Thứ Sáu, 11/01/2019, 05:13 (GMT+7)
.

Tư duy mới cho phát triển du lịch

(ABO) Lễ hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang tổ chức diễn ra từ ngày 10 đến ngày 14-1 tại Quảng trường Trung tâm tỉnh Tiền Giang là một trong những điểm nhấn quan trọng mở đầu cho chuỗi các hoạt động nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh Tiền Giang trong chặng đường mới, mà nét chính vẫn là hình ảnh du lịch.

Nằm trong bức tranh chung của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), du lịch Tiền Giang những năm qua đã được tỉnh chú trọng đầu tư nhưng dường như chưa tạo nên những dấu ấn đặc sắc riêng.

Dù lượng khách đến Tiền Giang hằng năm đều tăng nhưng vẫn chưa đúng mức với những gì mà Tiền Giang đang hiện hữu, nhất là về địa thế tự nhiên và lợi thế về du lịch miệt vườn sông nước. Điểm nghẽn chính yếu của du lịch Tiền Giang, cũng tương đồng với các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, là chưa có sản phẩm riêng biệt để giữ chân du khách quay trở lại.

f
Tiền Giang đón lượng khách du lịch tương đối lớn.

Nhìn ở khía cạnh khác, Tiền Giang vẫn còn thiếu những điểm du lịch, khu thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm tầm cỡ khu vực và quốc tế; chưa có các sản phẩm du lịch đặc thù, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao trong khi các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phần lớn quy mô vừa và nhỏ, tính chuyên nghiệp chưa cao và thiếu sự gắn kết.

Với lợi thế hiện hữu, du lịch Tiền Giang, tất nhiên vẫn còn tiềm năng để khai thác và phát triển. Chưa kể, xét trong bức tranh chung của khu vực, theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ĐBSCL đã được Chính phủ phê duyệt, Khu du lịch Thới Sơn đã được quy hoạch thành 1 trong 5 khu du lịch quốc gia và TP. Mỹ Tho là Trung tâm du lịch phía Đông của vùng ĐBSCL.

Đó chính là những ưu thế và thuận lợi cho hoạt động du lịch theo hướng du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Tiền Giang. Điều này được xem là thời cơ nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với ngành Du lịch Tiền Giang.

Thay đổi hình ảnh Tiền Giang nói chung, hình ảnh du lịch nói riêng đã và đang được lãnh đạo tỉnh quyết tâm thực hiện. Một tư duy mới về phát triển du lịch cũng đã được tiếp cận với góc độ khác. Để cụ thể hóa mục tiêu này, Nghị quyết 11-NQ/TU của Tỉnh ủy ban hành ngày 5-4-2017  nhằm tạo bước đột phá phát triển toàn diện du lịch của tỉnh cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính bền vững...

Nghị quyết 11-NQ/TU cũng đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể là đến năm 2020 Tiền Giang đón khoảng 2,2 triệu lượt khách, tăng bình quân 8 - 10%; trong đó có trên 900.000 lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch đạt 7.300 tỷ đồng, tăng bình quân khoảng 10%; có ít nhất 290 cơ sở lưu trú; có ít nhất 34.800 lao động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có khoảng 7.000 lao động trực tiếp...

h
Du lịch sông nước vẫn là lợi thế của Tiền Giang.

Tất nhiên, trong khuôn khổ Lễ hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang diễn ra cũng không thể kỳ vọng lượng khách du lịch đến Tiền Giang sẽ tăng một cách đột biến. Bởi muốn thay đổi hình ảnh du lịch Tiền Giang cần một chặng đường dài với nhiều giải pháp cụ thể, hiệu quả.

Nhưng qua đây cũng phần nào thể hiện quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang là mong muốn “xốc” vào lĩnh vực du lịch vốn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Tất nhiên, khai thác, phát triển du lịch trong thời điểm hiện tại không thể nói một cách chung chung, mà phải tìm ra những điểm khác biệt.

Bởi suy cho cùng, điều kiện để khai thác và phát triển du lịch của hầu hết các tỉnh ĐBSCL đều có nhiều nét tương đồng, chưa kể sản phẩm du lịch dường như mang tính na ná, trùng lắp với nhau. Nhưng để tìm ra điểm khác biệt cho từng cụm, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh nói riêng và trong bức tranh chung của vùng ĐBSCL cũng không phải là điều đơn giản…

A.P

 

 

.
.
.