Thứ Ba, 24/12/2019, 08:35 (GMT+7)
.

Suy xét kỹ lưỡng Dự án Thủy điện Luông Prabang

Các Hội thảo tham vấn quốc gia về Dự án Thủy điện Luông Prabang cũng nhằm hướng đến mục tiêu suy xét kỹ lưỡng trên nhiều khía cạnh và tuân thủ theo các quy định liên quan, phù hợp của Ủy hội sông Mê Công quốc tế.

Với tiềm năng thủy điện trên sông Mê Công của Lào, để góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, trong bối cảnh khó khăn của quốc gia, Lào vẫn đặt phát triển thủy điện lên ưu tiên hàng đầu và kêu gọi đầu tư. Hiện tại có rất nhiều nhà đầu tư muốn tham gia đầu tư tại Lào, đặc biệt là về thủy điện.

Việc tham gia đầu tư của Việt Nam trong Dự án Thủy điện Luông Prabang đã được cân nhắc và suy xét kỹ lưỡng mọi khía cạnh cả về kinh tế, kỹ thuật, môi trường và xã hội. Điều này thể hiện sự xem xét cẩn trọng và toàn diện của Việt Nam trước khi đưa ra quyết định đối với phát triển thủy điện dòng chính sông Mê Công.

Đại biểu phát biều ý kiến (Nguồn:
Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội thảo (Nguồn: VNMC).

Với quyết định này, Việt Nam có thể chủ động tham gia từ giai đoạn thiết kế, đến xây dựng và vận hành công trình, chủ động nghiên cứu giám sát tác động; đồng thời, triển khai và thúc đẩy các giải pháp giảm thiểu tác động về phía hạ du, đặc biệt là đối với Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong lưu vực Mê Công, Việt Nam là quốc gia ở cuối nguồn, luôn tuân thủ thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công ký kết năm 1995 và Bộ Quy chế giám sát sử dụng nước, trước hết là vì lợi ích của quốc gia và hài hòa hợp tác toàn lưu vực.

Hiệp định Mê Công 1995 không có quy định về quyền được phủ quyết của một quốc gia đối với đề xuất sử dụng nước của quốc gia khác, nhưng có quy định cho phép các quốc gia bị tác động có quyền yêu cầu các quốc gia có công trình phải đảm bảo phát triển bền vững dòng sông Mê Công và có trách nhiệm giảm thiểu tác động do các công trình gây ra.

Do vậy, mặc dù Việt Nam có sự tham gia đầu tư vào Dự án Thủy điện Luông Prabang, mọi quy trình, thủ tục thực hiện tham vấn đối với Dự án này sẽ được hoàn toàn tuân thủ theo các quy định liên quan và phù hợp của Ủy hội sông Mê Công quốc tế. Trong quá trình tham vấn, rà soát, đánh giá tài liệu dự án do Lào nộp, mọi tác động xuyên biên giới của công trình đối với hạ du, đặc biệt đối với Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được xem xét kỹ lưỡng.

Việt Nam sẽ kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế dự án, hoàn thiện các biện pháp giảm thiểu tác động xây dựng các chương trình theo dõi, giám sát tác động đảm bảo đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của Ủy hội sông Mê Công quốc tế trước khi xây dựng công trình.

Đối với các công trình thủy điện dòng chính sông Mê Công, mối quan tâm của Việt Nam và các quốc gia thành viên không chỉ tập trung vào tác động tại chỗ của một công trình thủy điện riêng lẻ, mà còn cả tác động tổng thể có tính xuyên biên giới của toàn bộ bậc thang thủy điện dòng chính, của phát triển thủy điện thượng nguồn sông Mê Công và dòng nhánh, kết hợp với ảnh hưởng ngày càng tăng của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Bắt đầu từ tham vấn Dự án thủy điện Pắc Beng, Pắc Lay, việc đánh giá tác động (đặc biệt là các tác động xuyên biên giới), quan trắc theo dõi, nghiên cứu đánh giá, tham vấn cộng đồng cũng đã được các quốc gia chú trọng và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện và sẽ tiếp tục như vậy đối với Dự án Thủy điện Luông Prabang.

Các hoạt động tham vấn của Việt Nam trong thời gian tới về Dự án Thủy điện Luông Prabang do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam chủ trì sẽ được thực hiện từ tháng 10-2019 đến tháng 4-2020 bao gồm: Đánh giá tác động sơ bộ của Dự án Thủy điện Luông Prabang, đặc biệt là các tác động xuyên biên giới có thể ảnh hưởng đến Việt Nam trên cơ sở tài liệu kỹ thuật về Dự án Luông Prabang do Lào nộp và Báo cáo kỹ thuật do Ban Thư ký Ủy hội và các chuyên gia quốc tế chuẩn bị, tổ chức các hội thảo tham vấn quốc gia, chuẩn bị ý kiến của Việt Nam trong tham gia tham vấn vùng và Phiên họp Ủy ban Liên hợp của Ủy hội sông Mê Công quốc tế.

Đại biểu phát biều ý kiến (Nguồn:
Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội thảo (Nguồn: VNMC).

Thành phần tham gia vào quá trình tham vấn bao gồm các bộ, ngành, địa phương của Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, các tổ chức Liên hiệp Hội khoa học, các tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học và cộng đồng.

 Hội thảo tham vấn vùng lần thứ nhất về Dự án Thủy điện Luông Prabang của Lào được tổ chức ngay vào ngày 6-11-2019 tại Viên Chăn, Lào. Hội thảo sẽ có sự tham dự đông đảo của các bên liên quan trong khu vực và quốc tế bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng.

Tại hội thảo, thông tin về Dự án Thủy điện Luông Prabang, các đánh giá ban đầu về Dự án và kế hoạch tham vấn vùng sẽ được cung cấp cho các bên liên quan. Hội thảo cũng sẽ là diễn đàn để các bên liên quan trao đổi, chia sẻ quan điểm về Dự án, về sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình tham vấn, và mong đợi đối với kết quả tham vấn.

Vòng 2 của các hội thảo tham vấn vùng và quốc gia dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 1 - 2 năm 2020 để thảo luận và đóng góp ý kiến về Báo cáo đánh giá kỹ thuật về Dự án Thủy điện Luông Prabang do Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế chuẩn bị, các đánh giá của Nhóm công tác quốc gia, tập trung vào thông tin, số liệu, phương pháp, tác động của công trình Luông Prabang đối với các lĩnh vực và các biện pháp giảm thiểu tác động của công trình Luông Prabang.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ trong đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, phát triển bền vững về môi trường và xã hội của quốc gia, của khu vực, mọi hoạt động về phát triển tài nguyên nước đều cần phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, khách quan và có căn cứ khoa học, từ đó mới có thể có các giải pháp khả thi và phù hợp với thực tiễn; đồng thời, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong lưu vực.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong lưu vực Mê Công thực hiện các nghiên cứu, đánh giá để có thêm các luận cứ vững chắc, trợ giúp hiệu quả cho quá trình ra quyết định đối với các hoạt động phát triển trong lưu vực sông Mê Công nói chung và phát triển thủy điện dòng chính nói riêng, đặc biệt trước mắt quá trình tham vấn cho thủy điện dòng chính Luông Prabang  cần phải trở thành hình mẫu cho áp dụng các giải pháp giảm thiểu tác động

P.V

.
.
Liên kết hữu ích
.