Chương mới cho kinh tế Việt Nam
(ABO) Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV vừa kết thúc đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Xóa bỏ lao động cưỡng bức (ILO) được ban hành đã đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam, chủ động tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tiêu chuẩn cao hơn, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới trong quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU; khẳng định quyết tâm thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong các hiệp định thương mại cũng như thực hiện nghĩa vụ là quốc gia thành viên ILO của Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Điểm đáng chú ý nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), có hiệu lực sau 2 tháng kể từ khi Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê chuẩn, đánh dấu một bước tiến mới cho chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung và trong mối quan hệ hợp tác với EU. Khi EVFTA chính thức có hiệu lực điều này đồng nghĩa với việc kinh tế Việt Nam chính thức bước sang một chương mới với nhiều cơ hội để bứt phá hơn nhưng cũng hàm chứa khá nhiều khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua.
EVFTA được khởi động từ ngày 26-6-2020 sau khi được Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU tuyên bố chính thức khởi động đàm phán EVFTA. Sau chặng đường đàm phán căng thẳng, gay go, đến ngày 30-6-2019, Việt Nam và EU chính thức ký kết EVFTA tại Hà Nội mở ra một giai đoạn mới cho kinh tế Việt Nam trong bức tranh hợp tác với EU.
Theo đánh giá của các chuyên gia, EVFTA đánh dấu bước chuyển quan trọng trong quan hệ Việt Nam - EU theo hướng xây dựng quan hệ đối tác bình đẳng, cùng có lợi. Bởi theo kết quả nghiên cứu cho thấy, EVFTA sẽ giúp cho GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm hơn 42% vào năm 2025. EVFTA cũng là hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất mà phía EU từng thỏa thuận với một quốc gia đang phát triển.
EVFTA sẽ mang lợi nhiều cơ hội cho kinh tế Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Chẳng hạn, về mặt thuế quan, Việt Nam và EU cam kết sẽ cắt giảm gần 100% số dòng thuế đối với hàng hóa của hai bên với lộ trình từ 7 - 10 năm. Ngoài các dòng thuế, EVFTA còn mang đến nhiều tiện ích khác.
Theo Bộ Công thương, Hiệp định EVFTA gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: Thương mại hàng, quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý - thể chế…
Nhìn từ bức tranh chung, EVFTA không chỉ là sân chơi mang tầm quốc gia, mà còn là cơ hội cho các tỉnh, thành và cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước. Kinh tế Tiền Giang cũng nằm trong dòng chảy hội nhập như thế. Bởi trên thực tế, từ lâu các doanh nghiệp của Tiền Giang cũng đã tham gia vào sân chơi của EU. Một khi EVFTA được mở ra, sân chơi ngày càng lớn hơn, chắc chắn sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp của Tiền Giang, nhất là đối với các sản phẩm mà Tiền Giang có nhiều lợi thế như: Thủy sản chế biến, rau quả…
Khi trao đổi về ảnh hưởng của EVFTA, giám đốc một doanh nghiệp trong ngành chế biến thủy sản xuất khẩu tại Khu công nghiệp Mỹ Tho cho rằng, sản phẩm của công ty đã có mặt trên 70 thị trường khác nhau, trong đó phần lớn là thị trường châu Âu, nên cơ hội mà EVFTA mang lại được dự báo sẽ rất lớn nếu biết tận dụng những cơ hội này…
Rõ ràng, EVFTA hay EVIPA… đã tiếp nối cho chặng đường mới trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng của kinh tế Việt Nam. Đó là sân chơi lớn và rộng mở hơn.
A.P