Tiền Giang chuyển đổi mô hình sản xuất
Dưới tác động về nguồn nước của sông Mê Công, nhất là việc xây dựng các đập thủy điện, cùng với nhiều biến động do biến đổi khí hậu và những tác động tiêu cực của thời tiết, trong bức tranh chung của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Tiền Giang đã và đang tìm nhiều giải pháp để thích ứng.
NHỮNG TÁC ĐỘNG HIỆN HỮU
Bởi suy cho cùng, với nhiều tác động hiện hữu, ĐBSCL ít nhiều chịu ảnh hưởng, nhất là đối với việc sản xuất nông nghiệp và sinh kế. Chính vì thế, việc triển khai các giải pháp chuyển đổi sản xuất để ứng phó và thích ứng với những tác động dòng chảy của sông Mê Công, việc thay đổi của thời tiết, khí hậu đang là vấn đề cấp bách của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL hiện nay. Tiền Giang cũng không ngoại lệ.
Trên nhiều diễn đàn, hội thảo gần đây, các nhà khoa học cũng liên tục đưa ra các khuyến cáo đối với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL về các tác động hiện hữu của thay đổi thời tiết, khí hậu, mà đặc biệt là tình hình hạn, mặn, sạt lở, triều cường và cũng khuyến nghị nhiều giải pháp để chuyển đổi cũng như thích ứng với những mối hiểm họa này.
Tiền Giang tập trung vào phát triển cây ăn trái. |
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), ĐBSCL được xem là khu vực dễ bị tổn thương do những tác động của biến đổi khí hậu. Thời gian qua, nhiều giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu đã được nông dân các nơi triển khai.
THỰC HIỆN NHIỀU GIẢI PHÁP
Các giải pháp này bước đầu phù hợp với sự thay đổi tự nhiên và các biến động của thời tiết, giúp cải thiện sinh kế, thu nhập và giảm thiểu rủi ro. Có thể kể ra các mô hình canh tác lúa chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang các hình thức canh tác bền vững hơn trên nền đất lúa như: Lúa - cá, lúa - tôm, lúa - sen…; đồng thời, kết hợp với chế biến nông sản, làm du lịch.
Đây là các mô hình “thuận thiên”, theo hướng bảo vệ môi trường, duy trì hệ sinh thái và ứng phó với các biến động khí hậu, rất hợp lý với tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến đời sống, sinh kế của người dân, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Do đó, về lâu dài, PGS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng, cần có những điều chỉnh lịch thời vụ kịp thời, đẩy mạnh nghiên cứu tìm ra các giống cây, con mới có thể chịu đựng khô hạn, nhiễm mặn tốt hơn.
Trong canh tác nông nghiệp, biện pháp tưới tiết kiệm nước sẽ là một giải pháp hữu hiệu giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và phù hợp với sự suy kiệt nguồn nước. Bên cạnh đó, các biện pháp công trình trữ nước, phục hồi nước ngầm, bảo tồn các vùng đất ngập nước, xây dựng và khai thác các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, dòng chảy..) nhằm phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, Tiền Giang đã triển khai các giải pháp để ứng phó, các mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu. Tiền Giang cũng đang nỗ lực để chuyển đổi sản xuất thông qua những việc làm và giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Phương châm của Tiền Giang là biến thách thức, trở ngại thành cơ hội phát triển bền vững, phù hợp chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát huy được tiềm năng đất đai, lao động, giúp nông dân làm giàu. Thực tế cho thấy, tại những khu vực ven biển, người dân đã mạnh dạn chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây thanh long, hoa màu, trồng cỏ, chăn nuôi bò, dê… cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa.
Chăn nuôi cũng đang được chú trọng. |
Theo đó, thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa với diện tích hơn 12.900 ha. Trong đó, chuyển sang cây ăn trái là trên 9.850 ha, chuyển sang trồng hoa màu chuyên canh và nuôi trồng thủy sản hơn 3.000 ha. Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang còn luân canh hoa màu trên nền đất lúa bình quân mỗi năm trên 10.000 ha.
Riêng các huyện phía Đông của Tiền Giang, thực hiện Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”, đến nay tỉnh đã thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng 20.104 ha.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiếu nước sinh hoạt đang trở thành vấn đề lớn đối với tỉnh và nhiều tỉnh khác trong khu vực. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mẫn, để đảm bảo nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2019 - 2020, ngành Nông nghiệp Tiền Giang sẽ tiến hành nạo vét ao chứa và chủ động bơm bổ cấp nguồn nước để tăng khả năng trữ ngọt, sẵn sàng phục vụ cấp nước trong mùa khô.
Song song đó, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang xây dựng kế hoạch điều tiết nguồn nước từ Nhà máy nước Đồng Tâm giữa các trạm đã được đấu nối để đảm bảo việc cấp nước của các trạm trong mùa khô năm 2020; đồng thời, tập trung thi công, lắp đặt và đưa vào sử dụng công trình nâng cấp tuyến ống chuyển tải HDPE từ Trạm Cấp nước Phú Thạnh đến Trạm Cấp nước Phú Đông (huyện Tân Phú Đông).
Ngoài ra, tỉnh sẽ tiến hành đầu tư phát triển các tuyến ống đến cụm dân cư trên địa bàn các huyện phía Đông chưa có đường ống nước kéo đến; mở 106 vòi nước công cộng cho nhân dân ở các khu vực ven biển, ven sông, các hộ dân thuộc xã vùng sâu chưa có nước từ trạm cấp nước, tập trung ở các huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây, huyện Tân Phú Đông và thị xã Gò Công…
A.P