyển từ chủ trương "Zero COVID-19" sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” thể hiện phản ứng linh hoạt, kịp thời của Chính phủ trước tình hình hiện tại.

b

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Carolyn Turk

Bà đánh giá thế nào về quyết định chuyển hướng phòng, chống dịch trong thời gian vừa qua của Chính phủ Việt Nam?

Bà Carolyn Turk: Tất cả chúng ta đều nhận thấy để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, chúng ta đã không tránh khỏi tổn thất kinh tế cao trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Theo ước tính của WB, GDP của Việt Nam trong quý  3/2021 giảm 6,17%, mức mạnh nhất so với dữ liệu hàng quý được tổng hợp từ trước đến nay.

Biến thể Delta với khả năng lây nhiễm cao đã cho thấy các biện pháp phong tỏa có thể làm chậm sự lây nhiễm, nhưng không thể ngăn chặn triệt để. Điều này dẫn đến việc chúng ta cần học cách sống chung với virus. Quan trọng nhất là kiểm soát COVID-19 đồng nghĩa với việc tránh tình trạng quá tải trong hệ thống điều trị. Chúng tôi nhận thấy Việt Nam giờ đây có thể làm được điều này ngay cả khi ghi nhận số bệnh nhân COVID-19 khá cao.

Trong khi đó, Việt Nam đã đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Gần như tất cả cư dân trên 18 tuổi tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã được tiêm chủng​​. Trên toàn quốc, hơn 80 triệu liều vaccine đã được tiêm (số liệu cập nhật đến ngày 30/10). Năng lực tiêm chủng của Việt Nam đã được tăng cường đáng kể, với trung bình khoảng 1,3 triệu liều vaccine được tiêm mỗi ngày trong tháng qua, cung cấp sự bảo vệ cần thiết cho người dân và giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế.

Các điều kiện đã chín muồi để Chính phủ chuyển sang biện pháp thích ứng linh hoạt hơn với đại dịch. Việc chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt không có nghĩa là Chính phủ và người dân chủ quan trước đại dịch. Virus có thể tiếp tục biến chủng và lây lan, do đó, việc tuân thủ nguyên tắc 5K, củng cố năng lực xét nghiệm và truy vết cùng với việc tiếp tục triển khai nhanh chóng chiến lược tiêm chủng sẽ là chìa khóa cho việc thực hiện thành công chủ trương mới này.

Sự chuyển đổi chiến lược phòng chống dịch này có ý nghĩa thế nào đối với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam?

Bà Carolyn Turk: Thích ứng linh hoạt và chung sống an toàn với COVID-19 là một quyết định quan trọng và kịp thời đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp.

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ. Các cơ sở sản xuất và chế tạo không thể hoạt động bình thường. Vận tải và hậu cần bị gián đoạn.

Tuy nhiên, việc phục hồi các hoạt động kinh tế sau một thời gian dài phong tỏa đang đối mặt với sự trì trệ của thị trường như cũng thấy ở nhiều nước khác trên thế giới. Do đó, để tạo điều kiện phục hồi kinh tế, Chính phủ cần ưu tiên cho việc giảm bớt các ách tắc về hậu cần, tiếp tục xét nghiệm, tiêm chủng và khuyến khích dịch chuyển lao động.

Tôi cũng khuyến nghị các nhà chức trách nên áp dụng một chính sách tài khóa có tính mở hơn và sử dụng các công cụ tài khóa khác nhau đã có sẵn để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế, bao gồm giảm bớt các thủ tục cứng nhắc trong ngân sách dự toán, đẩy nhanh thực hiện đầu tư công theo kế hoạch và mở rộng bảo trợ xã hội cho các hộ gia đình và cho những người lao động chính thức và phi chính thức.

Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, theo bà, có những vấn đề gì cần lưu ý để Việt Nam tiếp tục chống dịch hiệu quả và phục hồi, phát triển kinh tế?

Bà Carolyn Turk: Trong tương lai, tôi xin đề ra ba yếu tố quan trọng nhằm giúp Việt Nam ứng phó với COVID-19 hiệu quả và phục hồi nền kinh tế.

Tiêm vaccine càng nhiều, càng sớm càng tốt là ưu tiên hàng đầu để giúp vực dậy doanh nghiệp và nền kinh tế. Tiêm vaccine sẽ giúp giữ an toàn cho người lao động và người dân. Các doanh nghiệp duy trì hoạt động và các hoạt động kinh tế phục hồi mà ít bị gián đoạn hơn.

Đồng thời, chúng ta cần đề ra chương trình hành động để ngăn chặn các đợt dịch COVID-19 mới trong tương lai. Thích ứng linh hoạt với COVID-19 đặt ra cho Việt Nam các yêu cầu về biện pháp bảo vệ doanh nghiệp và khách hàng, tiêm chủng diện rộng, đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và xét nghiệm thường xuyên trong tương lai gần.

Cuối cùng, số hóa cách thức điều hành sẽ góp phần giúp Chính phủ và doanh nghiệp nâng cao tính tự cường và khả năng linh hoạt. Chính phủ nên cân nhắc việc hỗ trợ các công ty thích ứng với chủ trương mới này bằng cách áp dụng các quy trình và công nghệ mới, để đảm bảo rằng các công ty Việt Nam và các công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam vẫn duy trì tính cạnh tranh cao .

Theo Chinhphu.vn

.
.
.