.

Việt Nam ủng hộ giải pháp toàn diện và bền vững cho vấn đề Myanmar

Cập nhật: 16:58, 14/06/2022 (GMT+7)

Tại phiên họp về vấn đề Myanmar của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam đã lên tiếng ủng hộ một giải pháp toàn diện và bền vững với sự cam kết mạnh mẽ của các bên liên quan cho vấn đề Myanmar.

Người dân trợ giúp nạn nhân bị thương sau vụ nổ bom ở thành phố Yangon, Myanmar, ngày 31-5-2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Người dân trợ giúp nạn nhân bị thương sau vụ nổ bom ở thành phố Yangon, Myanmar, ngày 31-5-2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 13-6, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã tổ chức phiên họp về vấn đề Myanmar.

Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Myanmar, bà Noeleen Heyzer đã báo cáo tình hình, trong đó có tình hình tại bang Rakhine.

Tại đây, Việt Nam đã lên tiếng ủng một giải pháp toàn diện và bền vững với sự cam kết mạnh mẽ của các bên liên quan cho vấn đề Myanmar.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, tại phiên họp, đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Myanmar chia sẻ những đánh giá về tình hình, khó khăn, thách thức hiện nay trong vấn đề Myanmar; đề cao vai trò quan trọng của ASEAN trong việc giảm leo thang khủng hoảng và thúc đẩy thực hiện Đồng thuận 5 điểm.

Đặc phái viên kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ Myanmar thúc đẩy đối thoại, hòa giải nhằm hướng tới giải pháp hòa bình, thúc đẩy cứu trợ nhân đạo cho người dân thông qua tất cả các kênh hiện có và xây dựng khả năng phục hồi dựa vào cộng đồng.

Đồng thời, bà Heyzer cũng đề xuất một số biện pháp cụ thể nhằm giải quyết vấn đề ở bang Rakhine.

Trong phát biểu, các nước đều đánh giá cao vai trò của ASEAN trong việc thúc đẩy tìm kiếm giải pháp hòa bình tại Myanmar, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện ngay và đầy đủ Đồng thuận 5 điểm và mong muốn đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc sớm được vào Myanmar để thực hiện nhiệm vụ của mình, trong đó có thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và gặp gỡ các bên liên quan ở Myanmar.

Bên cạnh đó, nhiều nước tiếp tục bày tỏ quan ngại về tình hình bạo lực ở Myanmar, đặc biệt về những khó khăn của người dân ở bang Rakhine, kêu gọi các bên kiềm chế, chấm dứt bạo lực, đảm bảo tiếp cận nhân đạo, y tế, an ninh, an toàn cho người dân phù hợp với luật nhân đạo quốc tế.

Phát biểu tại phiên họp, Tham tán Công sứ, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Lê Thị Minh Thoa khẳng định ưu tiên hàng đầu hiện nay là bảo đảm an toàn và an ninh cho tất cả mọi người ở Myanmar, thúc giục các bên ở Myanmar chấm dứt bạo lực, bảo đảm an ninh, an toàn, tiếp cận nhân đạo, y tế, vaccine phòng chống COVID-19.

Đại diện Việt Nam kêu gọi Hội đồng Hành chính quốc gia Myanmar (SAC) tiếp tục hợp tác với ASEAN thực hiện đầy đủ Đồng thuận 5 điểm của ASEAN và tiến hành đối thoại có ý nghĩa giữa tất cả các bên liên quan để tìm kiếm giải pháp hòa bình, toàn diện, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của người dân Myanmar.

Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế cần giúp các bên ở Myanmar giảm leo thang tình hình, tiến hành đối thoại, hòa giải, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi dân chủ, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của Myanmar.

Đại diện Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Chủ tịch ASEAN và đặc phái viên của ASEAN về Myanmar, hoan nghênh sự phối hợp chặt chẽ giữa Liên hợp quốc và ASEAN trong việc đảm bảo hỗ trợ nhân đạo, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ ASEAN phát huy vai trò trung tâm và dẫn dắt trong việc giúp đỡ Myanmar thúc đẩy giải pháp hòa bình.

Liên quan đến tình hình tại bang Rakhine, đại diện Việt Nam nhắc lại các bên cần nỗ lực giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của khủng hoảng, nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ nhân đạo cho các nhóm dễ bị tổn thương, tạo điều kiện thuận lợi cho những người bị buộc phải rời khỏi nơi cư trú hồi hương và tái hòa nhập một cách tự nguyện, an toàn và được tôn trọng nhân phẩm.

Đồng thuận 5 điểm về vấn đề Myanmar được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tháng 4/2021, theo đó yêu cầu chấm dứt ngay lập tức bạo lực và tất cả các bên phải hết sức kiềm chế; tiến hành đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình theo nguyện vọng của người dân; đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN làm trung gian thúc đẩy tiến trình đối thoại với sự hỗ trợ của Tổng Thư ký ASEAN; cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar thông qua Trung tâm AHA; và đặc phái viên của ASEAN sẽ đến Myanmar để gặp gỡ tất cả các bên liên quan.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-ung-ho-giai-phap-toan-dien-va-ben-vung-cho-van-de-myanmar/797730.vnp)

.
.
.