.

Khẩu trang, lợi nhuận và đạo đức

Cập nhật: 16:52, 02/02/2020 (GMT+7)

Tình trạng tăng giá bán khẩu trang ở một số cửa hàng thuốc và ở chiều ngược lại, cảnh phát khẩu trang miễn phí ở nhiều nơi, đem lại những cảm xúc trái ngược trong bối cảnh lo ngại về dịch bệnh gia tăng.

Trong những ngày qua, thế giới đã không ngừng dõi theo những gì đang diễn ra ở Trung Quốc khi thông tin về dịch viêm phổi do virus corona liên tục được cập nhật và những con số cùng những diễn biến phức tạp của nó khiến tất cả phải lo ngại.

Ngay tại Việt Nam, dịch bệnh cũng đã xuất hiện và ngày 1-2, Thủ tướng đã quyết định công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam do chủng mới của virus corona gây ra. 

Và có thể thấy ảnh hưởng rõ ràng nhất của dịch bệnh đến đời sống người dân qua khung cảnh tại một số nhà thuốc, nơi thường cung cấp khẩu trang y tế. Nhiều nhà thuốc đã lợi dụng để tăng giá khẩu trang và các cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra: Riêng tại Hà Nội, tới ngày 1-2, có 16 cửa hàng và 2 cá nhân bị xử lý.

Câu chuyện khẩu trang tăng giá đã  được khởi đầu khá sớm khi người dân phản ánh, ngày 26-1, một doanh nghiệp cung cấp hàng hóa ở sân bay đã nhanh nhạy cung cấp khẩu trang với giá 35.000 đồng/chiếc. Dù sau đó chính công ty này đã “đính chính” thông tin, giá 35.000 đồng là dành cho 2 chiếc khẩu trang, thì sự bức xúc của dư luận dành cho doanh nghiệp này cũng không vì thế mà vơi bớt đi một nửa. Thậm chí ngay cả khi công ty từ chuyện bán với giá gấp cả chục lần chuyển sang phát miễn phí thì những cảm xúc tiêu cực về cách hành xử của doanh nghiệp này cũng chẳng thay đổi được là bao.

Dịch bệnh luôn là điều không mong muốn với bất cứ ai và với cả xã hội. Ngoài hậu quả lớn nhất là cướp đi sinh mạng của rất nhiều người, dịch bệnh gây nên những tổn hại, di chứng về sức khỏe và hơn thế nữa đảo lộn cuộc sống gây nên những thiệt hại khó hình dung hết cho cả nền kinh tế, xã hội của nhiều nước trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, trước dịch bệnh mỗi quốc gia, mỗi tổ chức và mỗi doanh nghiệp cũng như mỗi cá nhân đều có trách nhiệm ở những mức độ nhất định góp phần ngăn chặn dịch bệnh trách sự lây lan. Thế nhưng, không ít cửa hàng và cá nhân lại lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.

Thời gian trước mắt, việc người dân vẫn phải tiếp tục chủ động thực hiện việc phòng chống lây nhiễm, khẩu trang cũng sẽ vẫn là một trong những mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, trong nỗi lo lắng của người dân về dịch bệnh, không loại trừ vẫn còn nhiều những doanh nghiệp lợi dụng để trục lợi. Điều này vừa trái các quy định của pháp luật, vừa trái các nguyên tắc đạo đức căn bản nhất.

Lãnh đạo Chính phủ đã có những chỉ đạo hết sức cụ thể và quyết liệt trong phòng chống dịch, trong đó yêu cầu rút giấy phép kinh doanh hiệu thuốc tăng giá khẩu trang. Trong bối cảnh hiện nay, tuyên truyền để người dân bình tĩnh, hiểu rõ và phòng chống dịch bệnh đúng cách, kiểm tra xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng tăng giá là những cách mà cơ quan chức năng có thể sử dụng để  “bình ổn” thị trường khẩu trang cũng như những sản phẩm trong phòng chống dịch bệnh.

Tất nhiên, có thế lý giải, đã là buôn bán thì lợi nhuận phải đặt lên hàng đầu. Nhưng ngay trong dịch bệnh, không phải tất cả mọi người đều chỉ biết nghĩ đến những lợi ích của bản thân. Những câu chuyện về các y bác sĩ, các nhà khoa học tự nguyện lên đường tìm đến vùng dịch để hỗ trợ điều trị hay để nghiên cứu tìm vaccine vẫn khiến mỗi người xúc động. Và ngay cả tại Việt Nam, bên cạnh nhiều cửa hàng nhà thuốc tăng giá, vẫn có những doanh nghiệp, những cá nhân phát khẩu trang miễn phí giúp người dân có phương tiện bảo vệ mình.

Dịch bệnh chẳng thể kéo dài mãi, với người kinh doanh, thành công sẽ đến bằng trí tuệ, bằng chiến lược kinh doanh phù hợp. Cách làm “ăn sổi ở thì” lợi dụng dịch bệnh để trục lợi sẽ chẳng thể giúp họ thành công mãi, chưa kể những ấn tượng xấu mà họ để lại cùng với làn sóng tẩy chay mà người tiêu dùng có thể sử dụng để trả lời cho cách làm ăn bất lương này...

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.