.

Nhóm Bộ tứ cam kết đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông

Cập nhật: 21:22, 11/02/2022 (GMT+7)

Australia, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ khẳng định luật pháp quốc tế, hòa bình và an ninh trong lĩnh vực hàng hải là nền tảng cho sự phát triển và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Australia Marise Payne, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi tại cuộc họp báo ở Melbourne, Australia ngày 11/2. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Australia Marise Payne, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi tại cuộc họp báo ở Melbourne, Australia ngày 11/2. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Australia, nhóm Đối thoại An ninh “Bộ tứ” gồm Australia, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đã cam kết hợp tác sâu rộng hơn nữa nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời cam kết hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong bảo tồn các nguồn tài nguyên ngoài khơi của mình.

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau Hội nghị Ngoại trưởng các nước “Bộ tứ,” với sự tham dự của Ngoại trưởng Australia, bà Marise Payne, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi tại Melbourne (Australia) ngày 11/2, các bên khẳng định luật pháp quốc tế, hòa bình và an ninh trong lĩnh vực hàng hải là nền tảng cho sự phát triển và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Cả 4 ngoại trưởng một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt được phản ánh trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, nhằm đối phó các thách thức về vấn đề an ninh trên biển, bao gồm cả ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Nhóm “Bộ tứ” khẳng định quyết tâm tăng cường tham gia sâu rộng với các đối tác trong khu vực, bao gồm thông qua nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật, để tăng cường nhận thức về lĩnh vực hàng hải; hỗ trợ các đối tác này trong việc phát triển các nguồn tài nguyên ngoài khơi phù hợp với UNCLOS 1982; đảm bảo tự do hàng hải và hàng không; đối phó với các thách thức như đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát; đồng thời thúc đẩy an toàn và an ninh của các tuyến thông tin liên lạc trên biển.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/nhom-bo-tu-cam-ket-dam-bao-tu-do-hang-hai-o-bien-dong-va-bien-hoa-dong/772608.vnp)

.
.
.