Thay đổi thói quen từ dịch bệnh Covid-19
(ABO) Cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 hiện chưa có điểm dừng. Mọi người, mọi nhà đã và đang trở thành những chiến sĩ trên mặt trận chống dịch Covid-19. Cách ly xã hội cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện nhằm giảm thiểu đến mức tối đa những ảnh hưởng của Covid-19 gây ra. Đó là một cuộc chiến thật sự khốc liệt và là bài toán “cân não” cho cả hệ thống chính trị Việt Nam.
Song, nhìn ở góc độ khác, Covid-19 đã làm thay đổi thói quen hằng ngày của nhiều người, nhiều ngành, nhiều cơ quan, doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, dịch bệnh Covid-19 đã mang đến một góc độ tiếp cận khác trong xử lý công việc hằng ngày của các cơ quan, doanh nghiệp.
Thói quen tiêu dùng của người dân cũng thay đổi qua dịch bệnh Covid-19. |
Đó là họp trực tuyến, làm việc qua Internet, ứng dụng công nghệ thông tin thông qua xử lý thủ tục hành chính trực tuyến. Đó là mua hàng online, thanh toán không dùng tiền mặt, kể cả việc cân nhắc trong các khoản chi tiêu hay trong giao tiếp, ứng xử hằng ngày của người dân…
Dấu hiệu rõ nhất là việc triển khai họp trực tuyến của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, các sở, ngành trong thời gian chống dịch bệnh Covid-19; việc tăng cường giải quyết thủ tục hành chính qua đường bưu điện hoặc gửi trực tuyến (online) đối với những thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4 của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tiền Giang; việc khuyến khích đặt hàng qua các kênh như điện thoại, Zalo, Facebook… của Co.opmart Mỹ Tho hay triển khai ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt của hệ thống ngân hàng, thông qua ví điện tử VNPT Pay của Viễn thông Tiền Giang...
Mới đây, một số phần mềm hội họp, làm việc trực tuyến thông qua ứng dụng MaGaMeeting của Tổng Công ty Viễn thông Mobifone hoặc ứng dụng họp trực tuyến VNPT Vmeeting của VNPT Tiền Giang cũng đã được triển khai thực hiện… Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế ứng dụng công nghệ hiện nay và hướng dần đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra.
Chưa kể, trong giai đoạn dịch Covid-19 cũng làm cho người dân “cân, đo, đong, đếm” hơn trong các khoản chi tiêu và hơn hết là quan tâm, chăm chút hơn cho sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Dịch bệnh Covid-19 chắc chắn sẽ tác động lớn đến đời sống của người dân, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và sẽ để lại rất nhiều hệ lụy. Song, nếu tiếp cận ở góc độ khác, dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi về nhận thức và hành động trong cuộc sống của người dân.
ANH PHƯƠNG