Bán 800.000 tấn gạo: Ai được xuất, ai nằm chờ?
Tổng lượng gạo cần phải giao ngay từ nay đến hết tháng 5-2020 ít nhất là 1,385 triệu tấn, trong khi tổng lượng có thể xuất khẩu (theo đề xuất của Bộ Công Thương) chỉ 800.000 tấn. Vậy, ai sẽ được xuất, ai tiếp tục nằm chờ?
Ai sẽ được xuất, ai không trong 800.000 tấn gạo được đề xuất bán trở lại. Ảnh: Trung Chánh |
Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán xâm nhập mặn. Tại đây, Bộ Công Thương cho biết, sau khi thực hiện dự trữ và mua thêm để phòng ngừa tình huống khẩn cấp, thì trong tháng 4 và 5-2020, Việt Nam còn dư 800.000 tấn gạo có thể xuất khẩu.
Căn cứ vào tình hình nêu trên, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo, nhưng phải kiểm soát chặt số lượng theo từng tháng, trong đó, lượng gạo được phép xuất trong tháng 4 là 400.000 tấn và tháng 5 sẽ được quyết định vào tuần cuối cùng của tháng 4.
Tuy nhiên, tổng lượng gạo được các doanh nghiệp của Việt Nam ký bán và chờ giao cho đối tác đến ngày 27-3-2020 là 1,665 triệu tấn (bao gồm doanh nghiệp hội viên Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) và một số doanh nghiệp ngoài VFA được Bộ Công Thương yêu cầu báo cáo- PV), trong đó, có ít nhất 1,385 triệu tấn cần phải giao ngay từ nay đến hết tháng 5-2020.
Vậy câu hỏi được đặt ra, ai sẽ được xuất, ai sẽ tiếp tục nằm chờ?
Trao đổi với TBKTSG Online vào ngày 7-4 về câu chuyện nêu trên, một vị cựu lãnh đạo ngành lương thực Việt Nam cho biết, trước khi tham mưu một quyết định, Bộ Công Thương nên tính toán kỹ các giải pháp, chứ không thể nghe một số kiến nghị rồi tham mưu dừng xuất khẩu, sau đó lại tham mưu xuất khẩu trở lại.
“Như vậy là không phù hợp vì cần phải có nhiều giải pháp để xử lý những phát sinh liên quan đến chuyện dừng xuất khẩu”, vị này nhấn mạnh.
Theo vị này, việc đề xuất tháng 4 và 5 có thể xuất khẩu 800.000 tấn gạo, trong khi lượng hợp đồng phải giao từ nay đến hết tháng 5-2020 đến gần 1,4 triệu tấn. “Vậy xử lý tình huống này ra làm sao? Ai được xuất, ai không?”, vị nêu câu hỏi và cho rằng không thể giải quyết theo kiểu ai đăng ký trước được xuất trước, ai đăng ký sau xuất sau, bởi không có căn cứ nào để giải quyết như vậy khi ngành gạo đã duy trì cơ chế mở.
Liên quan vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long) nói rằng: “Cái này thật ra các doanh nghiệp cũng đang rất đau đầu”.
Theo ông, ai được xuất, ai phải ở lại nằm chờ đã được nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề. “Nếu thật sự không minh bạch (trong việc đơn vị nào được xuất, đơn vị nào nằm chờ), doanh nghiệp người ta sẽ rất chán nản”, ông nói và cho rằng trong quá khứ chuyện “con ruột, con ghẻ” trong phân bổ hạn ngạch xuất khẩu khi còn duy trì cơ chế hợp đồng tập trung cũng đã từng xảy ra.
“Bây giờ, nếu trường hợp cho xuất 800.000 tấn, thì đương nhiên phải thừa hợp đồng lại rồi”, ông nói và cho rằng cần có cơ chế minh bạch, công bằng giữa các doanh nghiệp trong phân giao xuất khẩu.
Giám đốc một doanh nghiệp ở Long An cho rằng, nếu không giải quyết minh bạch sẽ có tiêu cực xảy ra trong phân bổ hạn ngạch của 800.000 tấn được xuất khẩu như đề xuất của Bộ Công Thương. “Trước mắt, có thể giải quyết: những hợp đồng cái đã mở L/C rồi, thì cho xuất”, vị này cho biết.
Vị cựu lãnh đạo ngành lương thực nêu trên cho biết, có một vấn đề cần sớm giải quyết, đó là phải giải phóng lượng hàng của doanh nghiệp đang tồn kho ngoài cảng, bởi việc ùn ứ hàng hóa đang gây thiệt hại rất lớn cho họ.
“Tàu đã vô đậu neo đậu, nhưng phải ngưng cho tới nay, rồi các doanh nghiệp phải bồi thường các hợp đồng, bồi thường phương tiện chờ đợi..., rất là tốn kém”, vị này cho biết và nói rằng hai năm qua doanh nghiệp, nông dân đã chịu tổn thất rất nặng nề do biến động của thị trường thế giới. “Nhưng, giá vừa lên chút đỉnh, doanh nghiệp và nông dân vừa có lợi, thì ngưng ngay là không tốt”, vị này cho biết.
(Theo thesaigontimes.vn)