.

Đậm đà bản sắc Việt qua tà áo dài

Cập nhật: 17:48, 03/03/2018 (GMT+7)

ABO - Trải qua bao ngàn năm với những thăng trầm, biến tấu vẫn còn đó một trang phục truyền thống thuần Việt, không thể lẫn với các nền văn hóa khác, đó là hai tà áo dài, quốc phục của phụ nữ Việt Nam. Trong tự điển tiếng Anh áo dài vẫn chỉ là aodai, chứng tỏ sự đặc trưng khá mạnh của trang phục truyền thống này.

Đất nước từ những năm tháng khó khăn sau thống nhất đến thời đổi mới phát triển; qua nhiều trào lưu thời trang dành cho giới trẻ, có thời điểm áo dài tạm bị lãng quên. Nhưng trong tâm khảm của người Việt, áo dài vẫn có chỗ đứng trong những sự kiện trang trọng mang đậm nét văn hóa truyền thống gia đình.

Trong nhà trường phổ thông, dù có những ý kiến về việc “cách tân” trang phục cho nữ sinh sao cho năng động. gọn nhẹ trong xu thế hiện đại; nhưng áo dài vẫn là sự lựa chọn cho nét dễ thương, trong trắng, thùy mị đầy nữ tính trong sân trường

Năm 2017, sau bộ phim “ Cô ba Sài Gòn” áo dài Việt được "chú ý" nhiều với phiên bản chuẩn Việt hơn; có thể nói bộ phim của Ngô Thanh Vân đã tạo hiệu ứng khá tốt, truyền cảm hứng, làm "sống lại"  trang phục truyền thống với "làn sóng" mặc áo dài  "Cô ba Sài Gòn" trong giới trẻ du xuân 2018.

a
Cán bộ, phụ nữ Tiền Giang tại lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng Ấp Bắc. Ảnh: DS

Đầu tháng 3- 2018, Lễ hội áo dài lần thứ 5 do UBND thành phố Hồ Chí Minh, Sở Du Lịch và Hội LHPN thành phố Hồ Chí minh tổ chức tại phố đi bộ Nguyễn Huệ với sự tham gia của các nhà thiết kế nổi tiếng, và tâm huyết với áo dài Việt. Đây không chỉ là sự kiện nhằm tôn vinh áo dài truyền thống mà còn là một " điểm nhấn" văn hóa để thu hút khách du lịch đến với thành phố mang tên Bác.

Và mới đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở Văn hóa - Thể thao chủ trì, phối hợp nghiên cứu vận động cán bộ, công nhân viên chức, sinh viên, học sinh nữ mặc áo dài 1-2 ngày trong tuần; nhằm đẩy mạnh phong trào mặc áo dài trong các hoạt động đời thường cũng như trong công việc của người dân thành phố chứ không chỉ dừng lại trong các lễ hội áo dài.

Qua dư luận, đa số nữ công nhân viên chức đồng tình với chủ trương của thành phố nhằm  duy trì nét đẹp truyền thống của áo dài Việt, và tạo nên một nét riêng, một “đặc sản du lịch” cho thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là một chủ trương hay, trên tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Nên thiết nghĩ các tỉnh, thành khác cũng nên nghiên cứu, vận động cán bộ, công chức, viên chức mặc áo dài đi làm từ 1-2 ngày trong tuần. Đó cũng là một nét thể hiện văn hóa nơi công sở.

Một số hình ảnh áo dài dễ thương của nữ sinh Tiền Giang:

a
Đến trường của nữ sinh trường PTTH Cái Bè.
a
Nữ sinh trường PTTH Nguyễn Đình Chiểu giờ tan trường.
a
....Và trong giờ ra chơi .
a
Nữ sinh trường PTTH Tân Hiệp

SƠN PHẠM

 

.
.
.