"Vụ Big C" từ góc nhìn chiến lược
Cập nhật: 21:40, 05/07/2019 (GMT+7)
Việc tập hợp thành một quần thể và tiến hành cuộc xâm chiếm thị trường Việt Nam thông qua một hệ thống bán lẻ là câu chuyện về chiến lược phát triển ngành, không bó hẹp ở góc độ của một doanh nghiệp.
Một minh chứng gần là câu chuyện của Samsung, khi sang Việt Nam, họ kéo theo đó là hàng trăm vendor. Mối quan hệ giữa Samsung và các vendor Hàn Quốc là mối quan hệ cộng sinh. Tuy nhiên, nếu có điều cần nói chính là sự khôn khéo khi Samsung đánh bật các nhà cung cấp Việt Nam bằng cách đưa ra mức giá quá thấp và yêu cầu về tiêu chuẩn cao, để khẳng định “Việt Nam không cung cấp nổi con ốc cho các điện thoại Samsung”.
Bản chất của hội nhập
“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng người khác” được rao giảng nhiều ở các khóa quản trị doanh nghiệp, nhưng nó cũng là thứ cần phải được các policy maker thuộc nằm lòng. Bản chất của hội nhập và FTA là như vậy. Khi mà các rào cản thương mại được dỡ bỏ, thì cuộc chiến “xáp lá cà” chiếm lĩnh thị trường được tiến hành ào ạt. Quan sát các cuộc chinh đoạt thị trường như vậy, có ba điều được rút ra:
Thứ nhất, liên kết doanh nghiệp hoặc thậm chí là ngành sản xuất; Thứ hai, định hướng của Nhà nước; Thứ ba, các chính sách hỗ trợ.
Big C là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ. Lợi nhuận theo đó đến từ hoạt động bán hàng. Một doanh nghiệp bán lẻ không có động cơ để từ chối khách hàng, đặc biệt là từ chối cả một ngành sản xuất của thị trường mà họ đang hiện diện thương mại.
Điều gì từ... “vụ Big C”?
Người Thái đã mua Big C một cách hợp pháp. Với tư cách là chủ doanh nghiệp, người Thái có quyền quyết định chiến lược phát triển thông qua việc bán sản phẩm nào. Ngay cả khi người Thái dừng kinh doanh các sản phẩm may mặc của Việt Nam, thì quyết định đó cũng cần phải nhìn nhận là một hành vi bình thường trong kinh doanh.
Cộng đồng doanh nghiệp có quyền phản đối, thậm chí tẩy chay Big C vì đó là quyền của doanh nghiệp hoặc người dùng nhưng nhà nước thì không có quyền đưa ra các phát ngôn hoặc những hành động bất lợi cho Big C trước khi có những bằng chứng xác đáng hơn.
Điều tiết hoặc trừng phạt Big C (nếu có) phải dựa trên các qui định của pháp luật, mà trước hết là Luật Cạnh tranh đối với hành vi của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường [Big C]. Bất kì một sự cổ xúy mang tính cảm tính từ Nhà nước, đều có thể mang đến những suy luận méo mó về một nền kinh tế thị trường tại Việt Nam.
Quản lý Nhà nước về kinh tế trong nền kinh tế thị trường mặc dù được định hướng bởi chính sách và chiến lược phát triển nhưng khi đi vào cuộc sống, nó phải được thể hiện thành những câu chữ của pháp luật. Nhà hoạch định chính sách không “diễn dịch” được thành câu chữ trong các văn bản pháp lý tương ứng, để cho các doanh nghiệp chân chính bị chèn ép, thì đó là sự yếu kém về mặt xây dựng pháp luật. Và cũng như bất kì sự yếu kém nào khác, sự yếu kém về hoạch định chính sách cạnh tranh quốc gia và xây dựng pháp luật đều phải trả “học phí” bằng những tổn thất tương ứng.
Giải pháp để cạnh tranh
Hội nhập kinh tế khu vực và/hoặc thế giới đòi hỏi sự khôn ngoan về chiến lược. Trong bối cảnh một nền kinh tế với năng lực còn những điểm hạn chế nhất định, để có thể cạnh tranh được và tồn tại trước các đối thủ lớn mạnh hơn, vai trò của chiến lược càng quan trọng.
Thứ nhất, nhà nước nên xem cách làm của người Thái là một bài học kinh nghiệm thú vị mà Việt Nam cần tham khảo trong các chiến lược phát triển ngành. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới chỉ ra, với tuyệt đại đa số doanh nghiệp là nhỏ và siêu nhỏ, cơ hội nào cho các doanh nghiệp này vươn ra thị trường khu vực và thế giới nếu thiếu sự hậu thuẫn bởi định hướng, chính sách hỗ trợ của Nhà nước và được dẫn đầu bởi một nhà quán quân của ngành sản xuất.
Thứ hai, tất cả các tranh chấp xuất phát từ hoặc liên quan đến vụ việc này phải được giải quyết bởi và chỉ duy nhất bằng pháp luật. Những phát ngôn hoặc hành xử dựa trên cảm tính của khu vực công quyền đều có thể đưa Việt Nam vào những rủi ro pháp lý trước các vụ kiện liên quan giữa Nhà nước và Nhà đầu tư nước ngoài. Chả phải tình cờ mà các Hiệp định về tự do thương mại quốc gia và/hoặc khu vực đều có những điều khoản về giải quyết tranh chấp kiểu này.
(Theo enternews.vn)