Thứ Ba, 11/10/2016, 17:24 (GMT+7)
.

Nâng cao ý thức - giải pháp chủ yếu kéo giảm tai nạn giao thông

Từ đầu năm đến nay, các cấp, các ngành trong tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông và đạt được kết quả tích cực, nhưng tình hình tai nạn giao thông lại tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý là trên 70% số vụ tai nạn giao thông xảy ra là do ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của người tham gia giao thông còn thấp dẫn đến vi phạm pháp luật như: Sử dụng rượu, bia, đi sai phần đường, làn đường, phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bao hiểm, leo qua dải phân cách… chỉ có không đầy 30%  là từ nguyên nhân khác như: Phương tiện tham gia giao thông tăng cao trong khi cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng, xử phạt chưa nghiêm,... Xét đến cùng trong những nguyên nhân này cũng có những nhân tố từ ý thức của con người.

Nếu đã xác định nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông là do ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của người tham gia giao thông còn thấp dẫn đến có hành vi vi phạm thì giải pháp chủ yếu, hàng đầu thì phải là từ công tác thông tin tuyên truyền. Lâu nay, chúng ta tuy có nói đến việc nâng cao ý thức của người tham gia giao thông là rất quan trọng nhưng lại ưu tiên cho các giải pháp khác mà chưa chú trong đúng mức cho công tác này.

Muốn vậy, phải tạo đột phá mạnh mẽ trong công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của người tham gia giao thông, từ đó nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông nhằm bảo vệ tính mạng cho mình và cho người khác.

Tập trung nguồn lực đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông với các hình thức phong phú, đa dạng, đúng đối tượng, nhất là trong thanh thiếu niên, trong các trường học. Thông tin tuyên truyền thường xuyên, liên tục cả chiều rộng lẫn chiều sâu thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; cổ động trực quan, văn hóa - văn nghệ, thông qua các đoàn thể, gia đình, nhà trường và xã hội, ….Nội dung thông tin tuyên truyền là pháp luật về an toàn giao thông, văn hóa giao thông, nhấn mạnh ý nghĩa của việc nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông là nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của chính mình và cho người khác,…

Cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, ông bà cha mẹ, thầy cô giáo,… tích cực trong công tác thông tin tuyên truyền và gương mẫu chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, thực hiện văn hóa giao thông tạo sự lan tỏa ra toàn xã hội. Dĩ nhiên giải pháp về  thông tin tuyên truyền phải đi liền với xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm và các giải pháp khác đã được triển khai.

Tin rằng, nếu chúng ta làm tốt công tác thông tin tuyên truyền thì ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của người tham gia giao thông sẽ được nâng lên từ đó đó nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông thì tai nạn giao thông sẽ được kéo giảm đáng kể.

NHƯ NGỌC

.
.
.