.

Ba hệ lụy nếu chiến tranh tiền tệ Mỹ-Trung bùng nổ

Cập nhật: 21:36, 07/08/2019 (GMT+7)

Nếu chiến tranh tiền tệ Mỹ-Trung bùng nổ, hai nước có thể gia tăng áp thuế nhằm vào hàng hóa của nhau, mức thâm hụt của Mỹ với thế giới sẽ tăng lên và nghiêm trọng hơn hết, nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào suy thoái.

Các diễn biến leo thang căng thẳng thương mại Mỹ-Trung trong những ngày qua đang thổi bùng nguy cơ chiến tranh tiền tệ giữa hai nước này. Ảnh: Bitcoin.com
Các diễn biến leo thang căng thẳng thương mại Mỹ-Trung trong những ngày qua đang thổi bùng nguy cơ chiến tranh tiền tệ giữa hai nước này. Ảnh: Bitcoin.com

Trung Quốc hôm 5-8 cho phép tỷ giá giao dịch của đồng nhân dân tệ (NDT), vốn bị nước này kiểm soát chặt chẽ, giảm về mức thấp nhất trong 11 năm.

Ngay trong ngày hôm đó, Bộ Tài chính Mỹ đã trả đũa bằng cách tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Dán nhãn thao túng tiền tệ đối với một đối tác thương mại là hành động hiếm hoi mà Mỹ mới chỉ thực hiện vài lần trong lịch sử.

Các diễn biến trên khiến giới phân tích lo ngại Mỹ và Trung Quốc có thể bị kéo vào một cuộc chiến tranh tiền tệ, gây thiệt hại cho nền kinh tế của hai bên và cả toàn cầu.

Trong những tuần gần đây, Tổng thống Donald Trump khẳng định vẫn chưa loại bỏ phương án chính phủ Mỹ can thiệp để giảm giá đồng đô la.

Hôm 26-7, ông bác bỏ phát biểu của Giám đốc hội đồng kinh tế quốc gia Larry Kudlow khẳng định Nhà Trắng đã loại trừ phương án hành động trực tiếp để làm suy yếu đô la Mỹ.

Ông nói với các phóng viên: “Tôi không nói rằng tôi sẽ không làm điều gì đó (để làm suy yếu đồng đô la)”.

Viết trên Twitter hôm 5-8, Tổng thống Donald Trump bày tỏ thái độ gay gắt khi cho rằng Trung Quốc từng giảm giá NDT để “đánh cắp hoạt động kinh doanh và nhà máy của chúng ta, gây tổn hại cho việc làm của chúng ta, làm giảm lương của công nhân của chúng ta, gây thiệt hại cho giá bán nông sản của nông dân chúng ta”.

Eswar Prasad, giáo sư chuyên ngành chính sách thương mại ở Đại học Cornell (Mỹ) nhận định: “Tình hình có thể trở nên rất nghiêm trọng nếu căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ chuyển thành một cuộc chiến tranh tiền tệ. Điều này có thể dẫn đến việc Mỹ đóng cửa với gần như tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc”.

Cuộc chiến tranh tiền tệ giữa Mỹ với Trung Quốc, nếu bùng nổ, có thể dẫn đến ba hệ quả dưới đây.

Thâm hụt thương mại của Mỹ sẽ nới rộng

Khi còn là ứng cử viên tổng thống và lúc đương nhiệm tổng thống, ông Trump luôn thể hiện quyết tâm giảm mức thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc và xem đây là nhiệm vụ ưu tiên của chính quyền.

Nhưng năm 2018, Mỹ vẫn chịu thâm hụt thương mại kỷ lục gần 900 tỉ đô la với thế giới, chủ yếu do mức thâm hụt quá lớn với Trung Quốc.

Mức thâm hụt này sẽ phình to thêm trong vài năm tới, theo Robert Scott, chuyên gia kinh tế ở Viện Chính sách Kinh tế, một tổ chức tư vấn ở Washington.

Các chuyên gia nhận định NDT giảm giá có nghĩa là các nhà sản xuất Mỹ sẽ khó khăn hơn khi bán sản phẩm sang Trung Quốc và các thị trường khác, nơi các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang cạnh tranh, làm nới rộng thêm mức thâm hụt thương mại của Mỹ với thế giới.

“Nếu Trung Quốc tiếp tục giảm giá NDT, điều này sẽ khiến tình hình thâm hụt thương mại của Mỹ tồi tệ hơn, ngay cả khi các vòng áp thuế của Mỹ đang làm giảm lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc”, Scott nói.

Gia tăng các đòn thuế

Hồi tháng 5, Bộ Tài chính Mỹ công bố báo cáo giám sát thao túng tiền tệ theo định kỳ 2 năm, trong đó xác định một vài dấu hiệu cảnh báo Trung Quốc giảm giá NDT nhưng không liệt Trung Quốc vào diện thao túng tiền tệ.

Giờ đây, khi Bộ Tài chính Mỹ đã xác định Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể áp đặt thêm nhiều đòn thuế mới với hàng hóa Trung Quốc, châm ngòi cho hành động trả đũa thêm nữa từ phía Trung Quốc.

Giáo sư Eswar Prasad cho rằng Mỹ có thể sử dụng việc định danh thao túng tiền tệ đối với Trung Quốc như là cái cớ để đơn phương áp thêm thuế trừng phạt nhằm vào hàng hóa Trung Quốc.

Ngoài ra, Mỹ cũng có thể khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để loại bỏ ưu thế cạnh tranh bất công được tạo ra bởi các động thái điều hành tỷ giá mới nhất của Trung Quốc. Hoặc Mỹ có thể kêu gọi các đồng minh từ cộng đồng quốc tế hạn chế thương mại với Trung Quốc.

“Một nguy cơ hiện nay là Mỹ xem động thái giảm giá NDT của Trung Quốc như là hành động xâm lược kinh tế để từ đo quyết định leo thang cuộc đối đầu kinh tế chống lại Trung Quốc”, Prasad nói.

Kinh tế toàn cầu suy thoái

Song hậu quả nguy hiểm nhất có thể xảy ra trong một cuộc chiến tranh tiền tệ Mỹ-Trung là nó sẽ gây trì trệ cho tăng trưởng kinh tế của Mỹ lẫn Trung Quốc, có thể khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.

Tăng trưởng của Trung Quốc đang trong đà giảm tốc những năm gần đây, trong khi đó tăng trưởng của Mỹ đã có dấu hiệu đuối sức.

Nếu NDT tiếp tục suy yếu, điều này có thể gây tổn thương cho các nhà sản xuất châu Âu đang cạnh tranh với các sản phẩm của Trung Quốc, dẫn đến nền kinh tế các nước châu Âu cũng tăng trưởng trì trệ.

“Các bất ổn tài chính liên quan đến các cuộc chiến tranh thương mại sẽ càng làm gia tăng tình trạng không chắc chắn, gây tổn thương cho niềm tin và đầu tư. Điều này có thể tác động lớn hơn đối với nền kinh tế Mỹ”, Mark Sobel, một cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, cảnh báo.

Steven Charles Kyle, giáo sư chuyên ngành kinh tế ở Đại học Cornell, cho biết nguy cơ gia tăng các đòn thuế và sự giảm giá của các loại tiền tệ đang gợi lại những diễn biến dẫn đến Đại khủng hoảng (Great Depression) vào thập niên 1930 (thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra từ năm 1929 đến hết các năm 1930 và lấn sang đầu thập kỷ 1940).

“Đây chính xác là những gì đã xảy ra khi Đại khủng hoảng thực sự bắt đầu vào thập niên 1930: các nước dựng hàng rào thuế quan cao và cố gắng cạnh tranh vượt lên các đối tác thương mại của họ bằng nỗ lực phá giá tiền tệ. Sau một vài năm như vậy, thương mại thế giới đã gần như ngưng trệ toàn hoàn”, Kyle cho biết.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.