Thứ Tư, 22/02/2023, 10:18 (GMT+7)
.

Ba điểm nhấn trong thông điệp liên bang đặc biệt của Tổng thống Nga Putin

Trong thông điệp dài nhất từng phát biểu trước Quốc hội liên bang (1h45'), ông Putin đã nêu lý do mở chiến dịch quân sự đặc biệt, thông tin về thành tựu trong nước và nhấn mạnh, Moscow có đủ nguồn lực tài chính để đảm bảo an ninh và phát triển, bất chấp lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Chiều 21/2 (giờ địa phương), tại hội trường tòa nhà Gostiny Dvor gần điện Kremlin, Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc thông điệp liên bang thứ 18, ngay trước thềm kỉ niệm 1 năm tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Trong thông điệp dài nhất từng phát biểu trước Quốc hội liên bang (1h45'), ông Putin đã nêu lý do mở chiến dịch quân sự đặc biệt, thông tin về thành tựu trong nước, nhấn mạnh Moscow có đủ nguồn lực tài chính để đảm bảo an ninh và phát triển, bất chấp lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Lý do Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine

Mở đầu thông điệp liên bang, Tổng thống Putin đã trực tiếp đưa ra câu trả lời về việc vì sao Nga quyết định mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Theo Tổng thống Putin, chiến dịch quân sự của Nga không nhằm chống lại người dân Ukraine. Trước khi diễn ra sự kiện ngày 24/2/2022, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và phương Tây đã công khai nói về kịch bản cung cấp vũ khí hạt nhân cho Kiev.

“Chúng tôi đã làm mọi thứ có thể để giải quyết vấn đề Donbass một cách hòa bình, nhưng phương Tây chuẩn bị cho kịch bản khác. Kiev đã tổ chức các cuộc đàm phán với phương Tây về cung cấp vũ khí trước khi chiến dịch quân sự bắt đầu. Tôi muốn nhắc lại, họ đã khơi mào cuộc chiến và chúng tôi phải sử dụng vũ lực để ngăn chặn”, ông Putin nhấn mạnh.

b

Tổng thống Nga Putin đọc thông điệp trước lưỡng viện liên bang ngày 21/2. Ảnh: Sputnik.

Ông Putin nêu rõ, trong thế giới đương đại, không nên có sự phân chia các quốc gia văn minh và tất cả các quốc gia còn lại. Nga sẵn sàng đối thoại với phương Tây nhưng lại nhận về phản ứng không rõ ràng. Theo người đứng đầu điện Kremlin, các nước phương Tây đã chi hơn 150 tỷ USD để hỗ trợ Kiev trong khi các quốc gia nghèo nhất năm 2022 được phân bổ 60 tỷ USD.

Ông Putin khẳng định, nước Nga sẽ không bao giờ khuất phục trước mọi âm mưu chia rẽ, cho biết đa số người dân nước này ủng hộ chiến dịch quân sự đặc biệt. Ông Putin cũng bày tỏ sẻ chia với những khó khăn mà người thân của các binh lính Nga đang trải qua, đồng thời cam kết, chính phủ sẽ có biện pháp hỗ trợ đặc biệt với việc thành lập một quỹ mới dành riêng cho kế hoạch này.

Ngoài ra, Tổng thống Putin đã nhắn gửi đến người dân ở bốn vùng mới sáp nhập vào Nga: "Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đến người dân Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia. Chính các bạn sẽ quyết định tương lai của mình. Các bạn đã lựa chọn đi cùng với nước Nga".

"Trừng phạt Nga đồng nghĩa tự bắn vào chân mình"

Đề cập đến các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Putin cho rằng, phương Tây không chỉ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, một cuộc chiến thông tin mà cả cuộc chiến kinh tế chống Nga. "Dù ở khía cạnh nào, họ đều thất bại. Họ đang tự bắn vào chân mình. Họ gây ra lạm phát trong nước, khiến nhà máy đóng cửa hàng loạt, lĩnh vực năng lượng sụp đổ, sau đó họ nói với người dân rằng, lỗi do Nga", ông Putin nói.

Vào tháng 3/2022, chính quyền Nga đã phân bổ 1.000 tỷ rúp (13,3 tỷ USD) nhằm hỗ trợ nền kinh tế và hoạt động kinh doanh trong bối cảnh bị phương Tây trừng phạt. Theo ông Putin, Nga đã duy trì sự ổn định của nền kinh tế, ngăn chặn thâm hụt và sự sụp đổ của hệ thống tài chính. Ông thông tin, thị trường lao động được cải thiện rõ rệt. Trước đại dịch COVID-19, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4,7%, trong khi hiện tại là 3,7%, mức thấp trong lịch sử.

Về nông nghiệp, ông Putin cho hay: "Ngành nông nghiệp Nga đã thu hoạch kỷ lục, hơn 150 triệu tấn ngũ cốc, trong đó có hơn 100 triệu tấn lúa mì. Cho đến ngày 30/6, chúng ta sẽ có thể xuất khẩu 55-60 triệu tấn ngũ cốc. Khoảng 10-15 năm trước, đây dường như là một kế hoạch hoàn toàn không thể đạt được. Năm nay, nhu cầu tiêu thụ nội địa được dự báo tăng mạnh. Tôi tin các doanh nghiệp của chúng ta sẽ tận dụng được tình hình, tận dụng thị trường sau khi doanh nghiệp phương Tây rời đi".

Tổng thống Putin cũng khẳng định, Nga có tất cả nguồn tài chính cần thiết để đảm bảo an ninh và phát triển quốc gia, bất chấp biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây. Các công ty Nga đã xây dựng lại chuỗi cung ứng của họ và Moscow đang hợp tác với các nước khác để xây dựng các hệ thống thanh toán cũng như cấu trúc tài chính mới.

b

Sự kiện diễn ra tại trung tâm triển lãm Gostiny Dvor, Moscow. Ảnh: Reuters.

Nga trang bị hiện đại cho lực lượng hạt nhân

Liên quan đến lực lượng hạt nhân, ông Putin cho hay: "Mức độ trang bị vũ khí hiện đại cho lực lượng hạt nhân của Nga ở khoảng 91%-91,3%. Dựa vào kinh nghiệm đã có, chúng ta cần đạt mức trang bị tương tự cho tất cả các đơn vị của quân đội", ông Putin cho hay.

Ông Putin cũng tuyên bố, Nga tạm dừng việc tham gia hiệp ước hạt nhân START mới với Mỹ, nhưng nhấn mạnh Moscow sẽ không rút khỏi hiệp định này. Trước đó, ông Putin chia sẻ rằng, chính Mỹ đã tự rút khỏi các thỏa thuận vũ khí cơ bản, trong đó có Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF)

Được biết, START mới là thỏa thuận kiểm soát vũ khí còn hoạt động duy nhất giữa hai cường quốc hạt nhân kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi hiệp ước INF hồi năm 2019. Năm 2021, Mỹ và Nga đã đồng thuận gia hạn START mới thêm 5 năm. Hiệp ước này giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai, cũng như việc triển khai tên lửa, máy bay ném bom và tàu ngầm để vận chuyển chúng.

Theo các chuyên gia, Nga có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với gần 6.000 đầu đạn. Nga và Mỹ nắm giữ khoảng 90% đầu đạn hạt nhân của toàn cầu.

Trong một diễn biến có liên quan, hãng Reuters cho biết, truyền thông nhà nước Nga đang phát bài phát biểu của ông Putin thì gặp sự cố gián đoạn. Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti thông tin, sự cố do một vụ tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDoS) gây ra.

Được biết, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho hay, Tổng thống Mỹ Joe Biden không theo dõi Tổng thống Nga Putin đọc thông điệp liên bang. Tối 21/2 (giờ địa phương), ông Biden sẽ có bài phát biểu ở Warsaw (Ba Lan), nhưng không nhằm mục đích đáp trả nhà lãnh đạo Nga.

Theo Báo điện tử Công An Nhân Dân

.
.
.